Friday, January 17, 2025
Trang chủĐiểm tinNgụy tạo phi lý trong bài báo của TQ về Chữ Thập

Ngụy tạo phi lý trong bài báo của TQ về Chữ Thập

Bài báo của Trung Quốc về Chữ thập là hoàn toàn ngụy tạo. Theo quy định của luật pháp và tập quán quốc tế, Chữ Thập là đá, không phải là đảo. Trung Quốc không có danh nghĩa chủ quyền với Chữ Thập. Mục đích quân sự hoá là rõ ràng, còn phục vụ dịch vụ công quốc tế chỉ là bịa đặt.

Khu vực được cho là nơi xây dựng trung tâm liên lạc ở Đá Chữ Thập. Ảnh: AMTI.

Nansha Islands have a double-edged screen brush. Whats going on here now?

Ngày 27/01/2019, trang mạng Trung Quốc có bài viết “Quần đảo Trường Sa có một khu lưỡng dụng được ẩn giấu. Chuyện gì đang diễn ra ở đây? ” biện hộ về hình ảnh toàn cảnh cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Chữ Thập. Nội dung bài báo rất phi lý và đáng phê phán vì hoàn toàn là ngụy tạo.

Ngụy tạo về quy chế đảo

Đầu tiên, cách viết và dẫn chứng của bài báo ngụ ý Chữ Thập là đảo. Bài báo cho rằng Chữ Thập trước khi cải tạo là thực thể nổi với diện tích nhỏ dưới 0,2 km2, sau khi cải tạo trở thành đảo nhân tạo lớn với diện tích 2,8 km2, tương đương với gần 2 lần thủ đô của nước Maldive ở Ấn Độ Dương, nơi có dân số khoảng 100.000 người. Đồng thời, bài báo ngầm cho rằng Chữ Thập có giá trị như các thành phố trên đất liền do các cơ sở xây dựng đủ điều kiện cho cư dân sinh sống (có đường băng 3.000 m, các nhà chứa máy bay, cầu cảng, phủ sóng 4G, cơ sở tập luyện, sân bóng rổ, bóng đá, bệnh viện dã chiến với 10 khoa đặc biệt, vườn rau hơn 4.000 m2, các toà nhà có điều hoà, ti vi, máy giặt,…)

Cách diễn giải này hoàn toàn vô lý vì không căn cứ theo quy định của luật pháp quốc tế và điều kiện tự nhiên của Chữ Thập. Điều 121 của UNCLOS 1982 quy định rất rõ rằng đảo phải là “vùng đất tự nhiên” có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước, loại trừ bất kỳ đảo nhân tạo nào. Điều 60 (khoản 8) của UNCLOS 1982 cũng quy định “các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa.”

Cụ thể hơn, Phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà trọng tài trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc khẳng định Chữ Thập chỉ là đá (không phải là đảo). Kết luận của Toà Trọng tài thuyết phục vì không những là một phần của luật quốc tế, dựa trên các quy định của UNCLOS 1982, tập quán quốc tế mà còn dựa trên các chứng cứ chính xác về điều kiện tự nhiên của Chữ Thập từ nửa cuối thế kỷ 19. Toà đã căn cứ vào dữ liệu khảo sát từ năm 1866 của tàu HMS Rifleman cho thấy có mỏm đá nhô lên mặt nước ở cực Tây Nam của bãi. Năm 1936, tàu HMS Herald khảo sát và mô tả lại Chữ Thập là một bãi san hô có vài mỏm đá khô bị sóng biển làm xói mòn. Tổng chiều dài của bãi là 22 km (14 dặm), chiều rộng là 4,6 km (4 dặm), trong đó mỏm đá lớn nhất ở cực Tây Nam của bãi cao khoảng 0,6 m trên mặt nước. Nội dung này sau đó được mô tả tương tự trong các Chỉ dẫn hàng hải quốc tế như Chỉ dẫn biển Trung Hoa (China Sea Directory) của Anh, Chỉ dẫn hàng hải của Mỹ (US Sailing Directions), Chỉ dẫn biển của Philippines (Philippines Coast Pilot),… Đáng chú ý, Chỉ dẫn biển của Hải quân Trung Quốc cũng mô tả hầu hết Chữ Thập chìm dưới mặt nước, chỉ có 7 chỏm nhỏ xuất hiện khi thuỷ triều xuống.

Trên thực tế, đa phần các quốc gia khu vực không công nhận Chữ Thập là đảo. Minh chứng là các nước lớn, nhất là Mỹ tích cực ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài. Các nước còn triển khai các hoạt động tự do hàng hải qua Biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc. Ví dụ, tháng 5/2016, Mỹ điều tàu chiến USS William P. Lawrence thực hiện tự do hàng hải trực tiếp ở Chữ Thập, đi vào 12 hải lý của Chữ Thập để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và củng cố lập luận rằng Chữ Thập không được hưởng quy chế đảo. Trong khi đó, các nước ở khu vực trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện ủng hộ với Phán quyết thông qua nhấn mạnh tôn trọng “quy trình pháp lý và ngoại giao.”

Ngụy tạo danh nghĩa chủ quyền

Thứ hai, bài báo ngụy tạo danh nghĩa về chủ quyền của Trung Quốc đối với Chữ Thập. Bài báo ngang nhiên cho rằng việc mở rộng nhân tạo các bãi cạn tự nhiên ở Biển Đông giúp bảo vệ cái gọi là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ các đảo trên Biển Đông… và việc xây dựng các đảo và bãi đá ở Biển Đông là vấn đề chủ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ vùng biển và vùng trời trên Biển Đông trong cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò.”

