Biendong.net – Có nhiều chủ thể
cùng tác động tới các chính sách của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển
Đông. Trong đó Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trước tiên là Ban thường vụ Bộ
chính trị vẫn là cơ quan tối cao trong việc ra quyết sách, và Hồ Cẩm Đào là
lãnh tụ tối thượng, có ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, thông thường thì các ủy viên
thường vụ Bộ Chính trị lại không trực tiếp nắm rõ những vấn đề cụ thể liên quan
tranh chấp ở Biển Đông cho nên phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong
Nhóm công tác đối ngoại. Điều này khiến Đới Bỉnh Quốc, trực tiếp phụ trách nhóm
này, được xem là người có ảnh hưởng nhất về đối ngoại ngoài Thường vụ Bộ Chính
trị.
Vai trò của Bộ ngoại giao Trung Quốc trong công tác hoạch định chính sách
bị suy giảm, các vị lãnh đạo trong Đảng quyết định mối quan hệ với các nước lớn
và đối tác cơ bản. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng có vai trò nhất định
trong việc đưa ra chính sách, tuy gần đây vẫn bị hạn chế. Sau Lưu Hoa Thanh thì
không có đại diện nào của quân đội được bầu vào Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, cũng
xuất hiện các chủ thể khác ảnh hưởng đến quá trình ra chính sách của Trung
Quốc, trong đó đáng kể là các tập đoàn dầu khí, năng lượng. Vì thế, Trung Quốc đang
cần một chiến lược tổng thể, và nguyên tắc chỉ đạo của chiến lược này vẫn là
phải bảo vệ được những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đó là “chủ quyền, an
ninh và phát triển”. Trọng tâm địa chính trị trong chiến lược đối ngoại của
Trung Quốc là châu Á, với xu hướng tập trung hơn về phía Tây.
Trong các chủ
thể có ảnh hưởng lớn đối với chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông có hai chủ
thể đáng chú ý là quân đội và các tập đoàn năng lượng, dầu khí của Trung Quốc. Quân
đội ngày càng có tiếng nói quan trọng hơn trong cả đối nội và đối ngoại, bởi
các lý do: (1) So với thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình vai trò
quyết định của Chủ tịch Quân ủy trung ương giảm đi rất nhiều, thay vào đó là cơ
chế quyết định dựa trên sự đồng thuận. Các phe phái sẽ đấu tranh hết sức gay
gắt nên Chủ tịch phải dựa vào tập thể Quân ủy trung ương để củng cố vai trò
lãnh đạo của mình; (2) Mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc ngày càng gia
tăng, vì vậy chính quyền cần đến sức mạnh quân đội để duy trì vai trò lãnh đạo
của mình; (3) Sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc, vươn ảnh hưởng
tới những khu vực giàu năng lượng là xu thế mà Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên,
thêm vào đó, các tập đoàn dầu khí Trung Quốc cũng có ảnh hưởng đáng kể đến
chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, những hợp đồng khai thác của các tập
đoàn dầu khí vừa giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng vừa làm tăng ảnh
hưởng địa chính trị của Trung Quốc, chính vì thế các tập đoàn dầu khí cũng có
ảnh hưởng rất lớn tới các chính sách của Trung Quốc.
Thời gian tới Trung Quốc
sẽ đẩy mạnh chính sách ở Biển Đông theo hướng vừa cứng rắn, kiên quyết để bảo
vệ các lợi ích liên quan đến chủ quyền lãnh thổ thông qua việc hiện đại hóa
quân đội, tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân để tạo không gian phát
triển an toàn xung quanh Trung Quốc. Đồng thời, các tập đoàn (chủ yếu là năng
lượng và khoáng sản) sẽ tiếp cận trên quan điểm thực dụng, tranh thủ thời cơ để
đẩy mạnh các dự án khai thác chung ở Biển Đông, tối đa hóa các lợi ích kinh tế.