Triều Tiên đã nhiều lần từ chối lộ trình giải giáp hạt nhân do Hoa Kỳ đề xuất, một trong số các mốc tiến độ là việc Bình Nhưỡng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống 60-70% trong vòng 6 đến 8 tháng, đồng thời Triều Tiên phải bàn giao các đầu đạn hạt nhân cho bên thứ 3.
Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, trang Vox cho biết.
Trích dẫn hai nguồn tin giấu tên quen thuộc với vấn đề này, trang Vox cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra đề xuất này nhiều lần với người đồng nhiệm Bắc Hàn Kim Yong-chol, nhưng đã bị từ chối.
Gần hai tháng sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6, việc giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chưa đạt được kết quả vững chắc nào.
Tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào cuối tháng 6, Ngoại trưởng Pompeo thừa nhận rằng Triều Tiên vẫn đang sản xuất nhiên liệu hạt nhân, mặc dù Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa.
Các cơ quan tình báo Mỹ cũng tin rằng Bình Nhưỡng đã tăng sản lượng sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân tại nhiều địa điểm bí mật trong những tháng gần đây, NBC News đưa tin, trích dẫn các quan chức giấu tên của Mỹ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông John Bolton cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News: “Hoa Kỳ đã thực hiện theo những tuyên bố Singapore. Chỉ có Triều Tiên đã không thực hiện các bước mà chúng tôi cảm thấy cần thiết để giải trừ hạt nhân”.
Ông Bolton nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng áp lực kinh tế cho đến khi Bình Nhưỡng đưa ra kết quả. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng, ý tưởng Hoa Kỳ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt chỉ dựa trên lời nói của Triều Tiên sẽ không được xem xét”.
Ông Bolton nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng áp lực kinh tế cho đến khi Bình Nhưỡng đưa ra kết quả.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm thứ Tư (8/8) nói rằng, Hoa Kỳ “không muốn chờ đợi quá lâu” việc Triều Tiên thực hiện các bước hướng tới giải giáp hạt nhân.
“Họ phải hiểu rằng cộng đồng quốc tế vẫn hy vọng họ sẽ từ bỏ hạt nhân và vì vậy chúng tôi sẵn sàng chờ đợi nếu họ muốn chờ đợi, nhưng chúng tôi không muốn chờ đợi quá lâu”, bà Haley nói.