Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaĐối đầu Mỹ - Trung và chuyện thao túng Mekong

Đối đầu Mỹ – Trung và chuyện thao túng Mekong

Đấu trường Mỹ-Trung ở Đông Nam Á không còn giới hạn trên Biển Đông nữa mà lan sang cả Mekong, con sông dài 4.350 km chảy qua sáu quốc gia. Ngay sau cuộc họp của Trung Quốc (TQ) với năm nước hạ nguồn Mekong, lần đầu tiên Mỹ cũng làm thế. Mekong đang trở nên nóng và đặt ASEAN vào thế lưỡng nan mới.

Thực tình Mỹ đã đặt dấu ấn tại Mekong trước TQ. Từ thời của Tổng thống Obama, họ khởi xướng Sáng kiến Hạ lưu Mekong (LMI) năm 2009 trên sáu lĩnh vực. Còn TQ mãi đến 2016 mới tạo dựng Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) song phải thừa nhận họ chậm mà chắc.

Mỹ làm gì thì TQ làm nấy và bao giờ cũng hoành tráng hơn. Mỹ mở đầu bằng hợp tác nông nghiệp thì bảy năm sau TQ chậm chân cũng thi triển tương tự và kèm món khổng lồ là kết nối với Sáng kiến Vành đai&Con đường (BRI). Kể từ 2009, Mỹ viện trợ cho khu vực trong khuôn khổ LMI 120 triệu USD; còn TQ, ngay năm đầu tiên thành lập LMC, chi hơn 300 triệu USD.

Mỹ tuyên bố to, TQ tuyên to hơn. Ngày 11/9, ngoại trưởng Mike Pompeo tổng kết Mỹ viện trợ 3,5 tỷ USD cho các nước tiểu vùng Mekong suốt 11 năm qua. Còn TQ, chỉ ba năm sau khi khởi động LMC, đã rót cho cùng nhóm quốc gia Mekong thông qua BRI 11,54 tỷ USD với 45 dự án khởi động.

Thực tình mà nói, LMI dưới thời chính quyền Trump trở nên sôi động hẳn. TQ tổ chức một hội nghị thường niên với các đối tác Mekong cuối tháng 8 thì Mỹ chơi ba cuộc. Cuộc đầu tiên hồi tháng 4, họ coi Mekong là sông cạnh tranh chiến lược với TQ và tố TQ thao túng các nước hạ lưu bằng kiểm soát nguồn nước ở thượng lưu. Cuộc thứ hai vào tháng 7 và cuộc thứ ba gần trung tuần tháng 9.

Lần đầu tiên TQ đồng ý chia sẻ đầy đủ dữ liệu thủy văn Mekong sau đợt khô hạn kỷ lục 2019 và có tin nói một phần là nhờ Mỹ. Trước đó, hạ lưu Mekong chỉ nhận được dữ liệu bốn tháng mùa mưa mỗi năm. Khi nghiên cứu của tổ chức Eyes on Earth (Mắt Trái Đất) kết luận TQ khống chế Mekong được loan báo cho quốc hội Mỹ, nghe nói, TQ đổi thái độ hẳn với các láng giềng.

Điều bất thường là Mekong dường như chưa trở thành đề tài thảo luận chính thức tại diễn đàn ASEAN. Trong khi đó, chưa bao giờ cả Mỹ và TQ đồng thanh về Mekong nhiều như năm nay với tổng cộng bốn cuộc họp cấp cao.

Đúng như cảnh tỉnh của một học giả Singapore, đã đến lúc toàn ASEAN phải quan tâm thích đáng đến Mekong mà bà cho rằng TQ đang có ý đồ biến nó thành một dự án đường thủy siêu tốc làm rung chuyển không chỉ tiểu vùng Mekong.

RELATED ARTICLES

Tin mới