Trung Quốc lại có thêm một bước leo thang nguy hiểm. Hồi tháng 1/2021, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) nước này đã thông qua Luật hải cảnh, cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài. Và từ ngày 1/9 “người hùng” trên Biển Đông lại lớn tiếng yêu cầu tất cả tàu thuyền của các nước phải “khai báo thông tin” khi đi qua nơi Bắc Kinh xem là “lãnh thổ hàng hải” của họ.
Đây là bước leo thang mới cực kỳ nguy hiểm. Nó cho thấy Bắc Kinh không hề chùn bước trước sự phản đối quyết liệt của các nước trong khu vực và dư luận quốc tế. Sau hơn một năm Tòa trọng tài quốc tế PLA bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lối trên 90% diện tích trên Biển Đông, những hành động leo thang gần đây càng vạch rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa, vốn đã ăn sâu ngàn đời nay vào máu thịt.
Hôm 1/9, Washington đã cực lực phản đối Quy định an toàn hàng hải mới của Bắc Kinh, vì điều này là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại trên Biển Đông.
Các loại tàu phải khai báo thông tin chi tiết trước khi đi qua lãnh thổ hàng hải của Trung Quốc, theo quy định của “bộ luật rừng” này bao gồm: Tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở lượng lớn dầu mỏ, hóa chất, khí hóa lỏng cùng những chất độc hại khác. Phần lãnh thổ hàng hải hết sức mập mờ này chính là “đường lưỡi bò” tham lam trên Biển Đông mà PCA đã “cắt” từ năm 2016. Cắt mà nó không chịu đứt lìa, vẫn tiếp tục trở thành bóng ma đe dọa tự do hàng hải và an ninh trên biển.
Theo Tờ South China Morning Post, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple đã lên tiếng rất sớm phản đối đạo luật quái thai này. Ông Supple nói: “Mỹ kiên quyết với quan điểm là bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền hàng hải, hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”.
Theo đó, tất cả mọi tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp và mơ hồ, trong đó có Biển Đông sẽ đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do trên biển, như quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp, các quyền và lợi ích của Biển Đông và các quốc gia ven biển khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chưa cho biết, trước đó Bắc Kinh có trao đổi trực tiếp với Washington về luật an toàn hàng hải mới hay không? Về phía Mỹ, ông Price khẳng định luôn nhất quán một quan điểm: Lầu Năm Góc coi các yêu sách lãnh thổ bành trướng là bất hợp pháp, không có giá trị gì.
Tiếp tục trận đánh úp thông tin, nhiều tờ báo ở Trung Quốc lên tiếng ca ngợi đạo luật quy định về an toàn hàng hải. Tờ Global Times xưng xưng rằng, động thái tích cực này nhằm củng cố an ninh quốc gia. Trung Quốc thông qua việc triển khai các quy định nghiêm ngặt nhằm tăng cường khả năng nhận diện hàng hải, không bị động trước âm mưu phá rối của các thế lực hiếu chiến (!).
Không chỉ nhóm tàu nêu trên mới phải khai báo, luật mới còn yêu cầu tất cả tàu thuyền bị xem là “mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” phải khai báo thông tin đầy đủ liên quan đến tên, tín hiệu gọi, vị trí, thời điểm cập cảng dự kiến, hàng hóa, v.v..
Chưa thấy các nước trong khu vực, nhất là các nước đang có tranh chấp về biển đảo lên tiếng, nhưng theo các chuyên gia, những quy định bất chấp thực tế của Trung Quốc chỉ khiến cho căng thẳng leo thang. Một khi Trung Quốc thực thi luật này ở biển Đông và eo biển Đài Loan, nơi Mỹ và đồng minh thường xuyên tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải thì có thể xảy ra xung đột quân sự, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh nóng.
Từ Luật hải cảnh đến những quy định mới về hàng hải nêu trên đã khiến cho tình hình Biển Đông tiếp tục trận cuồng phong mới. Đó là những dẫn chứng cụ thể trong chính sách biển, với chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc. Những con tằm lúc nhúc trong hai bộ luật ngang ngược được ra lò trong vòng 8 tháng.
Hơn lúc nào hết Mỹ cần tỏ thái độ kiên quyết hơn nhằm chuyển các nguồn lực quân sự mạnh mẽ đến khu vực châu Á. Hiện tại, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Thái Lan đang trở nên thân thiện, cởi mở hơn trước sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực.
Lẽ ra chính sách Biển Đông và hành động của Trung Quốc cần được các nước ASEAN hoặc các nhóm khu vực khác thảo luận một cách sòng phẳng, kỹ lưỡng, yêu cầu Bắc Kinh phải chấm dứt những hành động bất hợp pháp. Thế nhưng, trong các diễn đàn ASEAN, trong các cuộc tiếp xúc của các nguyên thủ thì hầu như đều nói những điều đạo lý chung chung.
Cũng như lúc này, không chỉ tuyên bố chung chung, Bộ ngoại giao Mỹ nên bàn bạc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thể hiện rõ trách nhiệm của một cường quốc, bàn cụ thể việc thiết lập và phối hợp chính sách giữa các quốc gia liên quan cùng có lợi ích ở các vùng biển đang xảy ra tranh chấp.
Triệt để lợi dụng sự lưỡng lự này của Lầu Năm Góc, Bắc Kinh vẫn mập mờ khi triển khai chiến lược hải quân khu vực của quân đội Trung Quốc. Chiến lược trở lại Châu Á của Mỹ được công bố gần đây có ý định chuyển 10% các loại tàu nổi và tàu ngầm đang hoạt động ở Đại Tây Dương về Thái Bình Dương trong thời gian 8 năm vẫn chỉ là …dự định.
Và cái quy định khai báo thông tin ngang ngược kia liệu có khả thi? Lẽ nào Hải quân Trung Quốc có đủ khả năng ép được các loại tàu của Mỹ, thuộc lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới, phải chấp hành?