Friday, April 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Quốc dân Đảng di chuyển sang Miền Tây...

Nhật ký Diên An: Quốc dân Đảng di chuyển sang Miền Tây (Kỳ 12)

Mao Trạch Đông tìm mọi cách gây trở ngại cho Quốc dân đảng di chuyển sang miền tây, để tự mình nhận vũ khí và đạn dược lấy cớ là hỗ trợ cho chiến dịch của người Mỹ.

Mao Trạch Đông (trái) gặp Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh, Trung Quốc

Theo những điều tôi được biết chắc rằng chính ban lãnh đạo cũng không biết được số lượng chính xác các chiến sĩ của mình. Trong trường hợp này, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc tỏ ra có thái độ khác nhau đối với chúng ta và với đồng minh. Đối với người Mỹ thì họ đưa ra con số chiến sĩ là 630 nghìn.

Những chiến dịch phối hợp của người Mỹ và quân đội của Đảng cộng sản Trung Quốc, theo dự kiến của Mao Trạch Đông có thể diễn ra vào khoảng mùa xuân năm tới.

Về tất cả những vấn đề, Mao chỉ trao đổi ý kiến ngắn gọn với tôi thôi. Ông ta đứng gần bàn và nhanh nhẹn vạch ra những cột chữ Hán. Điếu thuốc lá cháy âm ỉ trên môi ông ta. Ông ta giải thích cho tôi một cách dịu dàng với giọng nói hơi nhỏ về bức điện gửi Mát-xcơ-va. Điều quan trọng, đối với Mao, là giữa tôi và ông ta đã không có sự bất đồng ý kiến. Ông ta cố gắng đưa ra những nhận định về cao trào của toàn dân để người ta không thấy được sự dối trá.

Mao mặt nhợt nhạt, lơ đãng, thở to và khó khăn. Sau đó, đưa tôi ra cửa và nhìn lên bầu trời trong trẻo đầy sao, đột nhiên ông ta nói rằng ông thích những đêm trời lạnh, sáng sủa.

Ông ta nhăn mặt khó chịu khi nghe thấy một tiếng nói to nào đó, im lặng một chút và hỏi: “Chúng ta đã ở đây gần mười năm rồi…”.

21 tháng 11

Dưới sức ép của người Mỹ và do những thất bại quân sự, nên chế độ Quốc dân đảng phải “hiện đại hóa”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 55 tuổi, Hà Ứng Khâm bị cách chức, tướng Trần Thành đã được bổ nhiệm thay hắn. Nhưng Hà Ứng Khâm vẫn giữ chức Tổng tham mưu trưởng.

Vu Hồng Xuân được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính mới. Và có những sự thay đổi khác nhau nữa…

Dân chúng lũ lượt rời khỏi tỉnh Quảng Tây. Chiến sự xảy ra trong khu Liễu Châu – Quế Lâm. Tàu hỏa chật ních những người chạy loạn. Người thì bị tàu chẹt chết, người thì chết rét, chết đói…

Quân Nhật triển khai tấn công…

Quế Lâm bị phá hủy.

23 tháng 11

Mặc dù họ quảng cáo một cách trắng trợn “đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa phát-xít Nhật”, nhưng thái độ thực tế của ban lãnh đạo Đảng cộng sản đối với cuộc đấu tranh ấy vẫn không thay đổi.

Chỉ thị sau đây của Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đối với các chỉ huy trưởng quân đoàn đã chứng minh điều đó.

Mao Trạch Đông tuyên bố rằng nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là làm cho quân đội Tưởng Giới Thạch không thể di chuyển tới bờ biển được: “Cái chủ yếu đối với quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc là phong tỏa các khu vực sẽ có những chiến dịch phối hợp trong tương lai với Đồng minh. Không tạo điều kiện cho quân đội của Tưởng Giới Thạch trong khi đuổi theo quân Nhật, giải phóng lãnh thổ”.

Mao Trạch Đông nghiêm khắc ra lệnh trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được giao chiến với quân Nhật bằng những trận đánh lớn; trong hoạt động chiến đấu, trước hết chỉ hạn chế ở những trận đánh nhỏ.

Chu Đức đã kể cho tôi nghe về chỉ thị này của Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Trời lại băng giá. Ngày nào cũng vắng tanh vắng ngắt, tối sầm, nhưng chỉ về ban đêm mới có băng giá thôi.

Ở đây, ban đêm trời đen như mực, đến nỗi có lần bị mưa, tôi và An-đrây I-a-kô-lê-vích phải bò lổm ngổm mãi mới được một đoạn đường. Đường hẹp, đá trơn, đất vàng nhầy nhụa bùn. Chúng tôi len lỏi, cố lách đi, cách vực có vài chục phân thôi. Không có một đốm lửa, một ánh trăng – mưa dày đặc. Vừa tức vừa buồn cười, nhưng không có lối thoát nào khác. Giữa đường, bị một trận mưa như trút nước, vất vả lắm chúng tôi mới đi qua được…

25 tháng 11

Quân đội Xô-viết chiến đấu ở Tiệp Khắc, Hungary, Đức…

Đơ Gôn tuyên bố sông Ranh là biên giới phòng thủ cần thiết cho Pháp, Bỉ, Hà Lan và một phần nước Anh.

