Một số ý kiến cho rằng, Đài Loan có thể sẽ phải suy nghĩ lại về sự ủng hộ của Mỹ trước sự việc Washington rút quân khỏi Syria.
Binh lính Mỹ tại khu vực của người Kurd ở vùng núi Karachok gần Malikiya, Syria, ngày 25/4/2017. Ảnh: Reuters
Vào ngày 19/12, bất chấp sự phản đối của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Tổng thống Mỹ Donald Trump Trump tuyên bố rằng Washington đã hoàn thành nhiệm vụ trấn áp tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) ở Syria và sẽ rút khỏi Syria. Như vậy, ước tính sẽ có khoảng 2.000 người sẽ quay trở lại Mỹ trong tương lai.
Theo giới phân tích, việc ông Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria, tượng trưng cho việc Mỹ dự định đơn phương chấm dứt hỗ trợ cho lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria. Quyết định này sẽ làm cho tình hình ở Syria rõ ràng hơn và trở thành một cuộc chơi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đài Loan là phiên bản người Kurd 2”?
Trước việc Mỹ rút quân khỏi Syria – trước đây Nhà Trắng từng cam kết sẽ ủng hộ lực lượng người Kurd giành độc lập, một số quan điểm cho rằng, sự việc này cũng có thể xảy ra với Đài Loan bởi với Mỹ, Đài Loan chỉ là “con bài” để đàm phán với Trung Quốc.
Người Kurd là một trong năm dân tộc chính ở Trung Đông. Hiện tại, tộc người này có khoảng 30 triệu người ở Trung Đông. Họ tập trung chủ yếu sống ở vùng núi giữa Iran, Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau “Mùa xuân Ả Rập” năm 2009, sự bùng nổ của cuộc nội chiến ở Syria và sự trỗi dậy của IS đã khiến người Kurd ở Syria trở thành một lực lượng vũ trang và họ nhận được sự hỗ trợ của Mỹ trong quá trình chiến đấu với IS.
Trên thực tế, sự hỗ trợ của Mỹ đối với người Kurd bắt nguồn từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Vào thời điểm đó, người Kurd ở miền bắc Iraq đã tự nổi dậy. Để làm suy yếu chế độ cựu Tổng thống Saddam Hussein và bảo vệ người Kurd khỏi bị trả đũa, ba nước Mỹ, Anh và Pháp đã thiết lập vùng cấm bay ở miền bắc và miền Nam Iraq.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có vùng cấm bay này, người Kurd ở Iraq đã bị quân đội Iraq “xóa sổ từ lâu”.
Đối với Mỹ, việc hỗ trợ người Kurd giành độc lập là cách bố trí chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Nếu thành công, Mỹ sẽ có thêm một đồng minh “trung thành”, ngoài Israel và Ả Rập Saudi ở Trung Đông, điều này sẽ làm gia tăng đáng kể ảnh hưởng của Washington ở Trung Đông.
Đồng thời nó cũng sẽ thay đổi cấu trúc địa chính trị ban đầu, đặc biệt sẽ có tác động lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 – chính quyền Ankara khi đó cáo buộc Mỹ đứng sau sự kiện này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã áp dụng chính sách đối ngoại “xa Mỹ thân Nga” và hợp tác với Moscow trong cuộc chiến Syria.
Vào năm 2017, trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurd ở Iraq đã có tới được 92% tương đương 2,86 triệu người tán thành. Tuy nhiên, nó đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Iran, Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2017, nhận thấy xu thế thay đổi, Mỹ cũng ngay lập tức thay đổi chiến lược, công khai phản đối cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd. Đối với người Kurd – đó là sự phản bội đối với cam kết ban đầu của chính quyền Washington.
Đến tháng 1/2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động “hành động cành ô liu” để tiến hành một cuộc tấn công vào căn cứ của người Kurd ở khu vực Aflin thuộc tây bắc Syria nhưng Mỹ cũng thờ ơ.
Tuyên bố của Tổng thống Trump về chiến dịch quân sự ở Syria lần này thực sự là sự chấm dứt cho “giấc mơ độc lập” của người Kurd, báo tiếng Hoa Đa chiều nhận định.
Tương tự, theo tờ này, đối với Mỹ, Đài Loan cũng chỉ là “con bài” để đối phó với Trung Quốc và thật khó để nói đến sự “chân thành” của Washington đối với vùng lãnh thổ này nhưng đối với Trung Quốc, vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi, thậm chí Bắc Kinh có thể “không tiếc một cuộc chiến đề giành lấy Đài Loan”.
Theo các cuộc thăm dò dân ý ở Đài Loan, số người ủng hộ quan điểm độc lập chỉ chiếm 10-20% dân số vùng lãnh thổ, nhưng có tới 70% số người được hỏi tin rằng nếu chiến tranh hai bờ eo biển xảy ra, Mỹ sẽ cử binh lính tới bảo vệ họ.
Tuy nhiên, Đa chiều cho rằng, người dân trên đảo Đài Loan có thể sẽ phải suy nghĩ lại nếu nhìn bài học trước mắt của người Kurd.