Trong cuộc họp Nội các chiều ngày 5/2, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu các quốc gia khác ngừng nghiên cứu và thăm dò tại khu vực thềm lục địa nước này.
Tổng thống Rodrigo Duterte. Ảnh: Al Jazeera
Theo Straits Times, khu vực thềm lục địa được Tổng thống Rodrigo Duterte đề cập đến trong cuộc họp có tên là Philippine Rise (hay còn gọi là Benham Rise), rộng khoảng 13 triệu ha và cách đảo Luzon của Philippines khoảng 250km. Khu vực này rất giàu tài nguyên như khí tự nhiên và mangan.
Ông Emmanuel Pinol, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, trích lời tổng thống Duterte trong cuộc họp: “Tôi xin tuyên bố rõ ràng rằng Philippine Rise là của chúng tôi và bất kì lời lẽ nào cho rằng đây là khu vực mở cũng nên chấm dứt tại tuyên bố này”.
Ông Pinol cho biết tuyên bố thẳng thừng của tổng thống Duterte được đưa ra sau khi có ý kiến của “một nhà ngoại giao cấp thấp nước khác” cho rằng Philippines không toàn quyền sở hữu Philippine Rise.
Tuy ông Pinol không chỉ đích danh nhà ngoại giao đó, nhưng Straits Times cho rằng có thể ông này ám chỉ một phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc đã có phát ngôn tương tự hồi năm ngoái.
Trong bài đăng trên trang Facebook cá nhân hôm thứ Ba (6/2), ông Pinol cho biết tổng thống Duterte đã chỉ đạo lực lượng hải quân và không quân nước này canh giữ khu vực và xua đuổi các tàu nghiên cứu nước ngoài.
Đồng thời, ông Duterte cũng tuyên bố: “Kể từ nay, chỉ các nhà khoa học người Philippines mới được phép nghiên cứu tại vùng thềm lục địa Philippine Rise”.
Tuy nhiên ông Duterte cũng cho biết Philippines không có ý định ngăn chặn giao thông đường biển của các quốc gia khác tại vùng biển này, mà chỉ cấm việc nghiên cứu tài nguyên tại khu vực đó.
Năm 2012, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc đã xác nhận Philippine Rise thuộc chủ quyền Philippines. Trước đây Manila từng cho phép các nhà khoa học nước ngoài đến nghiên cứu về hàng hải và giúp quốc gia này lập bản đồ khu vực.
Theo ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống Duterte nói rằng các dự án nghiên cứu tại khu vực này đều đã hoàn thành, kể cả dự án gần đây nhất của Trung Quốc.
Quyết định này được đưa ra sau khi Bắc Kinh triển khai con tàu nghiên cứu Kexue với công nghệ tân tiến đến vùng biển này.
Giới phân tích lo ngại rằng việc Trung Quốc hiện diện tại vùng biển này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Philippines, đồng thời có thể biến khu vực này thành “hàng rào” thứ hai ở phía Đông biển Đông để phục vụ mục đích quân sự và thách thức Mỹ tại Thái Bình Dương.
Theo Straits Times, do vùng thềm lục địa này nằm gần các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam và Hawaii, giới chức trách Philippines lo ngại Trung Quốc có thể đang tiến hành thử nghiệm đưa tàu ngầm từ Biển Đông ra Thái Bình Dương.