BienDong.Net: Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng của Hong Kong cho hay tàu Thi Lang nặng 67.000 tấn đã đủ điều kiện để hoạt động thực sự sau 4 lần chạy thử nghiệm để giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan tới khâu cất và hạ cánh của các máy bay trên tàu.
Mặc dù quyết định chính thức về việc đưa tàu Thi Lang vào hoạt động vẫn chưa được đưa ra, nhưng theo báo Shanghai Daily, nhiều khả năng con tàu này sẽ được bàn giao cho hải quân vào 1/8, ngày thành lập quân đội Trung Quốc, và địa bàn hoạt động chủ yếu của nó là Biển Đông.
Tàu sân bay Trung Quốc chụp từ vệ tinh – Ảnh: AFP
Nhà chức trách Trung Quốc vẫn giữ thái độ úp mở xung quanh con tàu sân bay này. Một màn hoả mù luôn bao phủ xung quanh các chuyến chạy thử nghiệm của nó, và ngay cả cái tên chính thức của con tàu vẫn còn là ẩn số.
Trước đây, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng nói con tàu chủ yếu sẽ được sử dụng để “nghiên cứu khoa học và huấn luyện” .
Theo tờ Shanghai Daily, tàu Thi Lang có thể mang theo 30 máy bay chiến đấu, trực thăng và có thủy thủ đoàn là 2.000 người.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho biết việc triển khai tàu sân bay này tại biển Đông có thể gây thêm nhiều căng thẳng trong khu vực.
Nhận định về vai trò của tàu sân bay Trung Quốc, Thời báo Châu Á đăng bài cho rằng trên thực tế, đây là tàu chiến lớn nhất châu Á, và có thể giúp Trung Quốc thay đổi cục diện trên biển trong khu vực.
Mặc dù vậy, theo bài báo, tàu sân bay không thể giúp Trung Quốc khẳng định được chủ quyền ở biển Đông vốn là “nỗi đau đầu hàng hải” lớn nhất của Bắc Kinh, và sự hiện diện của con tàu có thể sẽ là “của nợ” gây khó khăn cho quá trình ngoại giao của Trung Quốc hơn là trở thành tài sản quân sự của nước này- bài báo viết.
Thời báo Châu Á cho biết với một tàu sân bay đang sẵn sàng hoạt động và nếu nó được bố trí ở căn cứ hải quân ở Tam Á, đảo Hải Nam, thì có thể hình dung được Trung Quốc đang muốn thể hiện ý định duy trì sức mạnh vượt trội trên không ở bất kỳ điểm nào trên biển Đông.
Thông tin về việc triển khai tàu sân bay được đưa ra gần như ngay sau khi Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng 106,4 tỷ USD cho năm nay, mặc dù theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, khoản chi thực tế của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều.
Theo nhóm nghiên cứu toàn cầu IHS (Mỹ), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ đạt 238,2 tỷ USD vào năm 2015, tăng gấp đôi so với năm 2011 và vượt xa chi tiêu của tất cả các nước có ngân sách quốc phòng lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cộng lại.
Sông Hương ( tổng hợp )