Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaĐại án tham nhũng chấn động TQ khiến Mao Trạch Đông đích...

Đại án tham nhũng chấn động TQ khiến Mao Trạch Đông đích thân ra lệnh tử hình

Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện là những quan tham liên quan đến đại án tham nhũng chấn động Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

Hiện trường vụ xử tử Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện. Ảnh tư liệu Trung Quốc

Ngày 14/12/1951, bức điện khẩn của tỉnh ủy Hà Bắc thuộc Cục Hoa Bắc trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc được chuyển tới văn phòng của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Nội dung bức điện đã đưa Mao đi từ ngạc nhiên tới tức giận.

Theo đó, nội dung bức điện là kết luận điều tra vụ án tham nhũng của Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện.

Vết trượt dài của khai quốc công thần Trung Quốc

Lưu Thanh Sơn (sinh năm 1916) được truyền thông Trung Quốc đánh giá là “nhân vật huyền thoại”, xuất thân nông dân, 15 tuổi gia nhập ĐCSTQ. Năm 1932, Lưu Thanh Sơn lúc này mới 16 tuổi tham gia một cuộc bạo động chống lại Quốc dân đảng nhưng thất bại, bị bắt và chờ lãnh án tử hình.

Sau ba ngày bị bắt, Lưu Thanh Sơn và đồng đội bị đưa tới một thao trường, lần lượt bị xử tử. Tuy nhiên do thấy Lưu còn quá trẻ và nghĩ bắt nhầm nên Quốc dân đảng đã tha chết cho Lưu.

Trương Tử Thiện (sinh năm 1914) cũng sớm tham gia cách mạng, thường kêu gọi học sinh cùng trường tham gia các cuộc biểu tình. Trong những năm 30, ông này từng bị bắt giữ và ngồi tù hai lần.

Lưu, Trương sau đó lần lượt tham gia công tác tại các quân khu và lập được nhiều chiến công, dần dần trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ.

Tháng 8/1949, Lưu Thanh Sơn được bổ nhiệm vị trí Bí thư khu vực Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc mới thành lập. Trương Tử Thiện nhậm chức Phó Bí thư kiêm chuyên viên hành chính khu vực Thiên Tân, Hà Bắc.

Mới nhậm chức, Lưu, Trương đều làm việc rất chăm chỉ nhưng đã thay đổi thanh chóng sau đó không lâu. Trong thời gian này, Lưu thường nói: “Thiên hạ do ta giành được, lẽ nào không nên hưởng thụ chút nào?”.

Ban đầu, văn phòng làm việc của hai ông này được đặt tại Đại viện Thạch gia – khu du tích có niên đại lâu đời tại Thiên Tân với diện tích rộng 6.000m2, 278 phòng. Nơi đây sau đã trở thành địa điểm “triển lãm đại án tham nhũng đầu tiên của nước Trung Quốc mới”.

Những câu chuyện “hoang đường” về Lưu Thanh Sơn được lưu truyền rất nhiều. Ví dụ như, Lưu vốn là người thích ăn bánh chẻo nhân hẹ. Tuy nhiên, bấy giờ Thiên Tân đang mùa đông, không trồng được hẹ nên nhà bếp phải mua hẹ từ Bắc Kinh chuyển về.

Nhưng khi bánh chẻo được đặt nên bàn ăn, Lưu lại không hề động đũa với lý do, ăn hẹ không tốt cho dạ dày nên yêu cầu nhà bếp làm bánh chẻo có vị hẹ nhưng không được nhân hẹ.

Người đầu bếp đành nhân lúc nặn bánh, đặt ngọn hẹ đã rửa sạch vào trong nhân, gốc hẹ lộ bên ngoài. Bánh chẻo luộc chín vớt ra, người đầu bếp nhanh tay rút cây hẹ. Như vậy, bánh chẻo vừa có vị hẹ nhưng không nhân hẹ, đáp ứng yều cầu của Lưu Thanh Sơn.

Ngoài ra, lấy cớ chữa bệnh, ông này rời từ khu đại viện ở ngoại ô vào toà nhà theo kiến trúc phương Tây trong phố lớn. Trong thời gian ở tòa nhà này, Lưu Thanh Sơn rất thích đi dạo phố Nam. Do mới giải phóng nên khu phố này vẫn dày đặc những quán rượu, kỹ viện.

Lưu thường cải trang thành một thương nhân mượn cớ đi điều tra ngầm để dễ bề lui tới nơi này. Không chỉ trở thành “khách quý” của các quán rượu, kỹ viện, Lưu cũng bắt đầu sử dụng các chất cấm như thuốc phiện, morphine.

Hơn nữa, ông này còn chiếm hữu chiếc xe jeep công làm của tư để dễ dàng di chuyển từ văn phòng chính ở ngoại ô vào thành phố. Một thời gian, chê xe jeep cũ, Lưu đã chi số tiền lớn mua hai chiếc xe sang trọng, mới nhất của Mỹ.

Giống Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện cũng không tiếc tiền, hào phóng chi tiêu phục vụ sở thích bản thân.

