Việc chính quyền của ông Trump tấn công phủ đầu Triều Tiên có thể đe dọa mạng sống của hàng triệu người Hàn Quốc ở Seoul và các khu vực xung quanh.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vilson ở Thái Bình Dương. Ảnh: Stars and Trips
Đó là nhận định của Tiến sĩ Benjamin Habib – giảng viên Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học La Trobe – trong bài viết đăng trên trang mạng The Conversation.
Theo tiến sĩ Benjamin Habib, cộng đồng quốc tế đang phải học cách sống chung với CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Đó là vì Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân với bất kỳ giá nào; các biện pháp trừng phạt kinh tế do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt chỉ có tác động tối thiểu trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và các lựa chọn quân sự chống Bình Nhưỡng có nguy cơ cao dẫn đến thảm họa chiến tranh toàn diện.
Chính quyền của ông Trump dường như đồng ý với hai lý do đầu tiên, nhưng lại có quan điểm ngược lại về tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Chấm dứt “kiên nhẫn chiến lược”?
Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào tháng 9/2016 và từ đó đã tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa.
Những lý do khiến ban lãnh đạo Triều Tiên tiến hành các vụ thử nghiệm nói trên bao gồm: thúc đẩy phát triển công nghệ của chương trình vũ khí hạt nhân; phản ứng trước các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc hàng năm và “nắn gân” chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đáp lại, trong chuyến thăm Hàn Quốc gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng “chính sách kiên nhẫn chiến lược” của Washington đối với Bình Nhưỡng “đã kết thúc” và “tất cả các sự lựa chọn đều nằm trên bàn” để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump đã triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay áp sát bán đảo Triều Tiên, báo hiệu việc Mỹ sẵn sàng cho một cuộc tấn công phủ đầu, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân.
Sau việc Mỹ dùng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria, Bình Nhưỡng cần nghiêm túc xem xét mối đe dọa này. Nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến toàn diện trên bán đảo Triều Tiên và ở các khu vực xung quanh đang ngày càng hiện hữu.
Khả năng hạt nhân của Triều Tiên
Tấn công các căn cứ tên lửa Triều Tiên là một chuyện, nhưng việc phá hủy cơ sở hạ tầng hạt nhân của Bình Nhưỡng lại là chuyện khác.
Để các cuộc không kích chính xác thành công, Mỹ cần phá hủy được những địa điểm quan trọng nhất.
Trong giai đoạn đầu, chương trình hạt nhân của Triều Tiên tập trung vào các lò phản ứng và cơ sở tái chế tại Yongbyon. Sau đó, các công đoạn quan trọng nhất trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên như chế tạo bom nguyên tử và các kho dự trữ vật liệu phóng xạ có thể đã được tiến hành bí mật, nằm sâu trong lòng đất, được bảo vệ tốt trước các cuộc không kích.
Nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn diện
Một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ chống Triều Tiên chắc chắn sẽ biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện, với tổn thất khổng lồ cho cả hai bên.
Đây là một trong những lý do vì sao Hàn Quốc đã không trả đũa bất kỳ vụ khiêu khích nào của CHDCND Triều Tiên trong hai thập kỷ qua – thậm chí cả các cuộc tấn công vô cớ như việc đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hải quân Hàn Quốc. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc dễ bị tổn thương trước cuộc tấn công pháo binh, tên lửa của Triều Tiên bởi vì nằm sát khu phi quân sự. Thành phố Seoul có hàng chục triệu dân hầu như “vô phương chống đỡ” đòn tấn công ồ ạt bằng trọng pháo và tên lửa phóng loạt của Triều Tiên.
Việc chính quyền của ông Trump châm ngòi cuộc chiến tranh toàn diện có thể gây nguy hiểm đến mạng sống của hàng chục triệu công dân Hàn Quốc ở thủ đô Seoul và các khu vực xung quanh.
Liên minh Mỹ-Hàn Quốc khó có thể tồn tại trong một thảm họa khu vực như vậy, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng đó bị châm ngòi bởi sự can thiệp vụng về của Mỹ.
CHDCND Triều Tiên không dễ bắt nạt như Syria
CHDCND Triều Tiên không dễ bắt nạt như Syria. Chính vì vậy, nhiều đời tổng thống Mỹ đã chọn phương án răn đe, chứ không phải tấn công phủ đầu, đối với Bình Nhưỡng. Họ nhận ra rằng các lựa chọn quân sự có thể mang lại nhiều rủi ro cao đến mức không thể nào chịu đựng nổi.
Triều Tiên có sẵn phương tiện để trả đũa vào các mục tiêu tại Hàn Quốc và Nhật Bản bằng vũ khí thông thường cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chính vì vậy mà nhóm chính sách đối ngoại của ông Trump cần phải xem xét lại cái logic leo thang căng thẳng của họ đối với bán đảo Triều Tiên.
Thật trớ trêu, với việc điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson áp sát bán đảo Triều Tiên, chính quyền của ông Trump đang làm cái việc dại dột: gia tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến mang tính hủy diệt đối với bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.