Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐiểm tinVăn học đương đại TQ là “rác rưởi”?

Văn học đương đại TQ là “rác rưởi”?

Văn học đương đại Trung Quốc (VHĐĐTQ) có lượng tác giả, tác phẩm và người đọc lớn nhất thế giới và đang phát triển nhanh, đồng thời tồn tại khá nhiều vấn đề. Hiện nay chính người TQ cũng chưa có một đánh giá tổng quan về nền văn học của họ. Vì vậy tìm hiểu VHĐĐTQ qua con mắt một nhà Hán học người nước ngoài có thể là điều bổ ích.

Cuối năm 2006, văn đàn TQ bỗng dậy sóng sau khi Báo Buổi sáng Trùng Khánh ngày 11/12 đăng bài Nhà Hán học người Đức nói VHĐĐTQ là rác rưởi. Nhà Hán học ấy tên là Wolfgang Kubin (trong hình).

Ba ngày sau, Kubin thanh minh : Ông chỉ nói cái gọi là tác phẩm của các “nhà văn mỹ nữ” TQ (như Miên Miên, Hồng Ảnh, Vệ Tuệ) không phải là văn học, mà là rác rưởi, chứ không hề nói VHĐĐTQ là rác rưởi. Nhưng lời thanh minh đó bị nhấn chìm trong tiếng hò la VHĐĐTQ là rác rưởi trên báo đài và một biển trang mạng. Lâu nay người TQ đã xì xào nhiều về tình trạng VH nước này “lớn mà chưa mạnh” nhưng ít người dám phê phán, tranh luận; bây giờ có nhà Hán học nước ngoài công khai, dũng cảm bình phẩm VHĐĐTQ, họ lập tức bâu lấy và nhân thể nói lên ý kiến của mình.

Dù Kubin đã thanh minh nhưng nhiều người vẫn tin ông là tác giả “Thuyết rác rưởi” nói trên và ông dùng thuyết ấy để sỉ nhục giới nhà văn TQ. Vô số lời thóa mạ đổ lên đầu Kubin. Song mặt khác thuyết này lại trở thành thương hiệu, thành “pasport” giúp ông đi khắp TQ. Các trường đại học và báo đài đua nhau phỏng vấn hoặc mời ông nói về VHĐĐTQ. Năm 2009 Kubin được Trung tâm nghiên cứu VH hiện đại TQ thuộc ĐH Nam Kinh mời làm giáo sư kiêm chức. Năm 2011 lại được ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh mời làm giáo sư đặc thỉnh. Cuối năm 2015 trường này phát hành Tập 50 bài viết mừng thọ GS Kubin 70 tuổi, triển lãm ảnh về ông, và tổ chức Hội thảo khoa học Kubin với TQ, tại đây đại diện nhiều ĐH lớn ở Bắc Kinh đã trực tiếp đối thoại với Kubin.

Đại để Kubin đã nói gì về VHĐĐTQ?

– VHTQ trước năm 1949 có thể sánh với VH Pháp, Ý, Tây Ban Nha…, có một số nhà văn lớn và nhiều tác phẩm thượng hạng. Lỗ Tấn thật vĩ đại, có năng lực ngôn ngữ rất cao, giỏi mấy ngoại ngữ, có tư tưởng riêng và dám nói lên tiếng nói của mình. AQ đã trở thành một nhân vật quốc tế. Từ 1949, khi cộng sản nắm quyền thì TQ không còn nhà văn lớn, người như Lỗ Tấn hiện nay và sau này sẽ không có. VHTQ 1949-1979 chỉ sánh được với VH Đông Âu. Nhưng thi ca TQ sau 1979 đạt tầm cỡ thế giới; tiểu thuyết ngắn và vừa cũng rất khá, nhưng tiểu thuyết dài và kịch bản thì có vấn đề, tương tự ở Đức. Thập niên 1980 có một số tiểu thuyết rất hay, như của Trương Khiết (nữ). Tác phẩm của Vương Mông hồi thập niên 1950 rất khá. Sau 1992, VHTQ và thế giới dần dần đi vào con đường thị trường. Gần đây TQ có một số nhà thơ cỡ thế giới như Trác Vĩnh Minh (nữ) và các nhà thơ hải ngoại Bắc Đảo, Đa Đa, Dương Luyện…

– Lỗ Tấn là nhà văn TQ tiêu biểu nhất cho tính hiện đại trong thế kỷ XX. Sở dĩ người ta ngại đọc Lỗ Tấn vì vừa đọc vừa phải suy nghĩ về quan điểm của ông. Kim Dung chỉ là một nhà văn truyền thống. Đối với tôi, Kim Dung đại diện cho sự thoái bộ về mặt sáng tác VH. Kubin phản đối việc sách giáo khoa văn phổ thông trung học TQ thay AQ chính truyện bằng Tuyết sơn phi hồ của Kim Dung.