Đồng minh chiếm đóng Xtra-xơ-buốc.

Người Mỹ từ căn cứ Xai-pan ném bom Tokyo, trong thành phố, có những đám cháy rất lớn…

Cuộc tấn công của quân Nhật mang tính chất thảm họa quân sự đối với Trung Quốc, Quế Lâm bỏ ngỏ. Căn cứ không quân Mỹ ở Liễu Châu, căn cứ lớn nhất của Mỹ ở miền Đông Trung Quốc, bị phá hoại. Những thiết bị đắt tiền nhất, giá trị hàng chục triệu đô la bị phá hủy. Với việc tấn công các căn cứ không quân ở Quế Lâm và Liễu Châu, con đường đi tới các căn cứ không quân cuối cùng của đồng minh ở Thành Đô, Trùng Khánh, Quý Dương đã mở. Phi đội Sê-nô tấn công một cách tuyệt vọng vào các đơn vị tấn công của quân Nhật…

Những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc ký kết các hiệp định để lừa dối, thậm chí họ không muốn thực hiện các hiệp định ấy.

Mao Trạch Đông tìm mọi cách gây trở ngại cho Quốc dân đảng di chuyển sang miền tây, để tự mình nhận vũ khí và đạn dược lấy cớ là hỗ trợ cho chiến dịch của người Mỹ.

Quân đội của Đảng cộng sản Trung Quốc, sau khi đã nhận được vũ khí, liền hoạt động theo kế hoạch riêng. Họ bắt đầu chiếm đóng các thành phố lớn, các trung tâm chiến lược để đông thời tăng nhanh sức phản kháng lại Tưởng Giới Thạch; Mao Trạch Đông dành cho đồng minh và trong tương lại, có khả năng cho cả Liên Xô “những sự bận bịu” xung quanh việc đánh đuổi bọn chiếm đóng ra khỏi Trung Quốc. Còn chính Mao thì lại thích chiến đấu với Tưởng Giới Thạch hơn để giành chính quyền cá nhân trong cả nước.

Những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ thực hiện kế hoạch của họ, cả khi chiến dịch đổ bộ của người Mỹ, do nguyên nhân này hay nguyên nhân khác không thành công. Đồng thời, họ còn có ý định dựa vào các lực lượng của họ và sự giúp đỡ của Liên Xô mà họ không hề bao giờ loại bỏ cả.

Trong giới thân cận Mao Trạch Đông, không hề có ý kiến gì về miền Bắc Trung Quốc. Đó là thành trì của Đảng cộng sản Trung Quốc và tất cả mọi người đều cho rằng đó là sở hữu của Mao. Nếu kế hoạch chiếm toàn bộ đất nước thất bại, thì Mao Trạch Đông có ý định xây dựng ở miền Bắc Trung Quốc một nhà nước riêng, độc lập và không phụ thuộc của ông ta. Vì nó, Mao sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng.

Trong trường hợp kế hoạch của “Mỹ”, và những kế hoạch khác cũng thất bại thì các lãnh tụ Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ giữ Liên Xô “làm dự trữ”. Họ trông cậy vào sự ủng hộ của “Đảng cộng sản anh em”. Mao Trạch Đông nói thẳng ra rằng sự ủng hộ đó là tất nhiên, vì Liên Xô không thể bàng quan đối với tình hình các khu vực này.

Không thể, và cũng không đủ sức bố trí sít sao hơn nữa ngày lao động. Song vẫn cứ phải làm. Tôi gần như không ngủ…

Hôm nay, tôi soi mình vào một tấm gương nhỏ không vỡ bằng kim loại: 40 tuổi mà trông già hẳn đi bằng 50 tuổi. Mắt hõm sâu, mặt có những nét nhăn, ở hai thái dương tóc đã bạc.

Bọn quân phiệt là gì đối với Trung Quốc, người ta có thể hiểu được qua thí dụ về nhóm quân phiệt Ngư lâm. Những đất đai chính thức mang tên biên khu Thiểm Tây – Sơn Tây – Tuy Viễn đều bị nhóm này kiểm soát. Ban tham mưu đóng ở Ngư Lâm.

Chỉ huy trưởng khu vực là Đặng Bảo Sơn. Phó chỉ huy trưởng: Đông Triêu và Cao Thương Thành. Tham mưu trưởng Trần Nhật Tân. Thành phần gồm có quân đoàn số 22 và số 67.

Cao Thương Thành chỉ huy quân đoàn số 22. Sư đoàn bộ binh số 86 (có 8.098 nhân viên quân sự), sư đoàn kỵ binh số 6 (3.509 tay kiếm), 2 trung đoàn cảnh vệ và 2 trung đoàn lâm thời thuộc quyền chỉ huy của y.

