BienDong.Net: Quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, bao gồm khoảng 100 hòn đảo, đá ngầm và bãi san hô. Nơi đây có nhiều loài rong biển tồn tại và phát triển, trong đó có 62 loài có giá trị kinh tế và là một nguồn tài nguyên biển quan trọng.
Từ lâu, rong biển đã được biết đến như một nguồn lợi thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh. Bên cạnh đó, rong biển còn làm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp như thực phẩm, dệt may, mỹ phẩm, dược phẩm,…. Ở Việt Nam hiện nay, rong biển đang là một trong những đối tượng có nhiều triển vọng khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn nhất là vùng nông thôn ven biển và hải đảo.
Để có cơ sở khoa học, đồng thời bổ sung thêm tư liệu về nhóm nguồn lợi này, trong thời gian qua các nhà khoa học thuộc Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng (nay là Viện Tài nguyên và Môi trường Biển) đã tiến hành nghiên cứu về nguồn lợi rong biển quần đảo Trường Sa và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Thu mẫu rong biển dải trên vùng dưới triều tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: Đàm Đức Tiến)
Công trình nghiên cứu cho thấy tại 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài, Đá Tây, Sinh Tồn và Đá Nam), đã xác định được 255 loài rong biển thuộc 4 ngành là khuẩn Lam (Cyanophyta), rong Đỏ (Rhodophyta), rong Nâu (Phaeophyta) và rong Lục (Chlorophyta). Trong đó, rong Đỏ chiếm ưu thế hơn cả: 136 loài chiếm 53,3%, tiếp theo là rong Lục: 69 loài chiếm 27,0%, khuẩn Lam và rong nâu có số lượng loài bằng nhau: 25 loài chiếm 9,8%.
Rong biển ở quần đảo Trường Sa có sự phân bố rất đa dạng và không đồng đều, các nghiên cứu tập trung chủ yếu theo 2 hướng là phân bố địa lý (phân bố rộng) và phân bố thẳng đứng (phân bố sâu).
Theo đó, sự phân bố địa lý (phân bố rộng) của rong biển tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không giống nhau, số lượng loài tại các đảo dao động từ 17 loài (đảo Phan Vinh) đến 127 loài (đảo Đá Tây) và trung bình là 72,9 loài.
Sự phân bố thẳng đứng (phân bố sâu) của rong biển tại quần đảo Trường Sa chỉ nằm trong giới hạn từ vùng triều trở xuống và tập trung chủ yếu ở vùng triều thấp. Một số loài có thể phân bố sâu đến 20m dưới 0m hải đồ hoặc sâu hơn nữa.
Một số loài rong biển ở vùng dưới triều quần đảo Trường Sa (Ảnh: Đàm Đức Tiến)
Căn cứ giá trị sử dụng, các nhà khoa học đã phân loại rong biển tại quần đảo Trường Sa thành sáu nhóm làm nguyên liệu chế biến cụ thể như nhóm làm nguyên liệu chế biến kẹo Carrageenan, nhóm làm nguyên liệu chế biến thạch (agar), dược liệu, thực phẩm, phân bón và rau xanh.
Nghiên cứu nguồn lợi rong biển quần đảo Trường Sa của các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường Biển không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, góp phần bổ sung thêm tài liệu về nguồn lợi rong biển trong nước mà còn giúp các cơ quan quản lý tại quần đảo Trường Sa có thể định hướng khai thác nguồn tài nguyên quý giá này một cách hợp lý và có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các vùng hải đảo.
Liên quan vấn đề khai thác tài nguyên rong biển, Viện KH-CN Việt Nam khuyến cáo: “Nên khai thác có hạn định, khai thác xen kẽ (để lại giống vụ sau) cho phù hợp với quy luật của khu hệ thực vật nhiệt đới, và nên khoanh vùng bảo vệ một số loài có sinh lượng nhỏ, có nguy cơ tuyệt chủng”.
Sông Hồng ( nguồn tin: TS. Đàm Đức Tiến, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển)
Comments are closed.