Theo các chuyên gia, quyết định hủy lời mời tập trận của Mỹ kèm theo động thái chỉ trích từ phía Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ căng thẳng quân sự leo thang trên Biển Đông.
Đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc được cho là đã triển khai trái phép tên lửa hành trình tới. Ảnh: AFP.
“Dù Mỹ có mời hay không, Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích an ninh”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố sau khi Mỹ hủy lời mời tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ngày 23/5 để phản đối hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Quan hệ Trung – Mỹ đang trải qua giai đoạn khó khăn và đây có thể là trở ngại quốc phòng đầu tiên của hai nước”, South China Morning Post dẫn lời nhận định của chuyên gia quan hệ quốc tế Zhang Yuquan.
“Nếu quân đội Mỹ tin rằng các hành động phản kháng này phục vụ cho lợi ích của Mỹ, những hành động tương tự sẽ xuất hiện nhiều hơn. Mỹ khá lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây”, ông Zhang cho biết.
Ông Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, bày tỏ quan ngại khi “Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi trường hợp, ngoại trừ trong chiến tranh với Mỹ”.
Lời mời tham gia tập trận RIMPAC của Mỹ dành cho Trung Quốc đến từ nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng và xây dựng mối quan hệ hợp tác để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Oriana Skylar Mastro của trường Đại học Georgetown, tính toán của Mỹ đằng sau mục tiêu này là không hợp lý.
“Mỹ mong muốn rằng sau khi tập trận cùng nhau, quân đội Trung Quốc nhận ra sẽ tốt hơn nếu để Mỹ dẫn dắt”, bà nói. “Tôi cho đây là suy nghĩ ‘ngây thơ’ ngay từ đầu. Đến giờ, một vài bộ phận trong chính phủ Mỹ cũng dần đi tới kết luận này”.
Trung Quốc phản kháng
Với Trung Quốc, đây không phải là một mất mát to lớn. “Dù sao chúng tôi cũng không có vai trò trong các lĩnh vực cốt lõi”, chuyên gia hải quân Li Jie cho biết. Trong hai cuộc tập trận RIMPAC vào năm 2014 và 2016, Trung Quốc tuy được mời nhưng chỉ tham gia các lĩnh vực như hoạt động cứu trợ thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.
Theo ông Li, hai cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới trước đó đã mang lại nhiều kiến thức và trải nghiệm cho hải quân Trung Quốc trong hoạt động hợp tác quốc tế, nhưng không giúp nước này trau dồi khả năng quân sự.
“Đây là động thái nằm cô lập Trung Quốc khỏi khu vực”, ông nói. “Nhưng điều tồi tệ nhất là trong tương lai, sẽ không dễ dàng để Trung Quốc tham gia các hoạt động hợp tác tương tự nữa”.
Quyết định được đưa ra trước buổi gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp từ phía Mỹ, ông Mike Pompeo, tại Washington. Ông Vương nói trong buổi họp báo rằng đây là động thái không mang tính xây dựng và “không giúp ích cho sự tin tưởng và hợp tác giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc”.
Quyết định hủy lời mời Trung Quốc tham dự RIMPAC 2018 của Mỹ xuất phát từ những hành động quân sự hóa liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Trước đó chỉ vài ngày, Trung Quốc đã cho oanh tạc cơ H-6K diễn tập hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo này thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
Ngoài ra, Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị làm nhiễu sóng đến các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Hành động của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của tập trận Vành đai Thái Bình Dương”, Reuters dẫn lời trung tá Christopher Logan, người phát ngôn Lầu Năm Góc.