BienDong.Net: Hôm 5/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó đáng chú ý là việc chuyển đổi quân đội theo hướng tinh giản, gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo sự tinh nhuệ nhờ công nghệ cao, và đặc biệt là sẽ tăng cường ảnh hưởng tới khu vực châu Á- Thái Bình dương, bao gồm vùng biển Đông.
Trong nhiều thập kỷ, quân đội Mỹ được xây dựng để có khả năng tham chiến và chiến thắng hai cuộc chiến cùng một lúc.
Tổng thống Mỹ Obama thông báo chiến lược quốc phòng mới hướng tới châu Á hôm 5/1. Ảnh: americanparchment
* Mục tiêu Châu Á và Biển Đông
Tuy nhiên chiến lược quân sự mới đã loại bỏ hẳn điều này, theo đó, quân Mỹ sẽ chỉ phát động một cuộc chiến quy mô lớn ở một khu vực, trong khi tiến hành một hành động kiềm chế ở một nơi khác.
Đó là điểm đáng chú ý đầu tiên trong chiến lược quân sự mới, được đánh giá là thực dụng hơn của ông Barack Obama.
Thứ hai là việc thu hẹp các lực lượng mặt đất. Sau 10 năm phát động các hoạt động quân sự ở Afghanistan và Iraq, dường như người Mỹ đã cảm thấy quá đủ với việc phải duy trì một đạo quân chiến đấu khổng lồ, với lực lượng Lục quân 550.000 lính, tức đã tăng 40.000 so với năm 2006; Lính thủy đánh bộ có 200.000 quân so với con số 175.000 của năm 2006. Lầu Năm Góc có kế hoạch cắt giảm lần lượt 27.000 lính lục quân và 20.000 lính thủy đánh bộ vào năm 2015, qua đó giúp tiết kiệm chừng 6 tỉ USD.
Ngoài ra, Mỹ sẽ giảm bớt quy mô các lực lượng đồn trú ở châu Âu, nơi hiện đang có 43.000 binh sĩ. Giới chức quốc phòng nói rằng ít nhất sẽ có một sư đoàn chiến đấu của Lục quân với khoảng 3.500 lính bị cắt giảm. Như vậy, tác động của chiến lược mới có thể đưa các lực lượng mặt đất của Mỹ về bằng với mức trước các cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001.
Thứ ba, Mỹ sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân theo hướng sao cho vẫn đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân.
Thứ tư, để bù đắp cho việc giảm bớt quy mô các lực lượng đánh bộ, Mỹ sẽ đầu tư mạnh vào hải quân và không quân, cũng như các vũ khí dựa vào mạng internet và vũ khí vũ trụ. Ngân sách quốc phòng sẽ được chi nhiều hơn cho các chương trình máy bay không người lái, máy bay tàng hình như loại chiến đấu cơ F-35 và các chương trình gây nghẽn mạng điện tử.
Thứ năm, trước việc Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế, , Lầu Năm Góc sẽ chi thêm ngân sách cho công tác hiện đại hóa và nâng cao khả năng chiến đấu của hải quân và không quân tại châu Á, tăng cường sự hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đảm bảo “sự tự do lưu thông của hoạt động thương mại”, bao gồm tại khu vực Biển Đông.
Giới phân tích đánh giá chiến lược mới được công bố trong bối cảnh nước Mỹ cần cắt giảm mạnh ngân sách ít nhất 480 tỉ USD trong vòng một thập kỷ tới. Ngoài ra cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan cũng đã tới hồi hạ màn, buộc người Mỹ phải xem xét lại cách tổ chức chiến tranh của mình.
Giới chức lãnh đạo cao cấp của quân đội Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và tướng Lục quân Martin Dempsey nói rằng mặc dù phát triển theo hướng thu gọn hơn, nhưng quân Mỹ vẫn rất mạnh.
“Chúng ta vẫn có thể đương đầu với hơn một kẻ thù cùng lúc” – ” Panetta nói. Dempsey thì cụ thể hơn, khi khẳng định Mỹ hoàn toàn có đủ sức để vừa tham chiến với Triều Tiên, vừa sẵn sàng đối đầu với Iran ở vùng Vịnh. “Chiến lược chung của chúng ta luôn là về khả năng phản ứng với các sự kiện bất ngờ xảy ra trên toàn cầu, ở bất cứ nơi nào và khi nào nó xảy ra” – Dempsey nói – “Điều này không hề thay đổi”.
Được biết hoạt động chi tiêu quốc phòng vào đỉnh điểm của Mỹ là tương đương 517 tỉ USD trong năm 1985. Nó đã giảm tương đối trong 15 năm tiếp theo, nhưng nhảy vọt lên với vụ 11/9 và kể từ đó đã tăng trưởng thường niên 4,4% mỗi năm.
Bản dự thảo chiến lược quốc phòng mới dài 8 trang là kết quả của 8 tháng xem xét lại toàn bộ chiến lược quốc phòng, nhằm định hướng các hoạt động cắt giảm ngân sách mà Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch trong một thập kỷ tới. 8 trang giấy này không chứa những chi tiết cụ thể về việc Mỹ sẽ tập trung hơn vào châu Á ra sao và sẽ giảm chi tiêu bằng cách cắt bớt những đạo quân, những loại vũ khí nào.
Các chi tiết kiểu này sẽ nằm trong dự thảo cắt giảm ngân sách quốc phòng 2013 được đệ trình lên Quốc hội Mỹ vào tháng tới. Giới quan sát nói rằng chắc chắn Lầu Năm Góc sẽ không cắt giảm nhân lực theo hướng sa thải ồ ạt một lượng quá lớn quân nhân hoặc các sĩ quan, những người đã chịu trách nhiệm tham gia các cuộc chiến của Mỹ trong một thập kỷ qua.
Mỹ tìm cách duy trì hiện diện hiệu quả và tiết kiệm ở châu Á – Ảnh: AFP
Với việc quy mô quân đội đã nhỏ hơn và tinh thần chung là cắt giảm chi tiêu tối đa, không loại trừ việc các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ tìm cách chống lại những mối đe dọa bên ngoài bằng nhiều giải pháp thay thế giá rẻ, như hợp tác hoặc cố vấn với quân đội nước ngoài…
Giới lãnh đạo Mỹ thừa nhận ngân sách quân sự nhỏ hơn và một đạo quân đã thu hẹp quy mô có thể mang tới một số rủi ro. Nhưng trong một thế giới luôn biến động, quân đội Mỹ cũng sẽ thay đổi để thích nghi. “Quân đội của chúng ta sẽ gọn nhẹ hơn, nhưng thế giới cần hiểu rằng Mỹ sẽ vẫn duy trì vị thế siêu cường quân sự” – ông Obama tuyên bố.
Các phản ứng trái chiều
Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cùng một số nước khác đã lên tiếng về chiến lược quân sự mới của Washington, trong đó hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã không giấu diếm quan ngại về chiến lược quân sự mới của Mỹ. Nhà phân tích Charles Scanlon của hãng tin BBC cho rằng việc Mỹ quyết định tập trung vào châu Á không khiến các lãnh đạo Trung Quốc ngạc nhiên. Tuy nhiên, với một số người ở Bắc Kinh, đó có vẻ như là một chiến lược ngăn chặn được thiết kế để kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Phản ứng trước chiến lược quốc phòng mới tập trung vào châu Á của Mỹ, Tân Hoa Xã cho rằng sự hiện diện của Mỹ có thể thúc đẩy ổn định, phát triển nhưng cũng có thể “đe dọa nền hòa bình” của khu vực. Theo Tân Hoa, trên thế giới, Mỹ có khả năng lớn nhất để đảm bảo hòa bình và ổn định nhưng cũng có sức mạnh lớn nhất để gây ra sự bất ổn. Với sức mạnh đi kèm với trách nhiệm, Mỹ cần thực hiện cẩn trọng sức mạnh quân sự của mình”.
Trong khi đó, tờ báo Hoàn cầu, phụ bản tờ Nhân dân Nhật báo của đảng cầm quyền, khẳng định: “Washington không thể ngăn chặn được sự trỗi dậy của Trung Quốc” và kêu gọi quân đội phát triển vũ khí tầm xa để chống lại hải quân Mỹ.
Chi Lăng ( tổng hợp)