Theo các chuyên gia Mỹ, mặc dù tình hình luôn nóng hơn cả Triều Tiên, Ukraine, Đài Loan, nhưng nguy cơ xung đột trên Trung-Mỹ trên Biển Đông là rất thấp.
Nguy cơ xung đột quân sự Trung-Mỹ trên Biển Đông được đánh giá là không cao
Cơ quan tham vấn của Mỹ là Hội đồng quan hệ đối ngoại đã đưa ra dự báo về những điểm nóng có thể bùng phát chiến tranh trong năm 2019 sắp tới.
Theo đó, Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ sau khi thăm dò ý kiến 500 chính trị gia, chuyên gia và nhà khoa học, cơ quan này đã nêu lên 30 địa điểm có tình hình căng thẳng đến mức chiến tranh có thể nổ ra; trong đó đặc biệt đáng chú ý là nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên, biển Đông, Venezuela, Syria, Yemen, Afghanistan và Iran.
Tuy nhiên, đánh giá này chủ yếu nghiêng về đánh giá những khu vực có thể bùng phát xung đột giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với các vùng lãnh thổ li khai. Do đó, cuộc xung đột hiện nay ở Syria nghiễm nhiên không nằm trong những nguy cơ bùng phát chiến tranh hàng đầu.
Ukraine: Nguy cơ xung đột bị lãng quên?
Một điều bất ngờ là trong báo cáo dự báo của các chuyên gia Mỹ lưu ý rằng một điểm nóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như Ukraine dường như lại không nguy hiểm lắm. Nhưng trên thực tế, đó là cuộc chiến thực sự đang diễn ra, có sử dụng vũ khí hạng nặng.
Theo một số chuyên gia, với lập trường hiếu chiến của tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko – người đang đe dọa sẽ khuất phục hai nước cộng hòa li khai ở Donetsk và Lugansk (vùng Donbass) bằng vũ lực, chuyện đổ máu ở khu vực này là thật khó tránh.
Năm 2019, Ukraine sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Ông Petro Poroshenko cần một cuộc chiến nhỏ trước cuộc bầu cử để tập hợp nhân dân xung quanh mình và nâng cao chỉ số uy tín cho bản thân.
Ngoài ra, căng thẳng với Nga cũng khiến ông Poroshenko có thể kiếm tiền tốt hơn từ những khoản viện trợ nhỏ giọt của đồng minh; ví dụ như sau sự cố Nga-Ukraine ở eo biển Kerch, Hoa Kỳ đã quyết định phân bổ 10 triệu USD cho Kiev để hỗ trợ lực lượng hải quân Ukraine.
Do đó, mặc dù Mỹ đánh giá không cao về nguy cơ chiến tranh ở Ukraine, nhưng trên thực tế, khu vực này mới là điểm nóng thực sự có thể bùng phát chiến tranh, mặc dù quy mô có thể không lớn.
Đài Loan: Nguy cơ xung đột không cao
Tờ South China Morning Post lưu ý rằng, lần đầu tiên các chuyên gia đã đưa Đài Loan vào danh sách này.
Theo ý kiến của nhà phân tích của Sputnik là ông Piotr Tsvetov, trong năm 2018, chính quyền của ông Donald Trump đã thực hiện một số động thái phát triển quan hệ với hòn đảo này khiến Bắc Kinh nổi giận, đặc biệt là việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Đài Bắc.
Theo ý kiến của ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Fudan (Phúc Đán) ở thành phố Thượng Hải, vì các mục đích chiến thuật, Mỹ sẽ thúc đẩy Đài Loan chống lại Trung Quốc, nhằm khiến Bắc Kinh khốn đốn trong vòng vây của Mỹ và đồng minh.
