Phóng viên TTXVN tại Ottawa tổng hợp nguồn tin từ Globe and Mail và Global News cho biết Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xét xử kín đối với hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor, những người bị Bắc Kinh giam giữ hơn 800 ngày qua.
Hai xe cảnh sát rời tòa án tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 19-3 sau phiên xét xử kín công dân Canada, ông Michael Spavor, đã bị bắt từ tháng 12-2018 với cáo buộc tội làm gián điệp
Michael Kovrig và Michael Spavor bị Bắc Kinh buộc tội vi phạm an ninh quốc gia và các phòng xử án đóng cửa với công chúng và truyền thông không phải là hiếm trong những vấn đề như vậy ở Trung Quốc.
Hai công dân Canada đang bị giam giữ, họ là ai?
Michael Kovrig là một cựu nhân viên ngoại giao của Canada, từng ở Trung Quốc. Trước khi bị bắt, ông Kovrig làm việc với vai trò là nhà phân tích và nghiên cứu cho tổ chức tư vấn International Crisis Group. Còn Michael Spavor là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến quan hệ kinh doanh và văn hóa giữa CHDCND Triều Tiên và phương Tây. Vài ngày sau khi Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, hai công dân Canada này đã bị bắt tại Trung Quốc với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia.
Tình trạng giam giữ hai công dân Canada
Công dân Kovrig đang bị giam ở Bắc Kinh, trong khi ông Spavor bị giam ở Đan Đông và cả hai đều không được tiếp cận nhiều với thế giới bên ngoài. Phóng viên của tờ Globe and Mail đã đến các nhà tù này một năm sau khi hai công dân trên bị giam giữ và được biết rằng Kovrig và Spavor đã bị thẩm vấn trong nhiều tháng trong những điều kiện giống như biệt giam, lính canh ban đầu đã thu giữ kính của ông Kovrig và đèn trong phòng giam được bật sáng 24 giờ/ngày. Dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc sau đó khiến nhân viên lãnh sự của Canada càng khó tiếp cận với hai công dân này, vì các nhà tù đã đóng cửa không cho thăm nom.
Cáo buộc từ nhà chức trách Trung Quốc
Hai công dân Canada bị buộc tội hoạt động gián điệp, nhưng phải mất hơn 18 tháng sau khi bị bắt, những cáo buộc đó mới chính thức được đưa ra. Michael Kovrig và Michael Spavor đã phủ nhận cáo buộc này. Vào trung tuần tháng 3 này, Trung Quốc đột ngột tuyên bố sẽ mở phiên tòa vào ngày 19/3 để xét xử công dân Spavor và công dân Kovrig sẽ ra tòa vào ngày 22/3. Nếu bị kết án, khung hình phạt tối đa đối với hai công dân này là chung thân.
Trung Quốc đã áp dụng các điều khoản liên quan đến bí mật quốc gia để không công bố về những bằng chứng mà họ đang dùng để buộc tội ông Kovrig và ông Spavor. Ngay cả các luật sư (người Trung Quốc) của ông Kovrig và ông Spavor cũng bị cấm thảo luận về bất kỳ chi tiết nào của vụ án chống lại họ. Trong khi đó, các cáo buộc pháp lý chống lại bà Mạnh Vãn Châu được Mỹ công bố công khai trong các tài liệu dài. Theo đó, bà Mạnh Vãn Châu bị Mỹ buộc tội lừa gạt ngân hàng HSBC Holdings Plc về các giao dịch kinh doanh của Huawei Technologies Co Ltd tại Iran, đẩy ngân hàng này vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Jerome Beaugrand-Champagne, một luật sư người Canada đã có 20 năm ở Trung Quốc cho rằng, quy trình xét xử ở Trung Quốc là “một lễ hội hóa trang”. Đảng Cộng sản Trung Quốc “kiểm soát các tòa án. Vì vậy, về cơ bản họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn vào bất cứ lúc nào”. Jerome Beaugrand-Champagne tin rằng hai người Canada đang bị đưa ra xét xử “chỉ là một động thái nhằm gây áp lực lên chính quyền Biden”.
Vai trò của nước Mỹ
Kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, Ottawa đã đặt nhiều kỳ vọng Mỹ sẽ hỗ trợ để hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc. Ông Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã bày tỏ sự đồng cảm với Ottawa trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Justin Trudeau, nhưng chưa đưa ra cam kết hành động đối với vụ việc hai công dân Canada bị bắt giữ ở Trung Quốc.
Vào ngày 18/3, các quan chức cấp cao của Mỹ có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Các nhân vật hàng đầu của Nhà Trắng cho biết Mỹ dự định yêu cầu Trung Quốc ngừng các chiến dịch gây áp lực và các biện pháp thương mại có động cơ chính trị chống lại các đồng minh của Mỹ.
Vụ dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu: Phương án hoán đổi tù nhân
Đây là phương án mà một số chính trị gia Canada đã đề xuất, nhưng sẽ là một vấn đề phức tạp đối với Thủ tướng Justin Trudeau, người từng khẳng định sẽ không thả CFO của Huawei để đổi lấy tự do cho hai công dân Canada, vì điều đó sẽ làm suy yếu tính độc lập của nền tư pháp Canada. Trong một phát biểu ngày 27/2/2021, Thủ tướng Trudeau cho rằng Canada sẽ không bị áp lực phải trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu chỉ vì Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân của nước này. Theo Thủ tướng Trudeau, hai công dân này đã bị giam cầm trong một nỗ lực nhằm “gây sức ép buộc chúng tôi phải thả CFO của Huawei. Tất nhiên, chúng tôi là một đất nước thượng tôn pháp luật. Chúng tôi sẽ không làm điều đó”.
Nhưng các quyết định liên quan đến vụ dẫn độ này cuối cùng vẫn mang tính chính trị vì cần phải được Bộ trưởng Tư pháp phê duyệt. Một số chuyên gia phân tích đã đưa ra giải pháp cho vụ việc này, đó là để các công tố viên Mỹ bãi bỏ cáo buộc hoặc đưa ra thỏa thuận nhận tội với bà Mạnh Vãn Châu và theo một số nguồn tin, các luật sư của CFO Huawei đang đàm phán với Bộ Tư pháp Mỹ.