Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngĐạo diễn James Cameron thám hiểm vực biển sâu nhất thế giới

Đạo diễn James Cameron thám hiểm vực biển sâu nhất thế giới

BienDong.Net: “Đó là khung cảnh như trên mặt trăng, hoang vắng, một thế giới hoàn toàn xa lạ”. Đạo diễn điện ảnh James Cameron đã thốt lên như thế sau khi hoàn thành chuyến thám hiểm xuống vực biển las Marianas cách mặt nước 11 km (chính xác là 10.898 m), cái rốn sâu nhất của đại dương hôm 26/3.

Tôi không thấy con cá nào, không thấy bất cứ thứ gì có thể có dấu hiệu của sự sống, ông nói.Thế giới đã chứng kiến những hình ảnh đầu tiên về Challenger thuộc las Marianas, một trong những địa điểm bí ẩn nhất thế giới, thu được từ các thiết bị trên tàu lặn Deepsea Challenge do một nhóm nhà khoa học Úc và bản thân Cameron tham gia thiết kế.

Đây là những hình ảnh vô cùng quí giá, bởi lẽ trước Cameron mới chỉ có hai người lặn xuống khu vực này là kỹ sư Thụy Sĩ Jacques Piccard và đại úy hải quân Mỹ Don Walsh trên chiếc tàu lặn Trieste năm 1960.

Tàu Deepsea Challenger cao 7 m, nặng 11,8 tấn, khoang lái rộng 109 cm chỉ đủ chỗ cho một người điều khiển. Khác với các tàu lặn thông thường xuống nước theo phương nằm ngang, tàu lặn này được trang bị hệ thống đẩy thẳng đứng và có gắn các tấm thép nặng tổng cộng 450 kg giúp tàu lặn nhanh. Khi chuẩn bị nổi lên, các tấm thép này được tách ra nằm lại dưới đáy biển.

Tàu được trang bị vỏ thép dày, mặc dù vậy, dưới độ sâu áp suất lớn gấp 1 ngàn lần áp suất trên mặt biển, tức là tương đương 8 tấn trên mỗi cm2, hay sức nặng của 50 chiếc máy bay phản lực đè trên lưng người, con tàu đã bị ép co lại 3 inch chiều dài, “cửa sổ” con tàu được thiết kế đặc biệt vẫn bị ép lún vào phía ông ngồi.

Dưới độ sâu, Cameron cũng không có điều kiện nói chuyện với các chuyên gia trên con tàu mẹ Mermaid Sapphire, mà phải liên lạc bằng điện đàm.

Chuyến lặn sâu này là cả một thách thức lớn về kĩ thuật cũng như là một rủi ro đối với tính mạng người tham gia.

Jacques Piccard và Don Walsh trên chiếc tàu lặn Trieste năm 1960 ( Ảnh Internet)


Do một vài trục trặc trong hệ thống thuỷ lực, và cả vấn đề điều khiển thiết bị, Cameron đã không lấy được một số mẫu vật dưới đáy biển, và phải rút ngắn chuyến lặn biển dự định kéo dài 6 giờ xuống còn “ vài giờ”.

Tính tổng cộng, ông mất 2 h 36 phút để lặn xuống đáy biển và mất 70 phút để trở lại mặt nước .


Cameron ra khỏi tàu lặn.

Mặc dù vậy, ông vẫn lạc quan:” Cần phải để lại một cái gì đó cho chuyến đi sắp tới”.

Cameron không tiết lộ ông đã nhìn thấy gì hay đã quay phim được những gì. Tuy nhiên, sau cuộc thám hiểm này, do tổ chức National Geographic đồng bảo trợ, sẽ có một cuốn phim 3 D và một số phim tài liệu được phát hành. Người ta đồn rằng chưa biết chừng, vị đạo diến phim Titanic này sẽ làm tiếp phần 2 phim Avatar mà ông mới chỉ tiết lộ là sẽ diễn ra tại Đại dương Pandora.

Chiến công của Cameron giúp chúng ta tìm hiểu về sự sống ở sâu 11 km dưới mặt biển, trong điều kiện áp suất khủng khiếp. Nó cũng có thể có ích không chỉ để hiểu thêm về hành tinh của chúng ta, mà còn gíup cho việc nghiên cứu các hành tinh khác cũng có nước và sự sống.

Đối với giới khoa học, chuyến lặn biển của Cameron trên Deepsea Challenger không đơn thuẩn là cuộc phiêu lưu thương mại, mà là sự khởi đầu cho việc thăm dò các vực biển sâu của thế giới, nơi chắc chắn có mối liên hệ với đời sống của con người trên trái đất.

Cameron, 57 tuổi là đạo diễn lừng danh người Mỹ gốc Canada, với những phim bom tấn như Titanic, Aliens và Avatar, trong đó riêng Avatar là phim đầu tiên đạt doanh thu 2 tỉ USD.

Không chỉ là đạo diến tài năng, ông còn là người yêu biển, đến nay đã thực hiện 72 chuyến lặn biển trên những tàu ngầm nhỏ, trong đó có 12 chuyến để quan sát và quay phim xác tàu Titanic. . Ông nói rằng cuộc lặn xuống vực Marianas lần này không phải là duy nhất và hứa sẽ quay trở lại, rằng đây chỉ là một sự khởi đầu.

Chương Dương ( theo El Pais và El Mundo, Reuters )

RELATED ARTICLES

Tin mới