Sau khi phân tích các sự kiện, các chuyên gia cho rằng, nếu xét đến việc Bắc Kinh kiên quyết ngăn cản Đài Loan tồn tại độc lập, để trong tương lai sát nhập đảo này với đại lục, thì xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ ở eo biển Đài Loan là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, xung đột này ít có khả năng hơn so với khu vực Biển Đông hoặc trên Bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên: Không chiến tranh vì sợ “lưỡng bại câu thương”
Bán đảo Triều Tiên đã trải qua một năm 2018 yên bình nhất trong hàng thập kỷ qua, với việc quan hệ Hàn-Triều và quan hệ Mỹ-Triều đã có những tiến bộ khởi sắc đáng ghi nhận, xuất phát từ việc Triều Tiên đã ngừng các vụ thử hạt nhân và các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên vẫn là một điểm nóng quân sự bởi sự không tin tưởng lẫn nhau đã ăn sâu trong tiềm thức các bên.
Chỉ cần những cuộc tập trận được gia tăng về số lượng và quy mô là các vụ thử nghiệm vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể quay trở lại; hoặc chỉ cần Mỹ và đồng minh nhận thấy Bình Nhưỡng “không trung thực” (giống như vụ Israel tố cáo Iran vẫn phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo); là những đòn trừng phạt có thể giáng xuống đầu Triều Tiên bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên vẫn có xác suất thấp, bởi Bình Nhưỡng hiện đã có đủ thực lực quân sự để khiến Mỹ-Hàn nhận lấy những kết cục vô cùng thảm khốc. Bom H và ICBM Hwangsong 15 chính là “vũ khí bảo kê” đắc lực cho chính quyền Bình Nhưỡng.
Một khi chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bùng phát, kẻ gặp họa chính là đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với chính những căn cứ của Mỹ ở hai nước này và đảo Guam, thậm chí là cả các thành phố miền Tây nước Mỹ cũng có thể bị tấn công. Do đó, viễn cảnh “lưỡng bại câu thương” chính là điều đã ngăn cản chiến tranh bùng phát trên bán đảo Triều Tiên.
Biển Đông: Nóng nhưng không xung đột
Đánh giá về các sự kiện gần đây trong quan hệ Mỹ-Trung (đối thoại an ninh ở Washington vào đầu tháng 11, cuộc tiếp xúc và hội đàm của Tập Cận Bình và Trump ở Buenos Aires), các nhà lãnh đạo của cả hai nước không muốn biến bất đồng hiện có leo thang thành xung đột vũ trang trực tiếp.
Như chúng ta thấy, các tàu Mỹ tiếp tục tuần tra Eo biển Đài Loan và dọc theo Biển Đông, nhưng biên phòng Trung Quốc không động chạm đến chúng. Có đôi lúc báo giới ầm ĩ lên vì lo sợ nguy cơ va chạm giữa các tàu chiến và máy bay hai bên, nhưng hai bên đều rất cẩn thận để tránh đụng độ trực tiếp.
Và trên thực tế chỉ có Bộ Ngoại giao Trung Quốc không mệt mỏi đưa ra các tuyên bố mang tính hình thức.
Theo giáo sư Wei Zongyou từ Đại học Fudan (Thượng Hải), Trung Quốc không muốn xung đột quân sự với Hoa Kỳ ở Biển Đông và Hoa Kỳ cũng không muốn gây chiến với Trung Quốc, bởi điều đó chẳng mang lại lợi lộc gì, mà còn gây họa sát thân cho cả hai bên.
Kim ngạch thương mại Trung-Mỹ lên tới hơn 600 tỷ USD (năm 2017 là 630 tỷ USD) và việc Hoa Kỳ không có lợi ích quốc gia trực tiếp trên Biển Đông sẽ khiến tình hình Biển Đông tuy lúc nào cũng nóng, nhưng không bao giờ xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc.
Ngoài ra, các chuyên gia Mỹ cũng nêu một vài điểm nóng lớn trên thế giới có thể dẫn tới xung đột là Syria và Iran. Tuy nhiên, các khu vực này hoặc là đã chấm dứt sự hiện diện của Mỹ, hoặc là chưa có những chất xúc tác có thể dẫn tới xung đột quân sự lớn. Do đó, nguy cơ chiến tranh là không cao.