FBI hôm thứ Tư (28/10) thông báo rằng họ đã bắt giữ và sẽ truy tố 8 cá nhân được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thuê để truy tìm những người Mỹ gốc Hoa, sau đó dùng thủ đoạn cưỡng buộc họ phải trở về Trung Quốc để đối mặt với án tù.
Giám đốc FBI Christopher Wray
Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Zhou Yong, Hongru Jin và Michael McMahon, đã bị bắt vào thứ Tư (28/10) tại New York và sẽ bị truy tố qua một phiên tòa trực tuyến. Rong Jing và Zheng Congying đã bị bắt ở Trung California và phiên điều trần của họ cũng diễn ra trong ngày thứ Tư. Hiện chưa rõ tung tích của ba người khác là Zhu Feng, Hu Ji và Li Minjun, những người này được cho là đang lẩn trốn ở Trung Quốc đại lục.
Ông Michael McMahon, bị cáo duy nhất không phải người Trung Quốc, được Daily Caller xác định là một cựu trung sĩ cảnh sát thành phố New York chuyên trách theo dõi và đe dọa một trong những nạn nhân cư trú tại New Jersey.
“Với những cáo buộc ngày hôm nay, chúng tôi đã lật tẩy Chiến dịch săn cáo của CHND Trung Hoa — những người thợ săn [của ĐCSTQ] trở thành kẻ bị săn đuổi, kẻ truy đuổi bị truy đuổi”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp về An ninh Quốc gia John C. Demers nói. “5 bị cáo mà FBI bắt sáng nay với cáo buộc thực hiện bất hợp pháp yêu cầu của chính phủ Trung Quốc [ĐCSTQ] tại Hoa Kỳ giờ đây sẽ phải đối mặt với viễn cảnh ngồi tù. Đối với những người bị cáo buộc [đang trốn] ở Trung Quốc và những người khác có hành vi này, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Hãy tránh xa. Hành vi này không được hoan nghênh ở đây ”.
Theo mô tả của FBI, Chiến dịch Săn cáo là thuật ngữ mà ĐCSTQ sử dụng cho các hành động phi pháp truy lùng những người mà tổ chức này coi là “tội phạm” ở các quốc gia khác.
Hầu hết trong số những người bị ĐCSTQ săn lùng chỉ đơn giản là các nhà hoạt động vì dân chủ ở Trung Quốc, những người chỉ trích các chính sách của ĐCSTQ, hoặc đơn giản là những người bị bức hại vì đức tin của họ, những người đã kể câu chuyện của họ trên các phương tiện truyền thông và nâng cao nhận thức của công chúng về sự tàn bạo của ĐCSTQ, như trường hợp của nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp đang cư trú tại Hoa Kỳ.