Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài nguyên BiểnNghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam

Nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam

BienDong.Net: Nghề câu cá ngừ đại dương được du nhập và phát triển ở Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 và đã trở thành nghề khai thác chủ lực ở vùng biển miền Trung.

Hiện nay, có khoảng 1.800 tàu câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu… Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương cả nước mỗi năm đạt gần 20.000 tấn, chủ yếu là cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng, rất được ưa chuộng trên thị trường các nước Âu, Mỹ và Đông Bắc Á.

 

Tuy nhiên, do phát triển sản xuất tự phát, thiếu cơ sở khoa học nên đã có dấu hiệu khai thác quá mức nguồn lợi cá ngừ đại dương ở vùng biển miền Trung và vùng biển quần đảo Trường Sa nước ta. Ngoài ra, việc bảo quản, chế biến tiếp thị cũng chưa phát triển, nên lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mới chỉ chiếm 24-30% sản lượng đánh bắt.

Nhu cầu thị trường cá ngừ đại dương đòi hỏi phải bảo quản nguyên con. Giá bán cá tươi nguyên con, loại từ 30 kg/con trở lên, cao gấp 5 lần cá chế biến đông lạnh.

Giám đốc công ty TNHH Ðại Dương (Khánh Hòa) Mai Thành Tâm, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá bằng đường hàng không sang Nhật Bản, Hoa Kỳ… cho biết: Thực chất, hiện nay Việt Nam chưa có chợ cá một cách đúng nghĩa. Bởi chợ cá phải là nơi có đủ các điều kiện để bảo quản, định giá và tiến hành các thủ tục mua bán một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Một trong những khó khăn khác trong xuất khẩu cá ngừ đại dương hiện nay là Việt Nam chưa phải là thành viên của Ủy ban nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC); nghề cá Việt Nam chưa được Hội đồng quản lý biển (MSC) cấp chứng nhận nghề cá bền vững. Do đó, để phát triển bền vững theo hướng hội nhập cao, cần sớm có các bước tham gia WCPFC; đăng ký để được cấp chứng chỉ MSC cho sản phẩm cá ngừ. Cùng với đó, sớm thành lập Hiệp hội cá ngừ đại dương Việt Nam để đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người sản xuất, xuất khẩu.

Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 8 trong các quốc gia xuất khẩu cá ngừ đại dương đến Nhật Bản. Ðiều ấy cho thấy, sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam có thể cạnh tranh với sản phẩm của nhiều nước khác, và việc xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Việt Nam được đặt ra khá cấp bách nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như bảo đảm quyền lợi của người khai thác và nhà xuất khẩu.

Thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên

Phú Yên được coi là cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, với sản lượng đánh bắt hàng năm đạt 5000-5500 tấn. Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên vừa được đăng ký nhãn hiệu tập thể cá ngừ đại dương Phú Yên (PHU YEN TUNA), Đây là nhãn hiệu cá ngừ đại dương đầu tiên ở VN trong nỗ lực khuyếch trương sản phẩm này trên thị trường.

Sơ chế cá ngừ Phú Yên (ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Nhãn hiệu tập thể cá ngừ đại dương Phú Yên “PHU YEN TUNA” được bảo hộ tổng thể trong thời hạn 10 năm (có thể gia hạn).

Sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể “PHU YEN TUNA” phải đáp ứng các yêu cầu như: nguyên liệu là cá ngừ đại dương được ngư dân Phú Yên đánh bắt trong vùng biển Việt Nam và vùng công hải, được xử lý, sơ chế và bảo quản đảm bảo chất lượng. Cá không có khuyết tật, không bị tác động cơ học trên thân cá như rách, trầy, bầm, dập; da cá còn nguyên vẹn, màu tươi sáng, cơ thịt săn chắc, đàn hồi tự nhiên, không bị mềm nhũn; có mùi đặc trưng của cá ngừ, vị thịt ngọt của cá tươi. Cá được đánh bắt bằng phương thức câu vàng ngoài khơi, được xử lý, sơ chế và bảo quản trên tàu đảm bảo giữ nguyên hương vị của cá tươi.

Thăng Long

RELATED ARTICLES

Tin mới