Hà Vân Kim chỉ huy quân đoàn 67. Ban tham mưu quân đoàn đóng ở Đảo Ly Môn (cách Ngư Lâm 150 cây số về phía tây bắc). Quân đoàn gồm có các sư đoàn bộ binh số 26 (4.921 nhân viên quân sự), sư đoàn kỵ binh số 7 (3.394 tay kiếm), quân đoàn được thành lập tháng 8 năm 1943 sau cuộc nổi loạn Mông Cổ tại Nhất – thắng – triều – môn. Quân đoàn hoàn toàn thuộc Tưởng Giới Thạch. Nhiệm vụ của quân đoàn là giữ các đơn vị quân phiệt trong tình trạng chịu phục tùng và theo dõi nhân đân Mông Cổ.

Về hình thức, phục tùng Chính phủ trung ương. Các đơn vị quân phiệt trên thực tế là những tổ chức trộm cướp vũ trang. Tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị này rất thấp. Vũ khí cũ; trong quân đội dùng nhục hình. Nhân dân phải đóng thuế cắt cổ. Tuy địa phương giàu về lông thú, da, len, nhưng lại nghèo ghê gớm và có nạn cướp bóc công khai.

Tên cầm đầu nhóm Ngư Lâm là tên quân phiệt Đặng Bảo Sơn, quê ở Cam Túc. Đặng Bảo Sơn là mọt tên nghiện thuốc phiện, rất hiếu danh, địa vị, mơ ước có quyền lực và không thích Tưởng Giới Thạch. Tuy về danh nghĩa, nhưng dù sao vẫn phải phục tùng Tưởng, sự tham gia của hắn vào cuộc kháng chiến thống nhất chống Nhật được giới hạn trong sự phục tùng ấy. Hắn vừa là chúa trời vừa là vua trong khu vực của hắn. Mặc dù quá khứ là một tên thổ phỉ, nhưng hiện nay ở đây, ở Tây Bắc Trung Quốc, hắn cũng tương đối được lòng quần chúng, thậm chí còn nổi danh là một nhà hoạt động tiến bộ cơ đấy!

Mao lợi dụng những chỗ yếu của hắn. Đặng Bảo Sơn giúp Mao những công việc khác nhau để đối lấy quyền được tự do quản lý xứ sở của mình. Tưởng Giới Thạch hiểu rõ những mối liên lạc của hắn với Đặc khu nhưng buộc phải coi trọng hắn (để đền ơn lại Đặng Bảo Sơn thu thuế thường xuyên của cộng sản ba triệu đồng đô la địa phương cộng với thuốc phiện đã chế biến). Đối với quân Nhật, Đặng tỏ ra thờ ơ, không có liên lạc với chúng, vì vậy, Đặng nổi tiếng là “một nhà hoạt động tiến bộ” (song, cũng khó mà nói được một cách dứt khoát có phải vì thế hay là vì những công việc được Mao Trạch Đông trả ơn).

Các đơn vị của Đặng Bảo Sơn chỉ là hút thuốc phiện, cờ bạc, mối lái, buôn bán và cướp bóc.

Cao Thương Thành xuất thân là thợ cạo và là một tên cờ gian bạc lận tại các sòng bạc, rồi là thổ phỉ và lính đánh thuê, hiện nay chỉ huy quân đoàn. Điều quan tâm duy nhất của y là làm giàu và bắt quân lính phải phục tùng. Toàn bộ quân đoàn làm việc vất vả, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: cướp bóc những người nông dân Mông Cổ, đầu cơ, trộm cắp. Vợ của Cao Thương Thành là một người đàn bà nghiệt ngã. Mụ mê tiền, thuốc phiện và chỉ huy “những vụ ăn cướp có tổ chức của quân đoàn”. Tưởng Giới Thạch thật khó mà chiến đấu chống quân Nhật với những thành phần cán bộ như thế (di sản của Trung Quốc phong kiến cổ đại).

Người nối dõi Cao Thương Thành là một đại tá “áo xanh” ủng hộ Tưởng Giới Thạch, cố gạt bố ra để nắm quyền trong quân đội.

Cao Thương Thành sợ Tưởng Giới Thạch. Y có oán thù với cộng sản, nhưng những năm gần đây, y tránh xung đột.

Hà Vân Kim là tai mắt của Tưởng Giới Thạch ở địa phương này, là chỗ dựa duy nhất, ít nhiều tin cậy được của Tưởng. Hà tốt nghiệp học viện Hoàng phố, đảng viên Quốc dân đảng “áo xanh”. Song, “chỗ dựa tin cậy” ấy, vì tiền, có thể thỏa thuận với tất cả mọi cái gì có lợi…

Trong những điều kiện đó, người ta thấy rõ là tại sao 309 sư đoàn Trung Quốc đã bị 20 sư đoàn Nhật đánh bại. Tình trạng suy đồi, ích kỷ, hiềm khích, ham danh lợi, địa vị và phản bội đã làm cho đất nước sa sút.

(Còn tiếp

RELATED ARTICLES

Tin mới