Trong số các câu hỏi về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, nhiều người quan tâm đến nơi hai ông sẽ trực tiếp đối diện.
Nếu hai người gặp gỡ thì họ cần phải có một nơi phù hợp cho sự kiện lịch sử này. Báo Mỹ NY Times nêu ra một số địa điểm có thể:
Vùng Phi quân sự
Làng đình chiến Panmunjom ở Vùng Phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể là nơi hứa hẹn nhất. Các cuộc gặp quan trọng từng được tổ chức ở phòng hội nghị tại đây.
Nhà Hòa bình nằm ở phía Hàn Quốc của làng có thể phù hợp hơn để ông Trump và ông Kim gặp nhau. Chủ tịch Kim Jong Un từng nói ông sẽ tới đó gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Thủ đô Bình Nhưỡng
Nhiều cuộc gặp quan trọng đã diễn ra ở Bình Nhưỡng trước kia. Các cựu Tổng thống Jimmy Carter và Bill Clinton từng tới thủ đô của Triều Tiên. Các cuộc gặp liên Triều được tổ chức ở đó năm 2000 và 2007.
Với ông Trump, đây có thể là một địa điểm không phù hợp, nhưng Triều Tiên có thể sẽ dành cho ông sự tiếp đón bất ngờ.
Ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright từng đến Bình Nhưỡng năm 2000 trong nỗ lực thuyết phục Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il dừng chương trình tên lửa đạn đạo.
Đảo Jeju, Hàn Quốc
Lãnh đạo đảo Jeju đã đề xuất tổ chức cuộc gặp ở đây.
Jeju là một điểm du lịch, có diện tích và dân số nhỏ giúp cho công tác an ninh được triển khai dễ dàng hơn so với một thành phố lớn như thủ đô Seoul.
Washington, Mỹ
Đây cũng là một địa điểm tiềm tàng, nhưng có lẽ sẽ khiến ông Kim Jong Un thấy không thoải mái, vì nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa từng ra nước ngoài.
Một cuộc gặp ở thủ đô Washington cũng sẽ khiến Nhà Trắng nghi ngại vì nó có thể mang cho Triều Tiên một chiến thắng tuyên truyền.
Bắc Kinh, Trung Quốc
Trung Quốc là đồng minh của Triều Tiên và là một trong số ít các quốc gia mà cha của ông Kim Jong Un từng đến thăm trên cương vị lãnh đạo Triều Tiên.
Trung Quốc cũng đóng một vai trò tích cực trong thúc đẩy đàm phán giữa các bên, và là nước chủ nhà của đối thoại 6 bên một thập niên trước.
Geng Shuang, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tuần trước rằng Bắc Kinh hoan nghênh cuộc gặp Mỹ – Triều và sẽ “tiếp tục thực hiện các nỗ lực không ngừng nghỉ cho một giải pháp hòa bình đối với vấn đề hạt nhân”.
Tuy nhiên ông Shuang không trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có làm chủ nhà hay không.
Geneva, Thụy Sĩ
Thành phố của đất nước Thụy Sĩ trung lập này từng tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao giữa các đối thủ, chẳng hạn như Tổng thống Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1985.
Kim Jong Un cũng có trải nghiệm quen thuộc với đất nước này vì ông từng tới đây học tập khi còn nhỏ.
Moscow, Nga
Cũng như Trung Quốc, Nga là nơi mà các lãnh đạo Triều Tiên thỉnh thoảng tới thăm.
Ông Kim Jong Un chưa từng đến Nga trên cương vị lãnh đạo. Ông từng hủy chuyến công du tới Moscow năm 2015 vì lúc đó Nga tổ chức kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít Đức trong Thế chiến 2.
Một chuyến đi tới Moscow có vẻ cũng không thoải mái với Tổng thống Trump vì quan hệ song phương đang căng thẳng do cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Stockholm, Thụy Điển
Thụy Điển từ lâu đã đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên. Mỹ không có sứ quán ở Triều Tiên và Thụy Điển cung cấp các dịch vụ lãnh sự cho người Mỹ, đồng thời chủ trì các cuộc hội đàm giữa giới chức Triều Tiên và các chuyên gia đến từ Mỹ, Hàn Quốc…
Tuần trước, báo Dagens Nyheter đưa tin, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho sẽ sớm tới Thụy Điển, làm dấy lên đồn đoán cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều sẽ diễn ra tại đây.
Ulan Bator, Mông Cổ
Mông Cổ, có đường biên giới với Nga và Trung Quốc, đã theo đuổi chính sách trung lập trong những năm gần đây và có quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên.
Tsakhiagiin Elbegdorj, cựu Tổng thống Mongolia, viết trên mạng xã hội Twitter ủng hộ một cuộc gặp ở Ulan Bator: “Đây là một đề nghị: Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim hãy gặp ở UB. Mông Cổ là nơi trung lập, thích hợp nhất”.