Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMALAYSIA VÀ BIỂN ĐÔNG

MALAYSIA VÀ BIỂN ĐÔNG

malaysia-flag-on-mapBienDong.Net: Năm 2015, Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận thế nào tại các hội nghị của ASEAN trong năm 2015 đang là một đề tài được các nhà nghiên cứu quốc tế phân tích, bình luận. Là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, và là nước thứ 3 sau Việt Nam, Philippines bị ảnh hưởng trực tiếp bởi yêu sách “đường lưỡi bò”, Malaysia có lợi ích lớn trong việc duy trì nội dung vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN năm 2015. Với cương vị Chủ tịch ASEAN, Malaysia sẽ ứng xử ra sao đang là bài toán đặt ra cho những người lãnh đạo và Bộ Ngoại giao Malaysia.

Do là nước có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc và có một số lượng đông đảo người Hoa sinh sống, Malaysia có nhu cầu không để “mất lòng” Trung Quốc, nước luôn tìm mọi cách gạt bỏ vấn đề Biển Đông ra các chương trình nghị sự của hội nghị ASEAN. Mặt khác, Malaysia cần cùng các bên liên quan khác trong tranh chấp ở Biển Đông thúc đẩy việc duy trì đoàn kết giữa các nước ASEAN để tạo tiếng nói chung trên vấn đề Biển Đông.

Mấy năm gần đây, nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, tiến tới khống chế Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động đến tận bãi Tăng Mẫu – điểm cực Nam của “đường lưỡi bò”. Theo thống kê của cơ quan quản lý biển Malaysia, thời gian qua số lượng tàu chấp pháp và tàu hải quân của Trung Quốc đã tăng cường tuần tra, do thám vùng biển của Malaysia, bình quân lên đến 20 vụ trong 1 tháng. Phạm vi hoạt động của các tàu Trung Quốc mở rộng đến tận khu vực biển ngoài khơi bang Sabah đến bang Sarawak, là khu vực Malaysia đang triển khai nhiều hoạt động dầu khí; tàu của Trung Quốc đã nhiều lần thả neo, tiến hành diễn tập quân sự tại bãi ngầm Tăng Mẫu, thậm chí ngăn cản các hoạt động khảo sát dầu khí của Malaysia.

Malaysia chưa đưa tin công khai về các hoạt động của tàu Trung Quốc, nhưng đã điều động tàu hải quân, máy bay trực thăng ra cảnh báo, yêu cầu các tàu Trung Quốc không được đến gần khu vực hoạt động dầu khí của Malaysia; xua đuổi các tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi ngầm Tăng Mẫu.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Malaysia lo ngại Trung Quốc sẽ có hành động tương tự với Malaysia. Với tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông, sau khi gây hấn với Philippines, Việt Nam, rồi sẽ đến lúc Trung Quốc triển khai các hoạt động gây hấn, xâm lấn vùng biển của Malaysia. Sau khi hoàn thành việc lấp biển mở rộng các cấu trúc đang chiếm đóng ở Trường Sa và biến các cấu trúc này thành những căn cứ quân sự, Trung Quốc có đủ điều kiện để đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn xuống phía Nam Biển Đông, trong vùng biển của Malaysia.

Hiện tại Malaysia đang thi hành chính sách không công khai các hoạt động vi phạm của tàu Trung Quốc do những lợi ích lớn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, hơn thế nữa gia đình Thủ tướng Malaysia Najib có những mối quan hệ với Trung Quốc nên không muốn làm “mất mặt” Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động của tàu thuyền trong vùng biển của Malaysia gây bức xúc cho các nhà lãnh đạo của Malaysia có quê hương ở bang Sabah và bang Sarawak, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia… Những người này sẽ thúc giục chính quyền Malaysia điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn hơn trước các hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với vùng biển của Malaysia và tăng cường quan hệ thực chất với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc.

Nguồn thu từ dầu mỏ mà Tập đoàn Dầu khí Petronas đang khai thác ở Biển Đông chiếm đến 40% ngân sách của Malaysia, do vậy nếu như Trung Quốc có những hành động xâm phạm đến những lợi ích dầu mỏ của Malaysia ở Biển Đông thì Malaysia không thể tiếp tục giữ im lặng như bấy lâu nay. Đây cũng chính là lý do mà Malaysia luôn khước từ đề nghị của Trung Quốc về “cùng khai thác” ở Biển Đông.

Việc vấn đề Biển Đông được đề cập rộng rãi tại các hội nghị của ASEAN trong năm 2014 khi Myanmar (nước không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông) làm Chủ tịch ASEAN cũng là một sức ép đối với Malaysia. Trong bối cảnh đó, Malaysia sẽ phải cùng các nước ASEAN liên quan đến tranh chấp Biển Đông thúc đẩy vấn đề Biển Đông mạnh mẽ hơn trong năm 2015, chí ít là không thể thấp hơn mức độ mà vấn đề Biển Đông đã được đề cập tại các hội nghị của ASEAN trong năm 2014.

Philippines và Việt Nam là 2 nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông cần phối hợp chặt chẽ với Malaysia trên hồ sơ Biển Đông trong năm 2015, trước hết là thúc ép Trung Quốc đàm phán chính thức với ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới