BienDong.Net: Căn cứ hải quân Du Lâm ( còn gọi là căn cứ hải quân Tam Á ) đặt tại Tam Á, thành phố cực nam thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc. Ban đầu, Du Lâm là căn cứ của các tàu ngầm thông thường, đặt trên bờ phía đông của vịnh Du Lâm.
Trong những năm gần đây Trung Quốc đã khẩn trương xây dựng căn cứ này, biến nó trở thành căn cứ qui mô và có tầm tác chiến chiến lược.
Thực tế, căn cứ hải quân Du Lâm đã mở rộng tới gần vịnh Hạ Long, là căn cứ chính của hạm đội tàu nổi và 1 căn cứ tàu ngầm hạt nhân. Căn cứ hải quân Du Lâm là một trong những căn cứ quan trọng nhất của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Vị trí chiến lược của Du Lâm nằm sát đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) ở Biển Đông, cũng như eo Malacca nơi có lưu lượng giao thông hàng hải rất lớn.
Căn cứ hải quân Du Lâm nhìn từ trên cao
Về mặt lịch sử, căn cứ hải quân Du Lâm được hình thành từ năm 1946 khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các cơ sở hải quân sau khi kết thúc Thế chiến 2. Năm 1951, lực lượng cộng sản Trung Quốc vượt qua Eo Qiongzhou và chiếm đảo Hải Nam. Ngay sau đó, Hải quân Khu vực phía nam của quân đội Trung Quốc đã thành lập Khu vực phòng thủ và tuần tra Du Lâm. Vào năm 1955, khu vực này đổi tên thành Căn cứ Hải quân Du Lâm và được biên chế vào Hạm đội Nam Hải mới thành lập. Từ những năm 1950 đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, căn cứ hải quân Du Lâm là căn cứ chính cho các tàu ngầm nhỏ thông thường và một số tàu tuần tra của Hạm đội Nam Hải.
Căn cứ tàu ngầm hạt nhân Du Lâm được trang tin điện tử của Hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) đưa tin lần đầu tiên vào tháng 4/2008, và chính thức được biết đến là căn cứ tàu ngầm thứ 2 của Hải quân Trung Quốc.
Căn cứ tàu ngầm hạt nhân Du Lâm gồm 3 bến cảng định vị cho các tàu ngầm hạt nhân cập cảng, 1 căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất, và 1 trung tâm khử từ tàu ngầm đặt tại đỉnh phía nam của bán đảo.
Bộ phận khử từ này gần giống như các bộ phận khử từ tại căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Quá trình khử từ được tiến hành trước khi triển khai nhằm loại bỏ hết các từ trường trong phần kim loại của tàu ngầm để tránh bị phát hiện bởi các tàu ngầm và tàu nổi khác.
Căn cứ ngầm dưới lòng đất có lối vào với chiều rộng hơn 23 mét, vừa cho các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân cỡ lớn (SSBN).
Theo Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, từ năm 2010, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có 5 tàu ngầm nguyên tử chiến lược hạng 094, mỗi chiếc mang 12 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa “Ngưu Lang” JL-2 có tầm bắn xa 8.000 km và có thể cải tiến tầm bắn lên đến 12.800 km. Với năng lực của căn cứ này thì Trung Quốc có thể kiểm soát tuyến eo biển Malacca và Biển Đông và phong tỏa các hoạt động thương mại ở trên tuyến này trong trường hợp có khủng hoảng xảy ra, cũng như hạn chế can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đối với vấn đề Đài loan.
Hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển hàng năm của thế giới đi qua eo biển Malacca, eo biển Sunda, và eo biển Lombok, với đa số tàu này tiếp tục hành trình vào Biển Đông. Lượng tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca để vào Biển Đông nhiều hơn 3 lần số tàu loại này qua kênh đào Suez, hơn 5 lần số lượt loại tàu này qua kênh đào Panama.
Căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Hải Nam là bằng chứng cho thấy tham vọng phát triển khả năng răn đe trên biển của Trung Quốc.
Sông Hương ( Theo Vitinfo và Wikipedia )