– Cái gọi là tác phẩm của các nhà văn mỹ nữ TQ không phải là VH, mà là rác rưởi; họ không hiểu cái đẹp của ngôn ngữ, lẫn lộn sáng tác bằng thân xác với sáng tác VH.

– VHĐĐTQ có địa vị quốc tế rất thấp, chưa có tác phẩm tầm cỡ thế giới, không có nhà văn lớn đại diện cho VH thế giới. Giới học giả và Hán học Đức coi thường VHĐĐTQ, coi là VH thông tục, tuy dân thường Đức vẫn ưa đọc.

– Khuyết điểm nổi bật nhất của VHTQ là không có tư tưởng. Nhà văn TQ sau 1949 không dám tự mình suy nghĩ mà để người khác nghĩ hộ. Sau 1979, họ để mất năng lực ngôn ngữ, truyền thống TQ và khả năng ngoại ngữ. Sau 1992 họ biến thành công cụ của thị trường. Nhà văn TQ đương đại đều không có cái tôi [tự ngã] đích thực. Họ nên thừa nhận mình đã thất bại, nên học lại Hán ngữ, vì ngôn ngữ TQ đã bị chính trị phá hỏng. Họ cần học ngoại ngữ, cần giao lưu với các nhà văn nước ngoài. Họ nên viết rồi cất đi, 20 năm sau hãy mở ra xem. Họ thiếu sức mạnh nội tại của tư tưởng. Sức mạnh của họ đi đâu rồi ? Trước kia là [phục vụ] chính trị, ngày nay là bán cho thị trường!

– Nhà văn đương đại TQ không biết sáng tác VH, tiểu thuyết TQ tập trung vào kể chuyện (dù thời đại VH kể chuyện đã kết thúc từ lâu rồi, trừ ở TQ và Mỹ), không viết nội tâm con người, không biết con người là gì. Bệnh chung của VHĐĐTQ là không coi trọng ngôn ngữ, chỉ coi trọng nội dung, coi ngôn ngữ là công cụ. Nhiều nhà văn không nắm vững tiếng mẹ đẻ, vì thế nhà văn TQ về cơ bản là nhà văn không chuyên.

– Người TQ coi thường văn hóa TQ và thiếu quan tâm VHTQ. Giới học giả có hiện tượng văn nhân tương khinh rất rõ : trước mặt tâng bốc, sau lưng công kích, làm hỏng hình ảnh chính mình; một số nhà văn tự cho mình giỏi nhất. Những nhà văn TQ tôi quen đều coi thường Hội Nhà văn TQ.

– Nhà văn TQ đương đại không dám nói lên tiếng nói của mình. Nhà văn Đức thay mặt người Đức để nói, cho nên chúng tôi có tiếng nói của nước Đức. VHTQ không có tiếng nói của mình, chỉ có tiếng nói hợp với yêu cầu của chính trị hoặc thị trường.

– Sau 1949 TQ không có các nhà văn biết ngoại ngữ, họ không đọc được nguyên tác VH nước ngoài, vì thế không hiểu biết về VH thế giới, không thể tiếp thu các ngôn ngữ khác để làm phong phú cách biểu đạt của mình.

– Nhà văn TQ đương đại không coi VH là một công việc cao cả, gian khổ cần suốt đời theo đuổi, mà họ tùy tiện “chơi VH”, có người bỏ sáng tác VH đi viết kịch bản để kiếm tiền, họ thiếu lòng kính sợ VH.

– Công tác phê bình VH ở TQ có vấn đề: khen thì được tiền, nhà phê bình thiếu nghiêm chỉnh, sợ nói thật. VHTQ vẫn dùng chủ nghĩa Marx để đánh giá mình. Những nhà phê bình xuất sắc như Tiêu Ưng rất ít.

– Tô-tem Sói ca ngợi bản tính loài sói, tuyên dương chủ nghĩa phát xít; có vấn đề về ngôn ngữ, hình thức và ý thức tư duy, nhắc nhiều tới các khái niệm Máu, Đất, Kẻ mạnh của bọn phát xít; nếu người TQ ưa thích những thứ đó thì xu hướng ấy chẳng có gì vẻ vang.[3]

– Giải Nobel Văn có tính chính trị, không phải là tiêu chuẩn của tác phẩm VH chân chính, nhà văn loại kém cũng được giải; các nhà văn chớ nên nghĩ tới vấn đề giành giải này.