Cấu kết gian thương

Mùa hè năm 1950, mưa lớn gây ngập lụt ở 14 huyện, khu vực của Thiên Tân nên trung ương quyết định từ mùa thu năm 1950 đến mùa xuân năm 1951 tổ chức tu sửa 5 hệ thống sông ngòi ở Thiên Tân. Theo đó, nông dân sẽ tham gia vào công tác tu sửa sông ngòi và được trả công bằng lượng lương thực tương ứng.

Nhận thấy đây là “cơ hội” kiếm lời, Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện bắt tay bớt xén, đổi chác, dùng lương thực chất lượng kém thay thế vào số lương thực do trung ương cấp phát trả công cho nông dân.

Lưu, Trương kiếm được số tiền lớn từ sự đổi chác này nhưng đã khiến hàng chục nhân công bỏ mạng ngay tại công trường do sử dụng lương thực chất lượng kém.

Đến tháng 4/1951, thị trường đồ gỗ Thiên Tân tăng giá, mượn danh nghĩa “đóng thuyền cho người dân vùng lũ”, Lưu, Trương mạo nhận là quân nhân thu mua gỗ từ Đông Bắc về Thiên Tân bán lại, kiếm lời hàng trăm triệu nhân dân tệ.

Sau này, hai ông còn dùng số tiền công vốn được đầu tư vào thủy lợi, nông nghiệp, tiền cứu trợ người dân gặp nạn và xây dựng sân bay để xây dựng hàng chục các công xưởng riêng kiếm lời.

Nửa đầu năm 1951, nữ doanh nhân Trương Văn Nghi xuất hiện và biến Lưu, Trương thành máy kiếm tiền cho mình.

Đầu tiên, Trương Văn Nghi phao tin có cách kiếm tiền, yêu cầu Lưu chi trước 4,9 tỷ NDT tiền công quỹ. Bà này dùng số tiền của Lưu đầu tư mua bán giấy than. Trương Văn Nghi mua giấy than giá gốc thấp, sau đó bán lại cho Sở sản xuất khu vực Thiên Tân, đút túi riêng 96 triệu NDT.

Để đánh lừa Lưu Thanh Sơn, Trương Văn Nghi cùng chồng bày ra vở kịch khác. Chồng của Trương mua lại giấy than với giá cao từ Sở sản xuất khu vực Thiên Tân, giúp Lưu kiếm lãi hàng trăm triệu NDT.

Sau đó, Trương Văn Nghi tiếp tục cho biết, đầu tư vào sắt tây hay sắt tráng thiếc sẽ sinh lời nhiều hơn. Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện đồng ý chuyển số tiền công quỹ cho Trương Nghi Văn. Nhưng nhận được tiền, Trương Nghi Văn không đầu tư vào sắt tây mà gửi ngân hàng và đầu tư vào một số lĩnh vực khác.

Cái kết được báo trước

Bất ngờ đến mùa hè năm 1951, tỉnh ủy Hà Bắc tiến hành điều chỉnh nhân sự các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, tỉnh ủy Hà Bắc dự kiến lựa chọn Lưu Thanh Sơn hoặc Trương Tử Thiện điều sang địa phương khác.

Việc này khiến Lưu, Trương lo lắng bởi cả hai đều không muốn rời khỏi mảnh đất “màu mỡ” Thiên Tân, đồng thời lo sợ mọi chuyện trước đây sẽ bị bại lộ nếu rời Thiên Tân nên bắt đầu tố cáo lẫn nhau nhằm đẩy đối phương đi.

Trước tình hình trên, tỉnh ủy Hà Bắc quyết định cử Trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy Tiết Tấn đích thân dẫn đội điều tra tới Thiên Tân.

Cuối năm 1951, sau khi nắm giữ các chứng cứ tham nhũng của Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện, tỉnh ủy Hà Bắc lập tức quyết định bắt giữ hai ông này.

Lúc này, Lưu Thanh Sơn đang cùng đoàn đại biểu hữu nghị Trung Quốc tham gia Đại hội hòa bình thế giới tại Áo. Chính quyền Hà Bắc gửi thư yêu cầu Lưu nhanh chóng về nước. Vừa về đến Thiên Tân, Lưu lập tức bị bắt giữ.

Căn cứ vào kết quả điều tra và thẩm vấn, tỉnh ủy Hà Bắc trình báo cáo, yêu cầu khai trừ đảng tịch và tử hình nhưng hoãn thi hành án trong hai năm đối với Lưu, Trương lên Cục Hoa Bắc.

Nhận được báo cáo của Cục Hoa Bắc, trung ương ĐCSTQ mở một hội nghị chuyên biệt nghiên cứu, thảo luận về vụ án của Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện.

Khi Thủ tướng Chu Ân Lai nêu ý kiến về việc xử lý Lưu, Trương, Mao Trạch Đông liền lập tức đưa ra chỉ thị “Tử hình”.

Khi đó, có nhiều ý kiến nói đỡ cho Lưu, Trương nhưng Mao Trạch Đông đã quả quyết rằng: “Chính vì họ có địa vị cao, công lao lớn, ảnh hưởng rộng, cho nên [tôi] mới hạ quyết tâm hành quyết bọn họ. Chỉ có hành quyết bọn họ, mới có thể cứu vãn được 20, 200, 2000, 20.000 cán bộ phạm các sai lầm khác nhau”.

RELATED ARTICLES

Tin mới