Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTập Cận Bình sẽ là lãnh đạo duyệt binh nhiều nhất TQ?

Tập Cận Bình sẽ là lãnh đạo duyệt binh nhiều nhất TQ?

Trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, quân đội nước này sẽ tổ chức duyệt binh Hải quân lớn, ông Tập Cận Bình sẽ đích thân giám sát. Vào dịp kỷ niệm 70 năm đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập chính quyền sắp tới (1/10), có thể sẽ tiếp tục tổ chức duyệt binh. Nếu như vậy, ông Tập Cận Bình được coi là lãnh đạo Trung Quốc duyệt binh nhiều nhất. Ý đồ thực sự của ông Tập qua các lần duyệt binh cũng gây nhiều đồn đoán.

Trung Quốc sẽ tiến hành duyệt binh trên biển tại Thanh Đảo vào ngày 23/4. Hôm 20/4, quan chức quân đội Trung Quốc tuyên bố, tham gia duyệt binh gồm có 32 tàu chiến gồm cả mẫu hạm Liêu Ninh, tàu ngầm hạt nhân mới, tàu khu trục, v.v, và 39 máy bay chiến đấu; gần 20 tàu chiến của 10 nước cũng đến tham dự.

Tuy nhiên, hiện tại quân đội Trung Quốc vẫn chưa công bố danh sách cụ thể hơn 10 nước này, Mỹ cho biết không tham gia hoạt động này.

Theo The Washington Free Beacon đưa tin, Trung Quốc có mời Mỹ gửi chiến hạm và cử quan chức cấp cao Hải quân Mỹ tham gia hoạt động ở Thanh Đảo nhưng đã bị từ chối.

Bộ Ngoại giao Mỹ lo lắng, Trung Quốc lợi dụng chiến hạm Mỹ đến để tăng cường địa vị quốc tế của mình. Do đó, Mỹ sẽ không điều tàu hoặc phái quan chức tới tham dự hoạt động của Hải quân Trung Quốc, chỉ giới hạn cho quan chức thuộc Văn phòng Tùy viên Quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc tham dự.

Theo Nhật báo Apple tại Hồng Kông đưa tin, ngày 12/4 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã tham dự duyệt binh tại Hải Nam, quân đội Trung Quốc đã điều động 48 chiến hạm, 76 chiến cơ và hơn 10.000 quan binh tham gia, đây được coi là lần duyệt binh trên biển quy mô lớn nhất kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập chính quyền. Lần này, chính quyền Bắc Kinh lại tiếp tục tổ chức duyệt binh trên biển, quy mô có giảm hơn lần trước, có 32 chiến hạm và 39 chiến cơ.

Tàu sân bay 001A nội địa đầu tiên của Trung Quốc được sơn phủ lớp mới vào cuối tháng trước. Không biết liệu có tham gia vào cuộc duyệt binh lần này hay không.

Có chuyên gia quân sự giấu tên cho biết, năm ngoái trong cuộc duyệt binh ở Hải Nam, Trung Quốc đã “phô diễn toàn bộ thực lực hải quân, duyệt binh lần này (ở Thanh Đảo) khó có thể vượt qua quy mô năm ngoái”.

Được biết, ông Tập Cận Bình sẽ đích thân giám sát cuộc duyệt binh lần này.

Bên cạnh đó, năm nay cũng là kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ thành lập chính quyền, ông Tập Cận Bình có thể sẽ tổ chức duyệt binh tại Bắc Kinh.

Ngày 9/4, Apple Daily đã đăng một bài bình luận nói, tính cả cuộc duyệt binh nếu được tổ chức vào ngày 1/10 tới đây tại Thiên An Môn, thì trong 7 năm cầm quyền, ông Tập Cận Bình tổ chức 6 lần duyệt binh quy mô lớn, và trở thành nhà lãnh đạo duyệt binh nhiều nhất của ĐCSTQ.

