Các ngân hàng phát triển Trung Quốc đã “rót” 23 tỉ USD tài chính cho các dự án hạ tầng ở khu vực châu Phi hạ Sahara trong giai đoạn 2007-2020.
Nghiên cứu trên do Trung tâm Phát triển Toàn cầu thực hiện, đánh giá 535 thỏa thuận hạ tầng công-tư được hỗ trợ vốn tại khu vực này trong nhiều năm qua.
Cụ thể, từ năm 2007-2020, hai ngân hàng China Exim Bank và China Development Bank đã cung cấp khoảng 23 tỉ USD về hỗ trợ tài chính. Con số này cao gấp đôi so với tổng số tiền các ngân hàng tương tự tại Mỹ, Đức, Nhật Bản và Pháp hỗ trợ khu vực này (chỉ khoảng 9,1 tỉ USD).
Trong đó, một tổ chức tài chính quan trọng là Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ chỉ cho vay khoảng 1,9 tỉ USD cho các dự án hạ tầng trong khu vực, chưa đầy 1/10 những gì Trung Quốc hỗ trợ.
Các ngân hàng phát triển đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới chỉ hỗ trợ trung bình 1,4 tỉ USD/năm cho các dự án hạ tầng công-tư tại châu Phi hạ Sahara trong giai đoạn 2016-2020.
Có thể thấy, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực châu Phi hạ Sahara cao gấp đôi so với các Chính phủ và các ngân hàng phát triển đa phương khác.
Trong khi đó, vài năm gần đây, hoạt động cho vay của Trung Quốc với châu Phi vấp phải nghi ngờ rất lớn vì bị cho là thiếu minh bạch, sử dụng các khoản vay thế chấp. Nhiều nhà kinh tế tại Tổ chức Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cảnh báo, rất nhiều đất nước có thu nhập thấp đang đối mặt hoặc đã rơi vào cảnh túng quẫn vì nợ.
Song, với các nước phương Tây, bà Lee cho rằng các nước này đa phần “khoa trương” nhưng lại chậm chạp trong quá trình bơm vốn đầu tư – bà Nancy Lee, người đứng đầu dự án nghiên cứu và là nghiên cứu sinh chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu nhận định.
Theo bà Lee nhìn chung, tổng nguồn quỹ công của khu vực này để có thể rót cho những dự án hạ tầng chỉ ở mức 9 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với những gì nơi đây cần để phát triển đường bộ, đập, cầu.
“Có rất nhiều chỉ trích Trung Quốc nhưng nếu chính quyền phương Tây muốn đẩy mạnh đầu tư bền vững và tăng cường năng suất đáng kể thì họ cần phải kêu gọi các ngân hàng phát triển của chính nước mình và các ngân hàng phát triển đa phương coi việc đầu tư là ưu tiên”, bà Lee nói.
Thời gian gần đây, chính quyền Mỹ dường như cũng rục rịch tăng cường đầu tư nước ngoài. Hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh doanh giữa các công ty Mỹ và khu vực châu Phi, chủ yếu tập trung vào năng lượng sạch, y tế, nông nghiệp, hạ tầng giao thông.
Một quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ cho biết Washington đang thực hiện nhiều cuộc đàm phán nhanh với Kenya để thúc đẩy mở rộng đầu tư thương mại trên lục địa châu Phi. Dự kiến, sẽ có thêm thông tin được công bố trong vài tuần tới.
T.P