Saturday, April 27, 2024
Trang chủĐiểm tinNhìn lại vấn đề Biển Đông trong quan hệ ASEAN - Trung...

Nhìn lại vấn đề Biển Đông trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc năm 2015

Sau sự kiện HD981 giữa năm 2014, Trung Quốc chịu nhiều búa rìu chỉ trích của cộng đồng quốc tế về hành động đơn phương, quyết đoán và ngang ngược của nước này ở Biển Đông. 

 Sau đó, Trung Quốc đưa ra hàng loạt sáng kiến để xoa dịu các nước Đông Nam Á. Trung Quốc hy vọng rằng các sáng kiến này không những giành được thiện chí ở các nước láng giềng Đông Nam Á mà còn đạt được kết quả có lợi trong tranh chấp Biển Đông.(1)

Xoa dịu ASEAN

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất 2015 là năm hợp tác biển ASEAN – Trung Quốc và tuyên bố cung cấp khoản viện trợ 20 tỷ USD dành cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á.(2)  Trung Quốc đồng thời loan báo về Quỹ con đường tơ lụa 40 tỷ USD để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.(3) Trong khi đó, với việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Trung Quốc hy vọng tạo đòn bẩy để mở rộng ảnh hưởng ra khu vực.(4)

Đánh lạc lướng

Trong khi đưa ra các sáng kiến liên kết kinh tế béo bở, Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên 7 thực thể mà nước này đang chiếm đóng ở Trường Sa, bao gồm Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, Vành Khăn và Tư Nghĩa. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 12/2013 – 8/2015, Trung Quốc đã mở rộng 2.900 mẫu đất đai ở 7 thực thể này, tương đương với kích cỡ của hơn 2.000 sân vận động.(5)

Ở Vành Khăn, Trung Quốc cải tạo được 5.580.000 m2 đất, xây dựng mới tường bao và đường băng, trong khi trước đó đã có hai cơ sở quân sự và một chỗ trú cho ngư dân. Trên Xu Bi, Trung Quốc bồi lấp 3.950.000 m2 đất, xây mới tường bao và đường bay (trước đó đã có sân đỗ trực thăng, cơ sở quân sự, và cơ sở dành cho ra – đa). Trung Quốc bồi đắp 2.740.000 m2 đất ở Chữ Thập, xây mới sân bay, cơ sở hành chính, cảng, sân đỗ trực thăng thứ hai và tháp ra – đa (trước đó có trạm quan sát biển, thiết bị thông tin, sân đỗ trực thăng, súng phòng không, và đồn bốt cho gần 200 binh lính). Tại Châu Viên, Trung Quốc cải tạo 231.100 m2 đất, xây mới sân đỗ trực thăng, mạng cảm biến và các tòa nhà hỗ trợ (trước đó có cơ sở quân sự và ăng ten thông tin vệ tinh). Ở Gaven, Trung Quốc cải tạo 136.000 m2 đất, xây mới cơ sở quân sự thứ hai, cảng và sân đỗ trực thăng (trước đó có một cơ sở quân sự). Ở Gạc Ma, Trung Quốc cơi nới 109.000 m2, xây mới cơ sở quân sự thứ hai, cảng, kho dầu, bơm khử muối, tháp ra – đa và các tháp phòng thủ (trước đó có một cơ sở quân sự, cầu tàu, sân đỗ trực thăng, cơ sở thông tin liên lạc và khu đồn trú). Còn ở Tư Nghĩa, diện tích đất cải tạo là 76.000 m2, các cơ sở xây mới bao gồm cảng biển, cơ sở quân sự và các tháp phòng thủ (trước đó có hải đăng và sân đỗ trực thăng). (6)

Mặc dù Trung Quốc cáo buộc các nước khác trong khu vực cũng triển khai các hoạt động cải tạo và xây dựng trên các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông nhưng mức độ và quy mô cải tạo đảo của Trung Quốc vượt xa rất nhiều so với các nước này. Ví dụ, quân đội Philippines cũng chỉ phát triển kế hoạch nâng cấp các sơ sở trên 9 đảo mà nước này đang kiểm soát ở Trường Sa nhưng chưa triển khai.

