Ngày 1.2, Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền ra thị trường, đây là phiên thứ 4 liên tiếp kể từ sau kỳ nghỉ tết đến nay và cũng là phiên có lượng tiền khá cao gần đây.
Trên thị trường mở ngày 1.2, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra gần 24.000 tỉ đồng cho 13 thành viên tham gia trúng thầu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm. Trong phiên giao dịch trước đó, nhà điều hành cũng đã bơm ra hơn 24.000 tỉ đồng để can thiệp thị trường. Tính 4 phiên giao dịch vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng ra thị trường tổng cộng 64.650 tỉ đồng, hầu hết các kỳ hạn đều 7 ngày, lãi suất 6%/năm mà không hút tiền về những phiên gần đây.
Tổng lượng tiền Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trong tháng 1 đạt gần 122.000 tỉ đồng, cao hơn quy mô hút ròng 92.500 tỉ đồng trong tháng 12.2022. Điều này cho thấy nhà điều hành đang thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho thị trường khi mặt bằng lãi suất tăng lên vào những ngày cuối tháng 1. Trong phiên giao dịch 30.1, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng tăng từ 0,5 – 1%/năm so với đầu tháng ở các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên 6,17%/năm, từ 1 – 2 tuần từ 6,57 – 6,68%/năm, 1 tháng là 7,55%/năm, 3 tháng là 9,4%/năm, 6 tháng 11,37%/năm.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo tính hấp dẫn trong việc nắm giữ VND, hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam khi lãi suất huy động USD vẫn luôn được duy trì ổn định ở mức 0%. Do đó, giả định mức lãi suất mục tiêu mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, thì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái.
T.P