– Tôi rất ngán vì nhiều nhà văn TQ đương đại không hiểu phụ nữ, chỉ chú trọng viết về đặc điểm sinh lý mà bỏ qua phần tâm hồn và nhân cách của họ. Đàn ông trong Anh em của Dư Hoa chỉ thích ngắm mông phụ nữ. Đàn ông trong Tửu quốc của Mạc Ngôn thích sờ vú đàn bà. Vương An Ức (nữ) viết về phụ nữ giỏi hơn.

– Việc Mạc Ngôn đoạt Nobel Văn có ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà văn TQ. Vấn đề chính là Mạc không có tư tưởng; chính Mạc từng nói nhà văn không cần tư tưởng, chỉ cần miêu tả. Tác phẩm Mạc hình thức cũ, ngôn ngữ xoàng, viết quá dài, những thứ ông ấy viết “làm tôi chán ngấy đến chết” [Mo Yan bores me to death], thiếu tình yêu và sự hài hước, có quá nhiều hận thù. Mệt nhọc sống và chết (46 vạn chữ), Mạc viết trong hơn 40 ngày. Nhà văn Đức bình quân cả năm chỉ viết được chừng 100 trang. Mạc Ngôn có thể viết 800 trang trong 2-3 tháng. Nhà văn TQ “sáng tác không vì VH mà vì tiền.”

Nhiều tiểu thuyết của Mạc Ngôn chỉ kể chuyện, kể những chuyện hoang đường ly kỳ, lại có hàng chục nhân vật, nên không thể đi sâu nội tâm nhân vật. Cao lương đỏ có một nhân vật hết lời ca ngợi Đảng CSTQ, khiến người đọc rất khó chịu. Nhiều nhà văn TQ viết tốt hơn Mạc, nhưng vì không được dịch giả nổi tiếng người Mỹ Howard Goldblatt dịch ra tiếng Anh nên Ủy ban Nobel không có căn cứ để xét. Nếu Goldblatt không dịch nhiều, dịch có sửa nguyên tác và ra sức ca ngợi tác phẩm thì chưa chắc Mạc Ngôn được Nobel Văn. Goldblatt chỉ dịch đại ý từng đoạn, bỏ rất nhiều chỗ không cần thiết, nhờ thế tránh được các nhược điểm của nguyên tác. Tiểu thuyết TQ thường dài dòng, có thể vì nhuận bút trả theo số chữ. Mạc Ngôn bị tôi công khai phê bình nhiều nhất nhưng ông lại tiếp thu phê bình của tôi, vì thế tôi rất coi trọng ông ấy.

Kubin đánh giá cao VHTQ thời cổ và nói người Đức coi VHĐĐTQ là VH thông tục, không phải là VH nghiêm túc. Giới nhà văn Đức phản cảm với sách của Mạc Ngôn, của Dư Hoa, Tô Đồng, Tốt Phi Vũ. Là người đầu tiên dịch tác phẩm của Cao Hành Kiện và hiểu tác giả; nhưng khi Cao được trao Nobel Văn 2000, Kubin nói tác phẩm của Cao “rất dở”, chỉ vì nguyên nhân chính trị mà được trao giải trong khi TQ có không ít nhà văn giỏi hơn. Linh Sơn quá dài, nội dung bắt chước nhà văn Ý Italo Calvino. Tiểu thuyết Mạc Ngôn thành công hơn nhiều.

Giới học giả Trung Quốc phản ứng và tranh cãi

Cách đưa tin xuyên tạc nhằm câu khách của Báo Buổi sáng Trùng Khánh đã gây ồn ào dư luận TQ. Nhân dân nhật báo phê phán báo này đưa tin giả, rất có hại, nghiêm trọng bóp méo hình ảnh VHTQ và gây ra “hiệu ứng con bướm”. Tuy vậy, các phát biểu thẳng thừng tiếp theo của Kubin đã làm cho người TQ sững sờ; một số học giả, nhà văn lên tiếng phản ứng, nổ ra một cuộc tranh luận chưa từng có trên văn đàn TQ.

