Một dự án do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ sắp đi vào hoạt động, sẽ sử dụng vệ tinh để giám sát các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong; Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức phản ứng đáp lại mạnh mẽ.
Dự án “Mekong Dam Monitor” (Giám sát đập Mekong) do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ đã được khởi động vào thứ Hai (14/12), sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi mực nước của các đập do Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, dự kiến sẽ khiến Trung Quốc và Mỹ gia tăng cuộc đọ sức ở Đông Nam Á. Dự án sẽ sử dụng dữ liệu viễn thám vệ tinh để theo dõi, giám sát mực nước hồ chứa của 13 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong và 15 đập ở phụ lưu với công suất phát điện hơn 200 megawatt.
Ông Alan Basist, một trong những người đồng phụ trách dự án, tiết lộ rằng dự án giám sát sẽ bao gồm một ủy ban tư vấn đặc biệt bao gồm các chuyên gia thủy lợi và các chuyên gia viễn thám. Dự án này nhằm “nâng cao tính minh bạch của dữ liệu” và “sẽ không cạnh tranh với hoạt động của Ủy ban sông Mekong hoặc Diễn đàn hợp tác Lan Thương-Mekong do Trung Quốc đứng đầu”.
Việc Trung Quốc xây 11 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong luôn gây tranh cãi, bị cáo buộc ngăn nước, gây nên hạn hán ở các nước Đông Nam Á, khiến lĩnh vực này cũng trở thành chiến trường đọ sức mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ.
Reuters đưa tin, dữ liệu quan trắc sẽ được công bố trong thời gian gần với thực tế bắt đầu từ thứ Ba (ngày 15/12). Trong đó, chỉ số “độ ẩm mặt đất” cho biết khu vực nào ẩm ướt hoặc khô hơn bình thường và là chỉ dẫn về mức độ ảnh hưởng của các đập thủy điện đối với dòng chảy tự nhiên.
Hệ thống giám sát mực nước được vận hành bởi Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington. Người đứng đầu trung tâm, ông Brian Eyler, cho biết: “Chứng cứ do hệ thống giám sát cung cấp cho thấy, sau khi thiết kế và vận hành, 11 đập thủy điện lớn của Trung Quốc chỉ biết tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh miền Đông Trung Quốc sử dụng, mà không hề xem xét ảnh hưởng đối với hạ nguồn”.
Trang web chính thức của Trung tâm Stimson tuyên bố rằng, Dự án Mekong Dam Monitor nhằm “sửa chữa những điểm không chính xác về trạng thái, hoạt động và dòng chảy của các đập và hồ chứa trên lưu vực sông Mê Kông thông qua “giám sát liên tục, minh bạch và dựa trên bằng chứng”. Và dự án giám sát này cũng đưa ra dịch vụ “phân tích trực quan dữ liệu” dành riêng đối với 11 con đập của Trung Quốc trên dòng chính sông Lan Thương (thượng nguồn sông Mekong trên đất Trung Quốc).
Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, phần chảy ở Trung Quốc được gọi là Lan Thương, chảy từ Trung Quốc về phía nam qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. 60 triệu ngư dân và nông dân dựa vào nó để kiếm sống.
Theo New York Times, một báo cáo hồi tháng 4/2020 của cơ quan giám sát tài nguyên nước Mỹ có tên “Eyes on Earth” đã chỉ ra rằng, việc Trung Quốc kiểm soát lượng nước ở thượng nguồn từ năm ngoái đã dẫn đến hạn hán nghiêm trọng ở các nước hạ lưu, một số con sông đã hoàn toàn khô cạn, lòng sông nứt nẻ vào đúng mùa đánh bắt cá; trong đó một trạm quan trắc ở Chiang Saen, miền bắc Thái Lan đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục mới.
Đồng tác giả của báo cáo, ông Alan Basist, nói thẳng: “Dữ liệu vệ tinh không biết nói dối. Có rất nhiều nước ở cao nguyên Tây Tạng, nhưng các quốc gia như Campuchia và Thái Lan đang phải đối mặt với các mối đe dọa cực độ”.