Nhà bình luận Lâm Hòa Lập (Li Heli) phân tích, ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, nội bộ ĐCSTQ có một số phe cánh lớn, nên ông Tập không có cơ hội thiết lập hệ thống chính quy của mình, do đó ông mới dựa vào ủng hộ của quân đội để nắm uy quyền tuyệt đối trong đảng. Hiện tại, trong quân đội, ông Tập có được địa vị “không ai dám thách thức”. Trong hơn 6 năm qua, thông qua các cuộc duyệt binh, ông Tập đồng thời cũng cho bên ngoài thấy được sức mạnh của ĐCSTQ, cũng là đang nói với thế lực phản đối ông trong nội bộ đảng rằng, ông đã nắm chắc quân đội trong tay, đừng có thách thức.

Giới quan sát cũng phát hiện, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã liên tục thanh trừng kẻ địch chính trị trong nội bộ đảng, mỗi lần đến thời điểm nhạy cảm trong nước, chính quyền đều có diễn tập quân sự quy mô lớn, thường được cho là chỉ vào kẻ địch nội bộ.

Từ ngày 15/7/2014, trong gần 4 tháng, quân đội Trung Quốc từng tổ chức 10 cuộc diễn tập quân sự Lục quân bắn đạn thật “liên vùng”. Đồng thời, hải quân và không quân cũng được điều động, lần lượt diễn tập ở khu vực biển Đài Loan, Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Đông; cuộc tập trận với 3 binh chủng lớn, 6 quân khu lớn được gọi là cuộc diễn tập quân sự “Tam quân Tứ hải”, quy mô lớn chưa từng có. Trong lịch sử của quân đội Trung Quốc, đây cũng là cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ.

Nhà bình luận Trần Phá Không khi đó có bài bình luận nói, cuộc tập trận “Tam quân Tứ hải” giống như nhắm vào nội địch hơn. Hoặc là nói, bề ngoài là nhắm vào ngoại địch, nhưng thực tế là nhắm vào nội địch, lấy diễn tập quân sự làm yểm hộ, để đề phòng hành độc của thế lực nào đó trong nội bộ. Hoặc là, ông Tập muốn lấy Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương làm đội tiên phong, và lấy Tam quân làm hậu thuẫn, để làm một trận lớn.

Năm đó, trong lúc các cuộc diễn tập quân sự lên cao trào, ngày 29/7, chính quyền Tập Cận Bình đột nhiên lôi ra vụ án Chu Vĩnh Khang mà trước đó vẫn do dự chưa quyết định, và dùng dư luận đã được chuẩn bị kỹ lưỡng tấn công nhắm vào Chu Vĩnh Khang.

Từ năm ngoái (2018) tới nay, cao tầng ĐCSTQ liên tiếp lên tiếng nhấn mạnh luyện binh, chuẩn bị chiến đấu. Ngày 1/4 năm nay, tại hội nghị công tác quân sự của Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình đã ký quân lệnh số 1 năm 2019, tổng động viên toàn quân tập luyện.

Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn lời nhân sĩ ở tỉnh An Huy tên Thẩm Lương Khánh cho biết, ĐCSTQ nói chuẩn bị chiến đấu là mượn cơ hội để tuyên bố dã tâm bá quyền bao gồm cả Đài Loan trong đó, khả năng lớn hơn là vì để đáp ứng nhu cầu chính trị trong nước. Một là trong lúc kinh tế đang đang đình trệ, quan dân mâu thuẫn gay gắt, nên chuyển dịch một chút sự chú ý của người dân trong nước; hai là đe dọa đối thủ trong nội bộ đảng, để tiến thêm bước nữa tập trung quyền lực và ngăn chặn có người ép “thoái vị”.

Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều năm qua, tình trạng hủ bại trong quân đội Trung Quốc cũng ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu của toàn quân. Từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền, đã bắt giữ nhiều tướng lĩnh tham nhũng, nhưng điều này không đồng nghĩa hủ bại được loại bỏ hiệu quả. Do đó hiệu quả chiến đấu của quân đội và mức độ thực chất của các cuộc tập trận thể hiện ra cũng khiến nhiều người nghi ngờ.

RELATED ARTICLES

Tin mới