GS Trần Bình Nguyên (ĐH Bắc Kinh) nói Kubin phê bình VHĐĐTQ nhằm phỉnh phờ lấy lòng quần chúng, không đáng để xem xét; tác phẩm của các nhà văn TQ nổi tiếng đều được dư luận trong nước đánh giá rất cao, như Tô tem sói được khen hay, thế mà Kubin lại nói là có màu sắc phát xít, làm người TQ bẽ mặt. Kubin đã “vượt giới hạn”, có lẽ vì người TQ quá khiêm tốn nên Kubin mới có thể phê bình quá lời như thế.

GS Trần Hiểu Minh (ĐH Bắc Kinh) nói VHĐĐTQ không phải đều là rác rưởi mà một số tác phẩm đã đạt độ cao chưa từng thấy trong 60 năm qua. Ông phản đối sự đánh giá của Kubin và nói người TQ phải có lập trường của mình, chỉ học giả TQ mới có thể đánh giá VHĐĐTQ. Nhưng quan điểm này bị một số đồng nghiệp phản đối.

Đặc biệt bài của Kubin “Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện và cuộc khủng hoảng VH” đăng trên Nguyệt san Minh báo (Hong Kong, 8/2013) đã gây ồn ào lớn, chủ yếu do đánh giá thấp Mạc và Cao. Báo này số tiếp sau đăng liền 4 bài phản bác Kubin, trong đó bài viết dài của Lưu Tái Phục công kích Kubin với từ ngữ nặng nề, chụp mũ Kubin là “tên thực dân” to mồm xỉ vả VHTQ để phỉnh phờ lấy lòng dân TQ.

Bài này bị một số học giả phê phán. Nhà văn Lưu Kiến Quân cho rằng Kubin nhận xét Mạc Ngôn rất chính xác. Lý Nhuệ viết trên Bắc phương tân báo (8/6/2015): Một người nước ngoài không quản xa xôi đến TQ đưa ra những ý kiến sắc bén, chính xác và chân thành, đó là tinh thần phê bình VH ta đang thiếu, ta nên cảm ơn, học tập và khen ngợi; thế mà Lưu lại viết một bài dài chẳng có lý luận gì để bác bỏ, chửi bới Kubin.

GS Tiêu Ưng ở Khoa Triết ĐH Thanh Hoa nhận xét ý kiến của Kubin đánh trúng chỗ hiểm của VHĐĐTQ. Ngụy Dục Thanh nói : Trình độ ngoại ngữ của nhà văn TQ sau thập niên 1960 kém xa các nhà văn thập niên 1930, tuy thế hệ trẻ hiện nay đã khá hơn. Ông đặc biệt tán thành việc Kubin coi trọng ngôn ngữ, Ngôn ngữ quan trọng ở chỗ không chỉ là công cụ truyền thông tin mà còn ảnh hưởng tới tư duy.

Lý Nhuệ tán thành Kubin trên nhiều điểm, như nhận xét về Kim Dung, Mạc Ngôn. Lý nói giới VHTQ rất coi trọng các giải thưởng của nước ngoài, sau khi Mạc Ngôn nhận giải Nobel Văn, ai phê bình ông ấy thì bị coi là đại nghịch vô đạo. Khi người Pháp gốc Hoa Cao Hành Kiện nhận giải Nobel Văn, người TQ im thin thít, chỉ Kubin dám nói tác phẩm của Cao “rất xoàng”. Giới VHTQ sùng ngoại, thích nghe người nước ngoài khen mình, nhưng khi mình bị họ phê bình thì lại ghét cay ghét đắng họ.

Phần lớn dân mạng TQ đánh giá thấp VHĐĐTQ, dường như họ tán thưởng “Thuyết rác rưởi”. Báo Buổi sớm Bắc Kinh 9/11/2011 cho biết theo kết quả một cuộc điều tra, 89,9% dân mạng nói VHĐĐTQ chưa đạt tới “độ cao chưa từng thấy”, chủ yếu do chất lượng tác phẩm kém tuy số lượng tăng. Nhiều người nói hiện TQ không có nhà văn nghệ mà chỉ có nhà buôn văn nghệ nhằm kiếm tiền.

Từ lâu giới nhà văn TQ có bất đồng lớn trong đánh giá VHĐĐTQ: một số người (đại diện là Tiêu Ưng) đánh giá thấp, một số người (đại diện là Trần Hiểu Minh) đánh giá cao.