Tạo sự đã rồi

Theo giới quan sát quốc tế, Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động cải tạo đảo nhằm các mục tiêu đan xen nhau. Thứ nhất, Trung Quốc không nói là các thực thể nhân tạo này có quy chế đảo một cách đầy đủ theo UNCLOS, nhưng với tốc độ nhanh như vậy nhằm làm khó cho Tòa Trọng tài trong việc ra phán quyết về quy chế trước đó của các thực thể trong vụ kiện của Philippines.(7)

Thứ hai, Trung Quốc muốn đặt các nước khác vào sự đã rồi. Bất chấp sự phản đối của các nước, khi hoạt động cải tạo đảo hoàn tất Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng kiểm soát các thực thể này và tăng cường hiện diện hải quân và chấp pháp ở Biển Đông. Khả năng tiến hành tuần tra chiến đấu Trường Sa của các lực lượng không quân của Trung Quốc cũng được cải thiện với đường băng mới hoàn thành ở Chữ Thập có độ dài 3.125 mét, có thể cho phép các máy bay chiến đấu cất hạ cánh. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang xây dựng đường băng ở Xu Bi và Vành Khăn. Trung Quốc cũng đang xây dựng cảng biển ở Chữ Thập, có khả năng cho các tàu hải quân và chấp pháp lớn neo đậu và tiếp tế. Ngoài ra, các đảo mới nâng cấp còn có thể cho phép hải quân và chấp pháp của Trung Quốc tăng cường năng lực tình báo, do thám và trinh sát cách xa bờ biển của nước này.(8)

Tờ New York Times ngày 29/5/2015 đưa tin cho biết Trung Quốc đã đưa hai trọng pháo tới một trong các đảo nhân tạo của Trung Quốc và việc này được thực hiện trước đó cả tháng nhưng Trung Quốc đã giấu. Tháng 7/2015, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris cho biết Trung Quốc cũng đang xây dựng nhà vòm cho máy bay chiến đấu chiến lược.(9)

Thứ ba, Trung Quốc cũng có thể sử dụng các cơ sở đang xây dựng trên các thực thể ở Trường Sa để thiết lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri – La tháng 5/2015, Tư lệnh hải quân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianquo) nói sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông nếu đối mặt với mối đe dọa về an ninh.(10)  Quan chức phụ trách vấn đề đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh (Ouyang Yujing) từng cho rằng khi nào Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông phụ thuộc vào việc mức độ an ninh hàng không bị đe dọa cũng như các yếu tố khác.(11) Hay nói cách khác, Trung Quốc luôn để ngỏ việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, gây lo ngại cho khu vực.

Thứ tư, khi mục đích quân sự bị chỉ trích, Trung Quốc điều chỉnh và tuyên bố các hoạt động cải tạo và xây dựng phục vụ các dịch vụ công quốc tế như cung cấp các dịch vụ cho tàu bè của Trung Quốc và nước ngoài quá cảnh ở Biển Đông; thúc đẩy nghiên cứu đại dương và khí tượng; tìm kiếm cứu nạn, cung cấp dịch vụ nghề cá. Bộ giao thông Trung Quốc cũng nói rằng việc xây dựng các ngọn hải đăng ở Châu Viên và Gạc Ma sẽ cải thiện an toàn hàng hải ở Biển Đông, v.v.(12)

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách hợp pháp hóa các cơ sở dân sự trên các thực thể bằng việc cho rằng dự án được các tổ chức quốc tế thông qua. Ví dụ, tại Đối thoại Shangri – La ngày 30/5/2015, Tôn Kiến Quốc nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một trạm khảo sát đại dương cho Liên hợp quốc ở Chữ Thập. Nhưng, cái mà ông Tôn Kiến Quốc đề cập đến là trạm quan sát khởi công từ năm 1988 theo yêu cầu của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) gửi các nước thành viên về việc xây dựng các trạm quan sát dành cho việc nghiên cứu đại dương trên thế giới.

Phân hóa, chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Mặc dù tích cực tham gia các cơ chế đa phương ở Đông Nam Á, song Trung Quốc vẫn giữ lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường song phương. Trung Quốc cho rằng nước này sẽ rơi vào tình thế bất lợi nếu đàm phán đa phương bởi vì nếu đàm phán song phương thì Trung Quốc có thể dựa vào sức mạnh kinh tế chính trị và quân sự vượt trội để ảnh hưởng lên kết quả đàm phán. Vì thế, Trung Quốc từ chối đàm phản giải quyết tranh chấp thông qua ASEAN. Trước cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN tháng 08/2015, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đề xuất các nước ASEAN không thảo luận vấn đề Biển Đông trong cuộc họp.(13)

