BienDong.Net: Tiếp theo các chuyến thăm Việt Nam của một số Nghị sĩ Mỹ, từ ngày 13 đến 16/8/2014, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey thăm Việt Nam để thảo luận về tương lai hợp tác quân sự giữa hai bên.
Chuyến thăm của Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ đến Hà Nội đánh dấu sự công nhận và sự hoàn tất của quá trình bình thường hóa quan hệ mà Tổng thống Bill Clinton khởi xướng từ năm 1995.Cùng với chuyến đi Việt Nam của Tướng Martin Dempsey là những thông tin về việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam báo hiệu cho việc chấm dứt giai đoạn cấm vận vũ khí, mở đường cho việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam.
Tướng Martin Dempsey thăm Việt Nam giữa lúc tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng do các hoạt động đơn phương của Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của USA Today, Tướng Martin Dempsey cho rằng Việt – Mỹ có lợi ích chung. Vị trí chiến lược của Việt Nam nằm giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, làm cho Việt Nam là một thành tố quan trọng trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề ở Biển Đông. Tướng Martin Dempsey nhấn mạnh Việt Nam có thể có ảnh hưởng đối với Biển Đông và những diễn biến ở Biển Đông hơn bất kỳ một nước nào khác.
Một số nhà phân tích cho rằng trọng điểm hợp tác quân sự giữa Mỹ và Việt Nam là ở lĩnh vực an ninh biển, đối tượng nhằm vào chính là Trung Quốc. Sự can dự của Mỹ vào Biển Đông không chỉ là thái độ mà đã chuyển sang hành động. Hiện Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích là ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy 2 nước xích lại gần nhau hơn, bỏ qua những mặc cảm quá khứ.
Việc Mỹ có thể bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ tạo cơ sở để Mỹ giúp Việt Nam trang bị vũ khí hiện đại, qua đó nâng cao năng lực quân sự trên biển của Việt Nam. Đây là một cơ hội mà Hà Nội cần tranh thủ để nâng cao tiềm lực của các lực lượng chức năng trên biển, đối phó với Trung Quốc.
Trước đây, Việt Nam chủ yếu mua vũ khí của Nga, nhất là các vũ khí mang tính chiến lược, bao gồm cả tàu ngầm và máy bay. Tuy nhiên, hiện nay quan hệ Nga – Trung đang ở vào giai đoạn tốt nhất, Nga bán cho Trung Quốc nhiều loại vũ khí còn tối tân hơn vũ khí bán cho Việt Nam, thậm chí Nga còn chuyển giao một số công nghệ vũ khí cho Trung Quốc. Nếu Việt Nam chỉ có vũ khí của Nga sẽ bất lợi nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc vì Trung Quốc hiểu rõ những loại vũ khí của Nga bán cho Việt Nam.
Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam có thể mua các vũ khí của Mỹ để hóa giải những bất lợi trong việc chỉ có vũ khí của Nga. Đây là điều hết sức cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước trước tham vọng và những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam luôn khẳng định kiên trì thông qua biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, song Việt Nam cần phải chuẩn bị cho khả năng xấu nhất là phải đối đầu quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông vì Trung Quốc không từ bỏ ý đồ độc chiếm Biển Đông và không loại trừ khả năng tấn công quân sự Việt Nam trên biển.
Theo Tướng Martin Dempsey, Việt Nam đang có vị trí rất quan trọng trong bàn cờ chiến lược của Mỹ ở khu vực và trong việc triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ. Những động thái gần đây cho thấy Mỹ đang kéo Việt Nam ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và đang cùng với các đồng minh Nhật, Philippines và Úc thiết lập một nhóm đối trọng với chủ nghĩa bành trướng, bá quyền của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã theo dõi sát sao những động thái hợp tác quân sự Mỹ – Việt, bao gồm chuyến thăm Việt Nam của Tướng Martin Dempsey, chỉ trích Việt Nam “theo Mỹ để kiềm chế Trung Quốc”. Báo chí Trung Quốc hằn học trước những diễn biến mới trong quan hệ Việt – Mỹ, cho rằng “Việt Nam dẫn sói vào nhà để chống Trung Quốc”. Mặt khác, một số báo của Trung Quốc thì cho rằng việc Trung Quốc thay đổi chính sách đối với “Nam Hải” (Biển Đông) chính là chất xúc tác thúc đẩy quá trình nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ bất lợi cho Trung Quốc; việc Trung Quốc đặt lợi ích biển lên vị trí chiến lược quan trọng và hành động cứng rắn hơn ở Biển Đông đã khiến Việt Nam nghi ngại và phải phòng bị.
BDN