Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCó thể kiện Trung Quốc vụ đâm chìm tàu cá ĐNa -...

Có thể kiện Trung Quốc vụ đâm chìm tàu cá ĐNa – 90152?

BienDong.Net: Theo báo chí trong nước, chiều 2/6, tàu cá ĐNa – 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa đã được kéo lên thanh đà tại cơ sở trục vớt đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Toàn bộ con tàu đã bị hư hỏng nặng. Mạn trái thân tàu có vết đâm xước, thủng dài khoảng 60cm, rộng 50cm. Hàng loạt vết tích hư hại, nham nhở khắp vỏ, cabin, boong tàu.

 

Bà Huỳnh Thị Như Hoa – chủ tàu cá ĐNa 90152

Bà Huỳnh Thị Như Hoa chủ tàu cho biết, bà sẽ giữ nguyên con tàu để làm bằng chứng tố cáo tội ác của Trung Quốc và Nếu được hỗ trợ, hướng dẫn pháp lý, tôi sẽ kiện Trung Quốc ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại, bà nói.

‘Dù thế nào ngư dân cũng nên kiện TQ’

Trong một bài viết gửi BBC, TS. Nguyễn Vân Nam, một nhà luật học tại Đại học Humboldt, CHLB Đức, hiện đang hành nghề tại Sài Gòn cho rằng dù có rút giàn khoan đi chăng nữa, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục quấy phá, ngăn cản ngư dân Việt nam đánh bắt trên vùng biển quanh Hoàng sa, Trường sa để chứng tỏ chủ quyền và hoạt động quản lý trên thực tế của họ.

Chính vì vậy, ông Nam cho rằng trong tình hình hiện nay, ngư dân khởi kiện là một trong những cách dễ thực hiện và rất hiệu quả, vừa hạn chế không cho TQ thực hiện ý đồ này; đồng thời tạo điều kiện đảm bảo tốt nhất và lâu dài cho tính mạng, tài sản và quyền tự do đánh bắt của ngư dân Việt nam.

 

Trung Quốc bị cáo buộc ‘tấn công’ tàu cá của ngư dân Việt Nam và ‘gây nhiều thiệt hại’.

Cho rằng khả năng thành công và thất bại khi ngư dân ta khởi kiện là như nhau trong bài viết gửi BBC, ông Nam lập luận rằng trước hết, về lý thuyết, họ có thể khởi kiện ngư dân Trung Quốc hoặc Nhà nước Trung Quốc tại một Tòa án có thẩm quyền của Việt nam, vì hành vi gây thiệt hại của phía Trung Quốc hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền và toàn quyền tài phán.

Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ không tham gia trình tự tố tụng. Phán quyết của Tòa án Việt nam cũng không thi hành được đối với bị đơn, ông Nam lập luận.

Tương tự, khởi kiện ngư dân Trung Quốc tại một cơ quan tài phán quốc tế dù thắng lợi cũng không có nhiều tác dụng như khởi kiện Nhà nước Trung Quốc, vì về cơ bản, vẫn không buộc được chính phủ Trung Quốc không sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt nam, đồng thời cũng không thi hành án buộc ngư dân Trung Quốc bồi thường thiệt hại được.

Theo TS Nam, Tòa án luật biển quốc tế tại Hamburg (ITLOS), Đức là Tòa án quốc tế duy nhất trên thế giới cho phép chủ thể khởi kiện không phải là Nhà nước (cá nhân, tổ chức), có quyền khởi kiện một Nhà nước liên quan đến việc lý giải và áp dụng các thỏa thuận quốc tế trong khuôn khổ công pháp quốc tế (Khoản 2 điều 20 quy chế toà án luật biển quốc tế).

Đây là cách khởi kiện duy nhất mà ngư dân ta phải làm. Nhưng cũng là cách với các thủ tục, trình tự và nội dung tố tụng quốc tế phức tạp nhất và hoàn toàn xa lạ với Việt nam.

Sẽ có nhiều khó khăn, trở ngại – cả khách quan, mà đặc biệt là chủ quan – trong hầu hết các giai đoạn của quá trình khởi kiện, như chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và trình tự tố tụng.

Trước hết về chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, đây là một công việc tốn rất nhiều thời gian và không hề dễ dàng.

Đầu tiên, khó khăn đặc biệt là việc thu thập chứng cứ do ít nhất là các nguyên nhân sau: các chứng cứ phải được thu thập một cách hợp lệ theo chuẩn mực quốc tế, nếu không nó sẽ rất dễ bị Trung Quốc phản bác là không hợp lệ và sẽ không được Tòa ITLOS xem xét.

