Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSáng kiến An ninh Toàn cầu và thói “đạo đức giả” của...

Sáng kiến An ninh Toàn cầu và thói “đạo đức giả” của TQ

Trang The Diplomat đăng bài phân tích của Rajeswari Pillai Rajagopalan – Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược & Công nghệ (CSST) tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF) – về đề xuất “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video tại cuộc họp Diễn đàn Châu Á Bác Ngao vào ngày 21/4/2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đưa ra một đề xuất an ninh toàn cầu mới, đặt ra câu hỏi ngầm về logic của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như Nhóm Bộ tứ – gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ. Tập Cận Bình đã đề xuất một “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” mới tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở Trung Quốc hôm 21/4, đồng thời lên án tâm lý Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền là những vấn đề có thể “gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới” và “làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh trong thế kỷ 21”.

Theo ông Tập Cận Bình, sáng kiến này nhằm “duy trì nguyên tắc an ninh không thể bị chia tách, xây dựng một cấu trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, đồng thời phản đối việc xây dựng an ninh quốc gia trên cơ sở gây mất an ninh ở các nước khác”. Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, cũng như quyền lựa chọn con đường phát triển và hệ thống xã hội.

Sau bài phát biểu của Tập Cận Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, tại một cuộc họp báo thường kỳ, đã làm rõ ý nghĩa của sáng kiến mới. Người phát ngôn này nói rằng “với các mối đe dọa ngày càng tăng do chủ nghĩa đơn phương, bá quyền và chính trị cường quyền, cùng với sự thiếu vắng hòa bình, an ninh, sự tin cậy và quản trị, nhân loại đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các vấn đề khó khăn và mối đe dọa an ninh”. Một tuần sau, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một bài đăng trên tờ “Nhân dân Nhật báo” trình bày chi tiết rằng sáng kiến này “đóng góp trí tuệ của Trung Quốc để bù đắp cho sự thiếu vắng hòa bình của nhân loại và cung cấp giải pháp của Trung Quốc để đối phó với thách thức an ninh quốc tế”. Bài viết có đoạn: “Trung Quốc không bao giờ tuyên bố bá quyền, theo đuổi bành trướng hoặc phạm vi ảnh hưởng, cũng như không tham gia vào các cuộc chạy đua vũ trang”.

Khi được hỏi về bài phát biểu của Tập Cận Bình, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đang duy trì đường lối giống như Nga, “tương tự một số điều chúng tôi nghe được từ Điện Kremlin”, bao gồm cả khái niệm “an ninh không thể bị chia tách”. Bình luận về sáng kiến của Tập Cận Bình, một nhà ngoại giao châu Á nói rằng Trung Quốc có xu hướng “đưa ra một khuôn khổ rất lớn mà không ai có thể phản đối. Ý tưởng ở đây là ngay cả khi các quốc gia không toàn tâm toàn ý, thì ít nhất họ cũng không thể phản đối hoàn toàn. Sau đó, từng chút một, họ sử dụng khuôn khổ đó để loại bỏ Mỹ”.

Rất có thể Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) sẽ bắt đầu đóng vai trò nổi bật trong quan điểm ngoại giao công khai và chính sách đối ngoại của Trung Quốc, vì vậy nó đáng được xem xét nghiêm túc. Dưới đây là một số nhận xét ban đầu về GSI được đề xuất của Tập Cận Bình.

Đầu tiên, sáng kiến này cho thấy hành động đạo đức giả trắng trợn. Trung Quốc đang đề xuất các nguyên tắc mà chính họ đã vi phạm. Ví dụ, tuyên bố của Tập Cận Bình bắt đầu bằng việc nói về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nhưng hành vi của Trung Quốc ở cả Biển Hoa Nam (Biển Đông) và dọc theo biên giới Trung-Ấn rõ ràng vi phạm khái niệm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng. Tương tự, tuyên bố của Tập Cận Bình nói về việc coi trọng các mối quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia và không theo đuổi an ninh của riêng Trung Quốc mà gây tổn hại tới nước khác, nhưng điều đó không được thể hiện qua hành vi của Bắc Kinh. Hiện có nhiều mâu thuẫn tương tự khác giữa các nguyên tắc nêu trong GSI và hành vi của chính Trung Quốc, nhưng hai điểm nêu trên là nổi bật nhất. Tất nhiên, việc các cường quốc thể hiện sự đạo đức giả trong các tuyên bố công khai chính sách của họ không phải là mới. Tuy nhiên, hành động đạo đức giả này cần được lưu ý.

Thứ hai, mặc dù nói về việc bác bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, nhưng GSI là một mưu đồ rõ ràng trong việc thúc đẩy chính trị cường quyền theo cách có lợi cho Trung Quốc. Nhiều đề xuất trong GSI là một nỗ lực được che đậy kín đáo nhằm cạnh tranh với Mỹ cũng như các đối tác và đồng minh của Washington. Khi Tập Cận Bình nói “nói không với các nhóm chính trị và đối đầu giữa các khối” hoặc chỉ trích “các phe cánh nhỏ”, rõ ràng ông đang nhắm mục tiêu vào các quan hệ đối tác an ninh mà Mỹ đang tập trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như các mối quan hệ gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và những nước khác. Những đề xuất này không chỉ được thúc đẩy bởi nỗ lực của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Mỹ, mà chúng còn mang tính đạo đức giả bởi bản thân Trung Quốc đã có những liên kết chặt chẽ với các quốc gia, chẳng hạn như Liên Xô trong quá khứ, và tiếp tục có quan hệ đối tác an ninh lâu dài với cả Pakistan và Triều Tiên. Và tất nhiên, đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã ký kết thỏa thuận có thể được coi là quan hệ đối tác an ninh mới.

Tương tự, bản chất của nhiều đề xuất trong GSI xuất phát từ giả định rằng các vấn đề châu Á nên do các nước châu Á quản lý, điều tạo cho Trung Quốc một vị thế độc tôn vì quy mô và sức mạnh của họ, và nhằm tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là một âm mưu trắng trợn hòng theo đuổi vị thế bá chủ châu Á của Trung Quốc và một mưu đồ được thiết kế để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh cường quốc với Mỹ.

Bất luận tính chất đạo đức giả và hơi hướng “chính trị cường quyền” trong GSI, sáng kiến này có khả năng thu hút được sự ủng hộ đáng kể ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Đông, châu Phi và các khu vực khác ở xa Trung Quốc. Khi thế giới ngày càng trở nên lưỡng cực, chúng ta thấy sự lặp lại một số đặc điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là các quốc gia yếu hơn sẽ bắt tay với các quốc gia ở cả hai cực đối địch. Mặc dù điều này sẽ rất khó cho các quốc gia gần Trung Quốc hoặc Mỹ nhưng đây chắc chắn là một chiến lược hợp lý để những nước khác áp dụng vì có thể thu được lợi ích từ cả hai bên. Vì vậy, mặc dù điều quan trọng là phải chỉ ra tính chất đạo đức giả trong GSI, nhưng thật ngây thơ nếu chúng ta bác bỏ nó hoặc cho rằng nó sẽ không thu hút được sự ủng hộ từ các quốc gia khác.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới