BienDong.Net: Ngày 23.8, quê hương truyện cổ tích Andersen đã tưng bừng tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm bức tượng Nàng tiên cá tại thủ đô Copenhagen.
Copenhagen – có nghĩa là “Cảng của các nhà buôn” – thành lập năm 1167. Thành phố nằm trọn trên 2 đảo Amager, đảo Slotsholmen và một phần phía đông đảo Zealand, nối với nhau bằng nhiều cây cầu và đường hầm xuyên qua biển.
Tượng nàng tiên cá tại Copenhagen
Nếu nước Mỹ có tượng Nữ thần Tự do, Hà Lan có cối xay gió, Pháp có tháp Eiffel… thì Đan Mạch có Nàng tiên cá – the Little Mermaid.
Nhỏ bé nhưng lừng lẫy tiếng tăm, tượng nàng Tiên Cá chỉ cao 1,25 m, nặng 175 kg, xõa tóc ngồi trên tảng đá, nhìn xuống vịnh Oresund.
Bức tượng gắn liền với truyện cổ tích của văn hào Christian Andersen (1805 – 1875). Nàng tiên cá được Carl Jacobsen, con trai nhà sáng lập hãng bia Carlsberg đặt làm năm 1909, sau khi ông xem vở ba lê cùng tên. Tượng làm bằng đồng, hoàn thành ngày 23.8.1913 bởi nhà điêu khắc Edward Eriksen (1876 – 1954), với gương mặt của nghệ sĩ múa Ellen Price, người thủ vai nàng tiên cá trong một sản phẩm sân khấu thời điểm đó, còn thân được lấy mẫu từ chính người vợ nhà điêu khắc. Mỗi năm, bức tượng này thu hút 1 triệu du khách.
Kể từ khi có bức tượng, hằng năm đến ngày 23.8 Copenhagen đều tổ chức mừng sinh nhật Nàng tiên cá. Một trong những sự kiện nổi bật trong ngày 23.8 vừa qua là màn xếp hình dưới nước của 100 cô gái, tạo thành số 100 đánh dấu 1 thế kỷ tồn tại của bức tượng Nàng tiên cá.
100 năm qua, Nàng tiên cá đã trải qua nhiều thăng trầm: năm 1964 đầu tượng bị lấy cắp, sau đó, nàng có đầu mới, trẻ hơn mình tới 51 tuổi. 20 năm sau, năm 1984, nàng bị cưa tay phải. Vài ngày sau, kẻ thủ ác đem tay nàng trả cho các bác sĩ “phẫu thuật” nối lại hoàn chỉnh. Năm 2003, nàng bị chất nổ hất tung xuống biển… Có lẽ chưa bức tượng nghệ thuật nào trên thế giới phải chịu nhiều sóng gió đến thế.
Tháng 3.2010, lần đầu tiên, Nàng tiên cá được đi du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu thủy, để đến dự Expo Thượng Hải từ tháng 5 đến tháng 11.2010. Trong vòng 8 tháng nàng đi vắng, tại chỗ nàng thường ngồi, luôn có hình nàng bằng ánh sáng laser kèm những hình ảnh được truyền trực tiếp từ Thượng Hải, nơi nàng dự hội chợ để quảng bá cho quê hương mình. Sự vắng mặt của nàng tạo nên khoảng trống không thể thay thế. Nhiều người dân thủ đô nói rằng: “Thật khó mà tưởng tượng, nếu Copenhagen không có Nàng tiên cá”.
Cô Pia Allerslev – Giám đốc cơ quan Văn hóa và Giải trí Copenhagen tuyên bố: “Bức tượng Nàng tiên cá có ý nghĩa rất lớn đối với đất nước Đan Mạch nói chung và thành phố Copenhagen nói riêng. Nàng tiên cá đã mang những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện về nhà văn Andersen và về đất nước chúng tôi đến với mọi người trên khắp thế giới”.
BDN (theo TT và TN)