Vừa qua, Cục An toàn đường biển Hải Nam của Trung Quốc thông báo về việc một thuyền viên trên tàu hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu khí Hải dương 620 của nước này đã bị mất tích tại khu vực Vịnh Bắc Bộ. Nhưng theo giới quan sát, căn cứ vào các dữ liệu trên thực địa thì có thể đây chỉ là lý do để Trung Quốc biện minh cho ý đồ đưa tàu vào các vùng biển chủ quyền các nước, trong trường hợp này là Việt Nam.
Cục An toàn đường biển Hải Nam của Trung Quốc thông báo về việc một thuyền viên trên tàu hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu khí Hải dương 620 của nước này mất tích tại vị trí có toạ độ N 18o48’90 và E 107o32’70, ở Vịnh Bắc Bộ hôm 31/10. Các phân tích chỉ ra rằng thông báo của Trung Quốc đưa ra sau khi tàu hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu khí Hải dương 620 của nước này đã vượt qua khỏi đường phân định Vịnh Bắc Bộ và thâm nhập vào vùng biển của Việt Nam. Điều này cho thấy mục đích của tàu hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu khí Hải dương 620 khi đi qua đường phân định Vịnh Bắc Bộ không phải là tìm kiếm người mất tích như nước này thông báo, với những lý do sau đây:
Thứ nhất, do vị trí hoạt động của tàu hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu khí Hải dương 620 ở bên trái đường phân định Vịnh Bắc Bộ, có nghĩa là đã vào khu vực chủ quyền của Việt Nam và quá xa so với vị trí toạ độ mà nước này thông báo nhân viên mất tích. Theo tính toán khoảng cách giữa hai vị trí này có thể là từ 108km đến 78km. Khoảng cách này thực tế để người đó trôi dạt là vô lý.
Thứ hai, khi bắt đầu đi đến đường phân định Vịnh Bắc Bộ, tàu hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu khí Hải dương 620 đã tắt định vị, sau đó đã đi tiếp khoảng 8,3 hải lý (15km) trong vùng biển của Việt Nam, sau đó mới bật lại hệ thống định vị. Câu hỏi ở đây là nếu đi tìm kiếm cứu nạn tại sao phải tắt hệ thống định vị này vì tắt đồng nghĩa với việc tàu thuyền các nước khác không thể liên lạc, phối hợp được với tàu hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu khí Hải dương 620. Thực tế, tàu Trung Quốc kể cả tàu cá khi đi vào vùng biển các nước thường tắt hệ thống định vị vì sợ bị phát hiện hoặc khi có sự cố xảy ra thường các nước không thể nhận dạng được các tàu này.
Thứ ba, Hải dương 620 là một tàu hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu khí, không phải là một tàu tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, trong khi Trung Quốc thông báo nước này đã triển khai nhiều tàu cứu hộ ở Biển Đông. Điều này càng đặt nghi vấn về hành vi của Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược xâm nhập vào các vùng biển của các nước hoặc các khu vực chưa phân định nhằm theo đuổi các yêu sách chủ quyền. Trong vụ việc tại Bãi Tư Chính vừa qua, Trung Quốc đã cử nhóm tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông với danh nghĩa khảo sát địa chất. Điều này cho thấy nước này sẽ tiếp tục bất chấp dư luận và pháp luật quốc tế để có các hành vi tương tư. Vì vậy, các nước khu vực, đặc biệt là ASEAN cần có tiếng nói thống nhất trong việc lên án các hành vi của Bắc Kinh.