Sau nữa là các sơ xuất của Việt nam khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Chẳng hạn, nếu Trung Quốc chứng minh được rằng ngư dân X dù đứng tên khởi kiện, nhưng thực chất là hoàn toàn làm theo chỉ đạo và nhận sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Hiệp hội nghề cá; hoặc người đứng đơn là Hiệp hội nghề cá và TQ dễ dàng chứng minh được thực chất đây là Hiệp hội của Nhà nước vì hoạt động hoàn toàn theo chỉ đạo và dưới sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, thì Tòa án biển quốc tế hoặc sẽ trả lại đơn kiện, hoặc sẽ xem nó như đơn kiện của Nhà nước.

Và như vậy, các nội dung trong đơn khởi kiện sẽ lọt vào những nội dung mà Trung Quốc đã có tuyên bố bảo lưu không chấp nhận quyền tài phán của ITLOS.

Ngoài ra, cũng phải xem xét liệu nguyên tắc “hết quyền tài phán quốc gia“ có bị áp dụng hay không; và nếu có thì sẽ phải làm gì? Nội dung khởi kiện cụ thể chỉ có thể được quyết định sau khi hoàn tất việc thu thập chứng cứ, nhưng chắc chắn phải có yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại và đảm bảo không được tái diễn hành động gây thiệt hại như vậy nữa.

Hồ sơ khởi kiện phải được nộp tại văn phòng của ITLOS ở Hamburg, Đức. Tùy thuộc cách lập luận và yêu cầu của đơn kiện, Tòa án sẽ quyết định áp dụng trình tự thủ tục tố tụng nào. Để khắc phục những khó khăn đó, ngư dân cần được một văn phòng luật sư có kinh nghiệm và thông thạo công pháp quốc tế hướng dẫn ngay từ bây giờ.

Về trình tự tố tụng của Tòa án biển quốc tế về cơ bản gồm hai giai đoạn là tố tụng văn bản và tố tụng trực tiếp (tranh luận tại phiên Tòa). Sau khi quyết định thụ lý đơn kiện, Tòa (hoặc Tòa trọng tài theo phụ lục VII của ITLOS), sẽ cho chúng ta 06 tháng để lập hồ sơ và trình bày chi tiết chứng cứ, các cơ sở pháp lý và lập luận cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Tòa sẽ tống đạt toàn bộ hồ sơ và lập luận của ta cho Trung Quốc; họ cũng có 06 tháng để trình bày chứng cứ và lập luận phản bác. Mỗi bên đều có quyền xin gia hạn thời gian trình bày lập luận.

Về nguyên tắc, không có giới hạn thời gian hai bên tranh luận bằng văn bản. Thời gian tiến hành tố tụng văn bản trung bình là 02 năm. Khi nhận thấy các bên đã trình bày đầy đủ lập luận và chứng cứ của mình, Tòa sẽ ra quyết định kết thúc giai đoạn tố tụng văn bản.

Từ lúc này, bên nào muốn đưa thêm chứng cứ mới phải được sự đồng ý của bên kia và của Tòa. Trong vòng 06 tháng sau khi kết thúc tố tụng văn bản, Tòa phải mở phiên tòa thực hiện tranh tụng trực tiếp và sau đó sẽ ra phán quyết.

Kết thúc mỗi giai đoạn tranh tụng, các thẩm phán sẽ thảo luận kín và yêu cầu các bên giải thích, làm rõ các vấn đề pháp lý cần thiết.

Trong quá trình tố tụng, một sai lầm về hình thức cũng có thể dẫn đến hậu quả cho phép Trung Quốc kéo dài quá trình tố tụng, hoặc thậm chí có quyền yêu cầu đình chỉnh vụ án. Để khắc phục những trở ngại đó, ngư dân ta cần phải được một công ty luật nước ngoài đại diện trước ITLOS.

Theo TS Nam, rất có thể, do chuẩn bị không tốt, đơn kiện của ngư dân ta kiện Trung Quốc sẽ không đạt kết quả như mong muốn. Nhưng ngay khi ITLOS thụ lý đơn kiện, Trung Quốc đã có nghĩa vụ không được tiếp tục thực hiện những hành động làm hiện trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nghĩa là không được tiếp tục cản trở ngư dân ta đánh cá nữa.

Nếu Trung Quốc không thực hiện, ngư dân đứng đơn khởi kiện có quyền yêu cầu ITCLOS quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Trung Quốc hoặc phải rút tàu ra khỏi vùng biển có ngư dân Việt nam đánh bắt, hoặc phải bảo đảm các tàu của Trung Quốc giữ một khoảng cách an toàn xác định đủ để các tàu ngư dân VN an tâm.

Khó có thể đánh giá hết tác động tích cực của một quyết định như vậy. Tuy thế, trong trường hợp xấu nhất, ngư dân ta vẫn nên khởi kiện Trung Quốc, TS Nam kết luận.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới