Trung Quốc có nền tảng công nghệ rất mạnh, trong khi ở Việt Nam có những doanh nghiệp FDI muốn chuyển giao công nghệ thì ta không có đủ nền tảng để tiếp nhận.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, doanh nghiệp tư nhân không mạnh thì nền kinh tế không mạnh, không thể tự chủ. ảnh: Tuổi trẻ.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Bùi Quang Vinh đã nói rất thẳng thắn rằng, lúc này ông có 3 mối băn khoăn lớn về tương lai đất nước.
Đó là sự yếu kém của khối doanh nghiệp trong nước, sự yếu kém của ngành nông nghiệp và vấn đề sử dụng ngân sách.
Công nghệ: Trung Quốc rất mạnh, Việt Nam thì sao?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Chuyến đi Châu Âu vừa rồi, có phóng viên của Anh hỏi tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Kinh tế tổng hợp, ngài thấy nền kinh tế có gì băn khoăn lớn nhất?
Tôi trả lời, tôi băn khoăn nhất là doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam. Một đất nước muốn tự chủ kinh tế thì DN của nước ấy phải phát triển, nó không chỉ hỗ trợ cho DN FDI mà còn phải đủ sức để tiếp thu công nghệ của nước ngoài.
Tại sao các nước đầu tư các khu công nghệ cao ở Trung Quốc họ rất lo, còn ở Việt Nam thì không?
Vì Trung Quốc có nền tảng công nghệ rất mạnh, nên họ “ăn cắp” công nghệ rất giỏi. Họ mua một cái máy bay Boeing về tháo ra, họ có thể sản xuất được một cái máy bay Boeing.
Còn Việt Nam, có những công nghệ các DN FDI muốn chuyển giao thật, như Nhật Bản rất muốn ta làm được cho họ để đỡ chi phí, nhưng ta không có đủ nền tảng để tiếp nhận.
Một nền kinh tế không có được lực lượng DN mạnh không bao giờ là một nền kinh tế mạnh, càng không bao giờ là một nền kinh tế tự chủ. Tôi rất trăn trở! DN vẫn yếu, quy mô vẫn nhỏ, vẫn ăn xổi, vẫn làm dịch vụ rất nhiều, còn nền tảng sản xuất chính ta làm rất ít.
Những nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, xí nghiệp ô tô… thời bao cấp ta còn rất nhiều nhà máy cơ khí, giờ tất cả đều thành khu đô thị. Nền tảng sản xuất của đất nước ngày càng mất đi.
Nói như vậy không phải là mang công nghiệp kiểu cũ ra để phát triển đất nước, mà nước nào cũng cần phải có nền tảng công nghiệp. DN của ta thì đông, nhưng phần lớn là buôn bán, nhà hàng, khách sạn.
Phát biểu trước Quốc hội năm 2014 tôi có đề nghị 2015 là năm của DN. Năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều việc hỗ trợ DN, cải cách hành chính, ban hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)… đều là vì DN.
Tôi đề nghị năm nay làm luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Tôi nghĩ Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 phải nhấn mạnh điều này, đề nghị Quốc hội có thể trong Nghị quyết kế hoạch 5 năm phải đưa mục tiêu làm thế nào cho DN vừa và nhỏ phát triển.
Nông nghiệp lạc hậu, con trâu đi trước cái cày theo sau
Điều thứ 2 tôi rất trăn trở, Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng là một nền nông nghiệp rất thô sơ. Ta có rất nhiều sản phẩm sản lượng đứng đầu thế giới, nhưng giá trị gia tăng rất thấp.
Bao nhiêu năm vẫn còn con trâu đi trước, cái cày theo sau, ruộng chia bé tí, kể cả ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc phân đất cho các hộ gia đình tự cứu mình thời gian trước đã trở thành cản trở cho giai đoạn này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu: Vì sao ta phải đi nhập ngô, đỗ tương? Là do kinh tế thị trường điều tiết. Giá ngô ở Việt Nam gấp 3 lần ở Mỹ. 1 công lao động máy móc của họ gấp 1000 công lao động của Việt Nam, nên họ có sức cạnh tranh.
Tôi nói điều đó để thấy rằng khi hội nhập, chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Nông nghiệp sẽ là mảng bị tổn thương lớn nhất. Làm thế nào để vực dậy nền nông nghiệp, khai thác nền nông nghiệp thành một trụ đỡ là vấn đề cực kỳ quan trọng của 5 năm tới.
Tư tưởng là phải nhấn mạnh 2 điều này và phải tìm cách làm cho được. Nông nghiệp phải đi vào chất lượng, bắt đầu từ giống, phải canh tác quy mô lớn. Cần phải có một chủ trương về tích tụ đất đai.
Như nhiều đại biểu đề cập, mỗi người dân rất sợ làm cánh đồng mẫu lớn, nếu DN sụp đổ thì nông dân mất đất. Phải giải phóng được tư tưởng này. Thí dụ như ở Malaysia, cánh đồng, đồn điền của họ hàng mấy trăm vạn héc-ta, làm rất năng suất và chất lượng.
Ta có thể có năng suất lớn trên từng diện tích, nhưng giá thành không bao giờ rẻ được vì ta chia nhỏ ra. Phải làm cánh đồng mẫu lớn thì mới đưa công nghệ cao vào được.
Lo tái cơ cấu ngân sách, thiếu hụt quá lớn
Điều cuối cùng cần phải làm là tái cơ cấu lại ngân sách. Trong những năm tới ta phải làm được 3 điều trên, nếu không không thể đảm bảo phát triển bền vững.
Năm 2016, nguồn lực của chúng ta rất cam go. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy ngân sách năm 2016 tăng 60.700 tỷ đồng. Con số rất vui, nhưng đây chỉ là phần tăng “nghiệp vụ”, còn số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái.
Ngân sách Trung ương vẫn là 124.000 tỷ, nhưng có những phần không thể điều tiết được, đã có sẵn mục chi hết rồi, như 50.000 tỷ vốn vay ODA, trước đây tiêu bao nhiêu mới ghi vào, giờ là ghi đầy đủ luôn, nghe thì to nhưng không điều tiết được.
Thứ 2 là tiền đất, trước kia khoảng 37.000 – 38.000 tỷ thì bây giờ đưa lên thành 50.000 tỷ, ghi là như thế nhưng của địa phương nào thu được địa phương đó dùng, có điều tiết cho tỉnh khác được đâu.
Thứ 3 là xổ số kiến thiết 26.000 tỷ, trước đây không đưa vào, giờ đưa vào. Nhưng cái này tỉnh được giữ lại 100%.
Trừ tất cả cái đó đi thì phần có thể bố trí cho chương trình nọ, chương trình kia chỉ còn khoảng 45.000 tỷ thôi, bao gồm cả chi đầu tư cho các bộ, các địa phương và trả nợ xây dựng cơ bản. Vô cùng nhỏ bé! Nguồn để đầu tư mới không còn nhiều.
Trong khi đó, nhu cầu chi là rất lớn. Riêng chương trình nông thôn mới, anh Phát (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đề nghị, để đạt 50% số xã đạt chuẩn, phần ngân sách Trung ương phải đầu tư 120.000 tỷ đồng, địa phương là 130.000 tỷ. Nhưng phần Trung ương, bàn mãi mới được 40.000 tỷ, giờ còn thiếu 80.000 tỷ nữa.
Trong 5 năm vừa qua, một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long chỉ được bố trí vốn đầu tư có 2.000 – 2.500 tỷ, nên nếu cần lượng vốn như thế là gần như dùng hết ngân sách đầu tư trong 5 năm tới để làm nông thôn mới.