Tại Hội chợ sách Frankfurt 10/2011, Vương Mông (nguyên Bộ trưởng Văn hóa TQ) phát biểu: VHTQ đang ở vào thời kỳ tốt nhất. Một số học giả phản bác mạnh nhận xét này. Tiêu Ưng nói : Vương Mông có địa vị cao trong văn đàn TQ mà nói kiểu pha trò như thế trên diễn đàn quốc tế là không nghiêm túc; thực ra VHĐĐTQ đang ở vào điểm cực thấp không đáng có. Về sau Vương thanh minh : Thời kỳ tốt nhất chỉ là nói về hoàn cảnh sinh tồn và sáng tác của nhà văn TQ hiện nay. Tiêu lại nói: Nếu đã có hoàn cảnh sáng tác tốt nhất, tại sao chưa có tác phẩm xuất sắc? Môi trường sáng tác không có quan hệ nhân quả với chất lượng tác phẩm; trên thực tế, các nhà văn có tiền có quyền chẳng những không thể sáng tác được tác phẩm hay mà thái độ tâng bốc xu nịnh theo đuôi kẻ quyền quý của họ đang làm hỏng VHTQ.

Bành Lương Cử nhận xét: Vương Mông nói thế là lừa mình dối người, VHTQ từ thập niên 1950 tới nay là VH chính trị, không có VH nhân đạo và VH nhân tính, không có VH hiện thực thật sự, càng khó có được tác phẩm kinh điển lớn. Trương Ninh (GS ĐH Sư phạm Bắc Kinh) nhận xét : Vương Mông nói VHĐĐTQ ngày nay có môi trường sáng tác rộng rãi chưa từng thấy; nay Trần Hiểu Minh lại nhận định VHĐĐTQ đạt độ cao chưa từng thấy. Hai cái chưa từng thấy ấy cộng lại khiến chúng ta khó xử chưa từng thấy.

Mới đây Vương Mông hài hước nói TQ ít có nhà văn vĩ đại là do số nhà văn TQ tự tử quá ít; việc sáng tác chẳng khác con chó dại đuổi theo nhà văn, ý thức [cho mình là] tinh hoa khiến họ cảm thấy cô đơn và chịu sức ép.

Nhìn chung dư luận không phủ nhận VHTQ còn yếu kém so với thế giới. Sách VHTQ dịch ra ngoại ngữ chỉ bằng một phần rất nhỏ số sách nước ngoài dịch ra Hán ngữ. VHĐĐTQ chưa có nhà văn cỡ thế giới và tác phẩm lớn. Vương An Ức cho rằng VHTQ muốn đi ra thế giới có lẽ phải chờ vài chục năm nữa.

Báo Nam phương dạ vũ viết : Hơn 30 năm qua VHTQ phát triển mạnh về số lượng, nhưng chất lượng sa sút nhanh, chủ yếu do giới sáng tác và xuất bản chạy theo danh và lợi. Hiện nay TQ mỗi năm xuất bản hơn 2000 tiểu thuyết dài. Phát triển nhanh nhất là VH mạng, tuy có ích cho việc nâng cao trình độ viết của toàn dân, song lại làm cho rác VH tràn lan. Có học giả đề nghị hoãn 10 năm việc bình chọn giải VH Mao Thuẫn.

Goldblatt nhận xét: Tiểu thuyết VHĐĐTQ không được hoan nghênh trong thế giới Anh ngữ, các nhà xuất bản không muốn in; nhà văn TQ rất không chuyên nghiệp, họ viết nhanh quá, gây ấn tượng viết ẩu, sau khi xuất bản lại thiếu sự phê bình; một bệnh lớn nữa là viết quá dài, vì nhuận bút tính theo số chữ.

Việc Mạc Ngôn được giải Nobel không làm thay đổi cách đánh giá VHĐĐTQ. Tân Kinh Báo viết: Giải Nobel chỉ khẳng định cá nhân Mạc Ngôn chứ không khẳng định nền VHTQ. Phương Châu Thủy Thủ viết: Nobel Văn yêu cầu tác giả phải có giá trị quan độc lập, nhưng trong một nước mà nhà văn có thể bị bắt đi thẩm vấn thì điều đó còn có ý nghĩa gì? Tào Trường Thanh, Tiêu Ưng, Lý Nhuệ… cho rằng Kubin nhận xét đúng về Mạc Ngôn; nếu tác phẩm của Mạc không được Goldblatt dịch theo kiểu sáng tạo như vậy thì chưa chắc Mạc đã được giải Nobel. Nhà văn Vương Quý Thành nói: Một Nobel Văn của Mạc Ngôn không thể thay đổi được sự hoang vu yếu đuối và số phận rác rưởi của sinh thái VHĐĐTQ; chế độ nhà nước nuôi nhà văn là một nguyên nhân làm cho VHĐĐTQ trở thành rác rưởi.