Trước những ý kiến chỉ trích của các học giả Mỹ, ngày 4/12, Viện Quy hoạch và Thiết kế Thủy điện và Thủy lợi Trung Quốc đã đưa ra một báo cáo để bác bỏ, viết: “Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố cái gọi là” Danh sách sự thực phá hoại môi trường của Trung Quốc”, trong đó chỉ trích Trung Quốc thao túng nguồn nước trên lưu vực sông Mekong thông qua hoạt động của một loạt các đập khổng lồ trên sông Lan Thương. Cách quản lý tài nguyên nước không minh bạch và đơn phương thay đổi dòng chảy sông Mekong đã mang lại hậu quả thảm khốc cho các nước láng giềng ở hạ nguồn”,”Tuy nhiên, Mỹ đã không đưa ra được bằng chứng xác đáng, thiếu cơ sở thực tế và đưa ra kết luận sai trái. Ngược lại, tác động tích cực của thủy điện thượng nguồn sông Lan Thương đối với hạ lưu sông Mekong là rõ ràng và dễ nhận thấy” (!).
Báo cáo của Trung Quốc nhấn mạnh: “Thông qua chức năng điều tiết và tích trữ của hồ chứa nhà máy điện thượng lưu, lượng nước trong mùa lũ có thể được tích trữ trong hồ, làm giảm đỉnh lũ; đồng thời tăng lưu lượng chảy trong mùa khô, làm cho dòng chảy hạ lưu nhiều hơn dòng chảy tự nhiên, đóng vai trò kiểm soát lũ lụt và chống hạn hiệu quả tích cực cho vùng hạ du”.
Vào tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) lần thứ 5 rằng, Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn bởi hạn hán. Việc để cho nước chảy xuống hạ lưu là hành động hào phóng của giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch COVID-19.
Trong những năm gần đây, sông Mekong trở thành một trong những “ngòi nổ” mới cho sự xấu đi của quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Với việc dự án giám sát sông Mekong do Mỹ tài trợ chính thức được khởi động vào ngày 15/12/2020, hai siêu cường có thể sẽ cạnh tranh gay gắt hơn ở Đông Nam Á.
Trang tin Đa Chiều ngày 14/12 viết, trong nhiều năm, các quốc gia dọc sông Mekong đã luôn không hài lòng với việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc chia sẻ thông tin và cáo buộc các nhà máy thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong đã gây ra thiệt hại lớn cho môi trường, làm tổn hại đến cuộc sống của cư dân hạ lưu và gây ra lũ lụt và hạn hán.
Vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu tài nguyên nước với Mekong Commission (Ủy ban Mekong); trước đó, Bắc Kinh chỉ công bố thông tin mùa lũ. Sau đó, Bộ Thủy lợi Trung Quốc thông báo bắt đầu từ ngày 1/11 sẽ chính thức cung cấp cho 5 nước Mekong và Ủy ban sông Mekong thông tin thủy văn cả năm của hai trạm thủy văn quốc tế trên sông Lan Thương là Doãn Cảnh Hồng (Yunjinghong) và Mạn An (Manan).
Sau khi có tin về Dự án Giám sát đập Mekong do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 14/12, người phát ngôn Uông Văn Bân nói, trong những năm gần đây, Trung Quốc và các nước Mekong đã loại bỏ sự can dự từ bên ngoài và không ngừng thúc đẩy hợp tác về tài nguyên nước Lan Thương-Mekong, đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt.
Ông Uông Văn Bân đã liệt kê “ba điểm tích cực” trong hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ven sông Mekong, gồm: hợp tác chia sẻ thông tin liên tục đi vào chiều sâu; các trạm thủy điện ở thượng nguồn (Trung Quốc) phát huy được vai trò điều tiết, bổ sung; sự hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong liên tục đạt được những kết quả đáng kể.
Uông Văn Bân nói: “Những thực tế trên phản ánh đầy đủ những thành tựu của hợp tác tài nguyên nước giữa các nước Lan Thương-Mekong. Trung Quốc hoan nghênh các nước ngoài khu vực đóng góp ý kiến xây dựng về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhưng chúng tôi kiên quyết phản đối sự chia rẽ ác ý. Sự thực vượt quá hùng biện; phía Trung Quốc sẽ kiên định thúc đẩy hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong và đóng góp nhiều hơn vào ứng phó chung của sáu quốc gia đối với hạn hán và lũ lụt và thúc đẩy sự phát triển bền vững”.
Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 14/12 đưa tin, trong khi Campuchia và Lào ưu tiên hợp tác với Bắc Kinh; Myanmar, Thái Lan và Việt Nam sẽ giữ khoảng cách với Trung Quốc. Sự khác biệt này chính là lý do tại sao các nước hạ nguồn hoan nghênh các đối tác bên ngoài quan trọng khác giúp họ chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.