Saturday, May 4, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTư liệu phương Tây chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối...

Tư liệu phương Tây chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Vào những ngày này cách đây 46 năm, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa gây phẫn nộ đối với mỗi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước. Nhân dịp này, xin giới thiệu một tài liệu quý của Phương Tây minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa để góp phần bác bỏ những luận điệu sai trái của Bắc Kinh.

Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Bruxelles là một bằng chứng hùng hồn về giá trị pháp lý quốc tế, chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Theo tập bản đồ này, Việt Nam được giới thiệu trong các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 đều có ghi chú rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) thuộc chủ quyền của Đế chế An Nam (Empire d’An-nam).

Tờ bản đồ Partie de la Cochinchine (tờ số 106 – Châu Á) là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi của phương Tây đối với các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa đã được quốc tế ghi nhận.

Bản đồ khu vực Châu Á được xếp trọn trong một tập (tập thứ hai) của bộ Atlas với 110 bản đồ của hầu hết các quốc gia Châu Á đương thời. Việt Nam hay Đế chế An Nam (Empire d’Annam) khi đó được giới thiệu thông qua 3 tấm bản đồ: Tờ số 97, trang 108 về Bắc Kỳ (Tunquin); tờ số 105, trang 115 về Campuchia và Nam Kỳ (Cambodge et Annam) và tờ số 106, trang 116 về vùng duyên hải, hải đảo và biển khu vực Trung Kỳ (Partie de la Cochinchine).

Tờ bản đồ Partie de la Cochichine vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tương đương với tỉnh Khánh Hòa hiện nay, mà trên bản đồ có địa danh BINK-KANG (Bình Khang) và NHIATRANG (Nha Trang) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tương đương với tỉnh Quảng Nam hiện nay, mà trên bản đồ ở phía ngoài bờ biển có địa danh CHAMPELLA (Cù Lao Chàm). Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Quần đảo PARACELS trong bản đồ có các đảo I. Pattles, I. Duncan ở phía tây; Tree. I và I. Lincoln, Bocher au dessas de l’eau ở phía đông và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ tuyến 16; Investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ tuyến 14,5 và đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10 mét còn kéo dài đến vĩ độ 14, ngang với QUIN HONE (Quy Nhơn) nằm ở phía trong đường bờ biển.

Bên cạnh khu vực được xác định là Hoàng Sa (PARACELS), bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’An-nam), bao gồm các nội dung Phisique (tự nhiên), Politique (chính trị), Statistique (thống kê) và Minéralogie (khoáng sản).

Bắt đầu từ thế kỷ XVI đã có một số bản đồ phương Tây vẽ về khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh Pracel hay Paracels (Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và khu vực bờ biển phía tây Pracel hay Paracels (tương đương với bờ biển miền Trung Việt Nam) được quan niệm là Costa de Paracel (bờ biển Hoàng Sa). Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng đó là minh chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa đã có chí ít từ thế kỷ XVI.

Cùng trong bộ Atlas Thế giới, nhà địa lý học Philippe Vandermaelen cũng thể hiện rõ ràng đường biên giới của Trung Quốc. Cụ thể, tấm số 98 vẽ đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc và điểm cực nam của Trung Quốc kết thúc ở vĩ độ 22. Còn đường biên giới biển của Trung Quốc chỉ đến phía trên vĩ tuyến 18.

Các bản đồ của Trung Quốc và các bản đồ phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước đều cho thấy cực nam của Trung Quốc là ở đảo Hải Nam, trên vĩ tuyến thứ 18. Và cách thể hiện biên giới của Trung Quốc tại Atlas của Philippe Vandermaelen cũng trùng với bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (1904), hai bản đồ này đều thể hiện cực nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Còn khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là của Việt Nam.

Theo bà Marguerite Sylvestre, chuyên gia phụ trách phông lưu trữ Philippe Vandermaelen tại Thư viện Hoàng gia Bỉ cho biết, năm 1825, Philippe Vandermaelen bắt đầu thực hiện kế hoạch vẽ và xuất bản bộ Atlas thế giới. Đây là bộ Atlas đầu tiên trên thế giới được vẽ chung cùng một tỉ lệ, với kích thước lớn, và cũng là lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện một số vùng đất, ví dụ như Mỹ, bản đồ chung giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Australia v.v.. Bộ Atlas của Philippe Vandermaelen bao gồm 400 tờ với 6 tập trong đó Việt Nam có 4 tờ và một chú thích về Vương quốc An Nam vẽ năm 1826. Chú thích này viết bởi A.Detavaute, là người gốc Pháp.

Bộ Atlas này được vẽ theo hình chiếu nón nên khi chúng ta cắt từng tờ và ghép lại, có thể tạo thành quả địa cầu có đường kính 7,75 m. Đây cũng là bộ Atlas đầu tiên trên thế giới được in litô với tỷ lệ lớn vì lúc đó việc in bản đồ bằng litô rất lâu và tốn kém. Philippe Vandermaelen đã sử dụng đường kinh độ và vĩ độ để vẽ bản đồ nên có thể nhận biết được vị trí chính xác của các vùng đất trên thế giới khi nghiên cứu bộ bản đồ này. Đây cũng là bộ Atlas đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ tọa độ chính xác ở thời kỳ đó.

Ông Philippe Vandermaelen sinh ngày 23/12/1795 tại Bruxelles trong một gia đình giàu có vùng Louvain, Vương quốc Bỉ. Có thiên bẩm về bản đồ học và say mê nghiên cứu, năm 1816 ông trở thành chuyên gia lớn và dồn toàn bộ tâm sức cho vẽ và in bản đồ. Với nỗ lực không ngừng năm 1827 ông hoàn thành bộ Atlas Thế giới có độ chính xác cao nhất thời bấy giờ.

Với những đóng góp của mình cho khoa học bản đồ, năm 1829 trở thành thành viên Viện Hàn lâm Hoàng gia các ngành khoa học và mỹ văn Vương quốc Bỉ. Để tiếp tục thúc đẩy khoa học về bản đồ, năm 1830 Ông Philippe Vandermaelen sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bruxelles, thành lập công ty bản đồ và xưởng in litô.

Bộ Atlas của ôngPhilippe Vandermaelen thể hiện một cách khách quan, khoa học ranh giới các vùng lãnh thổ lúc bấy giờ. Đây có thể được coi là một tài liệu vô giá, là bằng chứng hùng hồn, có giá trị pháp lý cao khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974, đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái của Bắc Kinh về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới