Friday, January 3, 2025
Trang chủBiển nóngThông tin Biển Đông2012: Năm xúi quẩy của ngành công nghiệp du thuyền

2012: Năm xúi quẩy của ngành công nghiệp du thuyền

BienDong.Net: Chưa đầy hai tháng sau vụ tai nạn của tàu Costa Concordia trước hòn đảo Giglio của Italia, làm 25 người chết và 7 người mất tích, lại thêm một du thuyền khác của công ty Costa Crociere gặp nạn.

Đó là tàu Costa Allegra chở theo 636 khách và 413 thuỷ thủ, nhân viên, bị trôi dạt hơn 200 dặm tại phía nam quần đảo Seychelles trên Ấn Độ dương sau khi xảy ra vụ cháy tại phòng máy phát điện hôm 28/2.

 

Tàu ‘Costa Allegra chụp tháng 6/ 2010. ( KENNETH )

Theo thông báo của công ty chủ tàu, vụ cháy đã không lan rộng sang các khu vực khác của con tàu và đã được dập tắt ngay, mặc dù con tàu đã bị mất điện và ở trong tình trạng trôi dạt trước khi được kéo về cảng Victoria của Seychelles 4 ngày sau đó.

Tàu Costa Allegra, trọng tải 28.500 tấn, cao 8 tầng với 410 phòng và chở tối đa 1.600 người, đã từng cập cảng Tiên Sa của Việt Nam hồi Tết 2007. Ảnh của Saigontourist cho thấy du khách đang tham quan Đà Nẵng.

Mặc dù không có thương vong, song vụ tai nạn là một đòn mạnh giáng vào Carnival Corp, công ty mẹ của Costa Crociere, nhất là sau vụ tàu Costa Concordia bị đắm hôm 13/1 trong sự kiện được coi là vụ Titanic của thế kỉ 21.

Giống như một lâu đài nổi, Costa Concordia trọng tải 114.500 tấn, dài 292 m, rộng 35,5 m, có 1.500 phòng , 4 hồ bơi, 5 nhà hàng và 13 quán bar- được đóng với chi phí 570 triệu USD- đi vào khai thác từ năm 2006..

Trên thực tế, con tàu này có trọng tải gấp ba lần tàu Titanic 46.000 tấn, và có thể chở theo số hành khách đông gấp đôi so với tàu Titanic, chưa kể hơn 1.000 thuỷ thủ đoàn và nhân viên phục vụ.

Tàu Costa Concordia với một viên đá vẫn nằm kẹt trong vỏ tàu ( ảnh Internet )

Khi xảy ra tai nạn, có tất cả 3.206 hành khách và 1.023 nhân viên thủy thủ đoàn trên tàu, đông gấp ba cư dân đảo Giglio.

Vụ tai nạn đựoc coi là hết sức phi lí này xảy ra ở vị trí cách đảo chưa đầy 400 mét trong khi vùng biển xảy ra sự cố được xác định là hoàn toàn yên bình, thời tiết tốt .

Ngưòi ta buộc tội thuyền trưởng Francesco Schettino hàng loạt tội, trong đó có việc đã cho tàu tíên vào sát bờ để chào mừng khách du lịch và thân nhân bếp trưởng con tàu lúc đó đang có mặt trên đảo.

Thuyền trưởng còn bị buộc tội đã bỏ mặc hành khách để thoát thân trong bộ thường phục lẫn vào đám đông, trong khi qui tắc bất thành văn của ngành hàng hải là khi tàu chìm thì thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời khỏi tàu.

Về phần mình, thuyền trưởng đổ lỗi cho người trong ban lãnh đạo công ty đã buộc ông phải cho tàu tiến sát bờ nhằm quảng bá hình ảnh con tàu, mặc dù lời cáo buộc này bị công ty chủ quản bác bỏ.

Cũng có người giải thích rằng trong thời buổi khủng hoảng của kinh tế thế giới, giá vé du thuyền chưa đầy 1.000 Euro/ người cho một tuần du ngoạn trên tàu là quá thấp, dẫn đến việc bảo dưỡng tàu không được chú trọng.

Dù thế nào chăng nữa, sẽ còn mất nhiều thời gian và tiền của để xác định nguyên nhân tàu đắm, trách nhiệm của người trong cuộc, cũng như trục vớt con tàu và giải quyết hậu quả tai nạn.

Con tàu bị chìm nghiêng ngay gần bờ ( ảnh Internet )

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng hải cho rằng tai nạn của cả hai con tàu trên là một lời cảnh báo đối với ngành công nghiệp du thuyền đang có xu hướng đóng những chiếc tàu sang trọng với kích cỡ ngày càng khổng lồ.

Trong một thập kỉ qua, trọng tải trung bình của các du thuyền đã tăng gấp đôi, nhiều du thuyền giờ đây giống như một thị trấn nhỏ trên biển, khiến người ta lo ngại về hoạt động sơ tán và cứu hộ khi có tai nạn.

Giới chuyên gia hàng hải cho biết cũng như tất cả các phương tiện giao thông hiện đại cỡ lớn, du thuyền Costa Concordia phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống điện tử phức tạp, và nếu không có điện, tàu sẽ gặp trục trặc.

Theo tính toán ban đầu của Carnival Corp, tai họa tàu Costa Concordia làm công ty này thiệt hại từ 155 đến 175 triệu USD. Thiệt hại sẽ lên tới 800 triệu USD nếu như không trục vớt được tàu và phải xẻ nó ra làm sắt vụn.

Nếu như thế, đây sẽ là thiệt hại lớn nhất trong ngành hàng hải, vượt quá con số 500 triệu USD mà các công ty bảo hiểm phải thanh toán sau vụ tai nạn của tàu chở dầu Exxon Valdez ở Alaska năm 1989.

Hiện Costa Crociere, đại diện cho Carnival Corp đang thương lượng tiền bồi thường tổn hại về vật chất và tinh thần với hành khách đi trên tàu Costa Concordia để tránh các thủ tục pháp lí rắc rối. Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản, bởi trong số hành khách, đã có 6 người đòi công ty bồi thường tổng cộng 460 triệu USD.

Hoạ vô đơn chí, những bức ảnh và video về vụ tai nạn đã gây chấn động trên thị trường, khiến cho cổ phiếu của Carnival Corp, công ty mẹ của Costa Crosciere bị sụt tới 14 % ngay sau khi tai nạn xảy ra.

Những sự cố liên tục đối với Costa Crociere diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm tháng giêng và tháng hai là cao điểm của mùa du lịch khi các hãng du thuyền nhận được từ một phần ba đến một nửa số hợp đồng đặt chỗ du lịch cả năm.

Chương Dương ( theo The New York Times và El Pais )

RELATED ARTICLES

Tin mới