Nhưng bà Thiết Ngưng Chủ tịch Hội Nhà văn TQ nói: Tôi e rằng nước ta hiện nay chưa thể bỏ “chế độ nuôi nhà văn”; nước lớn thế này, chính phủ có thể bỏ tiền nuôi một bộ phận nhà văn ưu tú, nếu không nuôi nổi họ thì sẽ là chuyện buồn.

Trong tranh cãi, người TQ hay viện dẫn ý kiến của Kubin. Qua đây có thể thấy giới học giả TQ đều biết Kubin có nhận định đúng về VHĐĐTQ, nhưng trong cơ chế hiện nay, nhà văn TQ không thể thoát ra khỏi nhiều ràng buộc. Như họ chỉ được phép có một tư tưởng là chủ nghĩa cộng sản, họ không thể phê phán chính quyền bởi lẽ họ được chính quyền trả lương để viết… Nếu họ làm khác thì tác phẩm sẽ bị cấm xuất bản. Mạc Ngôn là đảng viên và Phó CT Hội Nhà văn TQ, do đó càng không thể có tư tưởng riêng; ông phải chọn cách sáng tác kết hợp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với các câu chuyện dân gian, lịch sử, mà không thể dùng chủ nghĩa hiện thực đích thực. Với chế độ chính trị hiện nay, TQ khó có thể có những nhà văn thực sự nói lên tiếng nói của nhân dân.

Không ít nhà văn TQ, kể cả người bị phê bình đích danh, đều tránh bình luận lời của Kubin, hoặc chỉ nói qua loa. Có lẽ vì họ thấy Kubin đúng, họ biết ông nghiên cứu VHTQ sâu sắc hơn mình. Quả thật Kubin rất nghiêm túc, nói có sách mách có chứng, không dễ thỏa hiệp, luôn kiên định một nguyên tắc khó bác bỏ : Nhà văn chân chính thì chớ quan tâm đến thị trường, tức chớ nên sáng tác chỉ vì tiền. Với những quan điểm sắt đá của mình, Kubin như một cỗ xe tăng Đức cứ lừ lừ tiến tới, không chùn bước bất cứ sức mạnh nào.

 

Wolfgang Kubin : nhà văn, nhà thơ, nhà dịch thuật, hội viên Hội Dịch giả Đức và Hội Nhà văn Đức, GS Chủ nhiệm Khoa Hán học ĐH Bonn. Sinh 1945, từ 1966 học Thần học tại ĐH Münster. 1968 học Nhật học (Japanology) và Cổ văn TQ tại ĐH Vienna. 1969-73 học Hán học (Sinology), triết học, VH Đức tại ĐH Ruhr Bochum. Làm luận án tiến sĩ (1973) về thơ trữ tình của Đỗ Mục. 1974-75 học Hán ngữ ở ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh. 1981 bảo vệ luận án tư cách GS, đề tài Không Sơn – quan điểm tự nhiên của văn nhân TQ . Biết tiếng Latin, Pháp, Anh, Trung. Viết văn, thơ bằng tiếng Đức, TQ, Anh. Đã viết hoặc dịch hơn 50 tác phẩm VH. Dịch Luận ngữ, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử…, dịch thơ của hơn 50 nhà thơ TQ như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bắc Đảo, Cố Thành,… Dịch Tuyển tập Lỗ Tấn 6 tập, viết Diễn biến quan điểm tự nhiên trong VHTQ, Lịch sử thi ca cổ điển TQ, và Lịch sử VHTQ thế kỷ XX (10 tập) – bản dịch tiếng TQ sách này khi xuất bản ở TQ đã gây phản ứng không nhỏ. Được tặng nhiều giải thưởng văn học trong, ngoài nước, như giải Johann-Heinrich-Voß-Preis là giải thưởng dịch thuật cao nhất nước Đức. Vợ người Hoa.

Tác giả là Khương Nhung (bút danh), hầu như chưa hề xuất hiện công khai, tuy có vợ là Phó CT Hội Nhà văn TQ (bà Trương Kháng Kháng). Có người nói Khương đề cao bản tính loài sói là trái với quan điểm truyền thống ở TQ cho rằng “dân tộc Hán xuất thân làm nông nghiệp, bản tính hiền lành, xưa nay chưa từng xâm lược nước ngoài”.

RELATED ARTICLES

Tin mới