Luận điểm này có hai điều phi lý. Một là, Chữ Thập và các thực thể ở Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ xuất hiện và chiếm đóng Chữ Thập từ ngày 31/01/1988. Đây là một trong chuỗi các hành động sử dụng vũ lực để đánh chiếm Trường Sa với đỉnh điểm là cuộc hải chiến Gạc Ma vào tháng 3/1988. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm quy định của Hiến chương Liên hợp quốc về việc cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác (Điều 2 khoản 4). Do đó, hành động này không cấu thành bằng chứng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với Chữ Thập và các cấu trúc nước này chiếm đóng ở Trường Sa, ngược lại là chứng cứ cho thấy Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Hai là, “đường lưỡi bò” (hay là “đường chín đoạn”) rất mập mờ, không có cơ sở thực tế khách quan và không có căn cứ theo bất cứ loại luật pháp quốc tế nào, đặc biệt là UNCLOS 1982. Việc coi “đường lưỡi bò” là căn cứ để xác định lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa đều không đúng. Lý do là (i) “đường lưỡi bò” do một cá nhân vẽ tự do 34 năm trước khi UNCLOS ra đời năm 1982 và được chính quyền Trung Hoa Dân quốc sử dụng lại. Đường này không được cơ quan luật pháp quốc tế nào công nhận là ranh giới các vùng biển của Trung Quốc. Khi Trung Quốc tung bản đồ chứa đường này năm 2009 liền bị các nước ở khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia phản đối. Các nước lớn, nhất là Mỹ cũng chính thức bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; (ii) trên thực tế, khoảng cách từ đường cơ sở bao quanh đất liền của Trung Quốc dùng để tính chiều rộng các vùng biển đến “đường lưỡi bò” quá xa và gấp nhiều lần khoảng cách cho phép của các vùng biển được quy định trong UNCLOS 1982; (iii) Phán quyết Toà Trọng tài trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc trong “đường lưỡi bò”. Toà khẳng định “yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử hoặc quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với các vùng viển ở Biển Đông bên trong ‘đường chín đoạn’ trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý đối với phạm vi vượt qua giới hạn địa lý của các vùng biển của Trung Quốc đúng theo Công ước.” Phán quyết còn nhấn mạnh lại rằng Công ước bác bỏ bất cứ quyền lịch sử nào hoặc quyền chủ quyền và quyền tài phán nào vượt quá giới hạn được quy định trong Công ước.

Ngụy tạo dịch vụ công quốc tế

Thứ ba, bài báo còn ngụy tạo dịch vụ công quốc tế. Bài báo đã không che giấu mục đích quân sự của Trung Quốc trong việc cải tạo Chữ Thập và các thực cấu trúc chiếm đóng ở Trường Sa, coi Chữ Thập và các cấu trúc nhân tạo khác như Xu Bi và Vành Khăn là tàu sân bay không thể bị đánh chìm. Trung Quốc đã cho máy bay dân sự cất hạ cánh, điều động tên lửa đối không và đối hạm ra Chữ Thập. Song song với đó, bài báo lồng ghép rêu rao việc xây dựng cơ sở trên Chữ Thập còn nhằm thực thi nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo yêu cầu của UNESCO và phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp quốc tế như cứu hộ cứu nạn, tránh trú cho ngư dân (rằng là tháng 3/1987 Uỷ ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO ủy thác cho Trung Quốc thiết lập trạm quan trắc đại dương ở Trường Sa, sau đó Trung Quốc chọn Chữ Thập làm địa điểm triển khai).

Việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông nói chung và Chữ Thập nói riêng là rõ như ban ngày. Điều đáng lên án là bài báo dường như coi đây là điều đương nhiên, cố tình lờ đi sự thật rằng việc điều động các vũ khí tấn công ra Biển Đông là hành động đơn phương nhằm mở rộng kiểm soát không gian, tiến tới độc chiếm Biển Đông và gây mất an ninh đối với các nước xung quanh và ảnh hưởng đến sự an toàn của các tàu thuyền nước ngoài đi qua Biển Đông.

Việc Trung Quốc rêu rao nghĩa vụ quốc tế là hoàn toàn bịa đặt. Trên thực tế, Trung Quốc đã gian xảo, cố tình lợi dụng danh nghĩa tổ chức quốc tế để biện hộ và làm mờ đi hành động dùng vũ lực để xâm chiếm Chữ Thập và các thực thể khác ở Trường Sa vào năm 1988, và củng cố yêu sách chủ quyền vô lý, bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. UNESCO là tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc, không có thẩm quyền để giao cho Trung Quốc nhiệm vụ xây dựng trạm quan trắc trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia khác.

Tóm lại, bài báo của Trung Quốc về Chữ Thập là hoàn toàn ngụy tạo. Theo quy định của luật pháp và tập quán quốc tế, Chữ Thập là đá, không phải là đảo. Trung Quốc không có danh nghĩa chủ quyền với Chữ Thập. Mục đích quân sự hoá là rõ ràng, còn phục vụ dịch vụ công quốc tế chỉ là bịa đặt.

RELATED ARTICLES

Tin mới