Ngoài ra, Trung Quốc còn lợi dụng sự khác biệt về lợi ích quốc gia của các nước Đông Nam Á ở Biển Đông và quan hệ gần gũi với Trung Quốc để phân hóa, chia rẽ và ngăn cản họ tạo ra mặt trận đoàn kết phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc luôn nhắm vào vai trò chủ tịch ASEAN. Ngày 27/4/2015, Chủ tịch ASEAN là Malaysia đã ra được Tuyên bố Chủ tịch nêu rằng các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc “làm xói mòn lòng tin và phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.(14) Sau đó ngày 04/8/2015, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố chung với ngôn từ tương tự.(15)

Tưởng chừng đây là tín hiệu tích cực khi so sánh với năm 2012 Campuchia làm Chủ tịch không ra được tuyên bố chung do khác biệt trong vấn đề Biển Đông. Mặc dù ASEAN ra được tuyên bố chung, bao gồm chỉ trích việc cải tạo đảo của Trung Quốc nhưng lời chỉ trích tương đối nhẹ. Tuyên bố Chủ tịch ASEAN nêu là “chúng tôi chia sẻ lo ngại nghiêm trọng mà một số lãnh đạo nêu về việc cải tạo đảo…”., trong khi Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao thì nêu rằng “chúng tôi lưu ý những quan ngại nghiêm trọng mà một số Bộ trưởng nêuvề việc cải tạo đảo ở Biển Đông đã làm xói mòn lòng tin …”

Trong khi đó, vấn đề đáng quan tâm trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN liên quan đến Biển Đông trong năm 2015 là việc thực hiện DOC và đàm phán tiến tới ký kết COC thì không đạt được bước tiến khả quan. Tháng 7 diễn ra hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 9 về thực hiện DOC tại Thiên Tân (Trung Quốc) và Hội nghị nhóm công tác chung lần thứ 14 về thực hiện DOC tại Kuala Lumpur (Malaysia). Tháng 10, hai bên tổ chức cuộc họp quan chức cao cấp lần thứ 10 và Nhóm làm việc chung lần thứ 15 về thực thi DOC tại Thành Đô (Trung Quốc). Đánh giá chung của giới quan sát là không đạt được tiến bộ thực chất và không tương xứng với khẩu hiệu năm hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN. Tại Hội nghị quan chức cấp cao quốc phòng ASEAN mở rộng tháng 02/2015, đoàn Trung Quốc còn từ chối đề xuất của ASEAN về việc thảo luận DOC và COC tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) vào tháng 11/2015.(16)

Lấn lướt trên thực địa

Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động phô diễn sức mạnh, cưỡng ép các nước yêu sách nhỏ hơn. Tháng 7/2015, hải quân Trung Quốc tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông với sự tham gia của hơn 100 tàu, vài chục máy bay và các đơn vị thuộc quân đoàn tên lửa (Second Artillery Corps), diễn ra ở khu vực gần Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc diễn tập với quy mô lớn như vậy là nhằm răn đe các nước láng giềng xung quanh.(17)

Bên cạnh đó, Trung Quốc biên chế thêm khoảng 10 tàu tuần tra chiến đấu và 30 tàu tuần tra cỡ lớn trong năm 2015.(18) Tháng 7/2015, Nhân dân nhật báo (People’s Daily) của Trung Quốc đưa tin cho biết Trung Quốc đang đóng mới tàu hải cảnh thế hệ mới 12.000 tấn có đủ sức mạnh đâm va tàu hơn 20.000 tấn, và không hề hấn gì nếu đối đầu với tàu nặng dưới 9.000 tấn. Tàu này còn có thể phá hủy và đánh chìm tàu 5.000 tấn,(19) trong khi hầu hết tàu chấp pháp của Việt Nam và Philippines là loại 500 – 1.000 tấn.(20)

Trên thực địa thì tàu Trung Quốc thường xuyên sách nhiễu ngư dân Việt Nam và Philippines đánh bắt ở các vùng biển nhạy cảm. Ngư dân Philippines hiện tại không thể đánh cá xung quanh Scarborough bởi vì tàu của Trung Quốc quấy nhiễu và phong tỏa đường vào.(21) Tháng 06/2015, tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu đánh cá của Việt Nam làm hư hại thiết bị liên lạc và ngư cụ, làm ngư dân bị gãy chân, v.v.(22)

Hợp tác hay lấn lướt?

Những diễn biến kể trên cho thấy trong năm 2015, khía cạnh hợp tác biển giữa ASEAN và Trung Quốc khá mờ nhạt. Trung Quốc đề xuất “năm hợp tác biển” chỉ là khẩu hiệu mà không có nội hàm thực chất. Các sáng kiến liên kết kinh tế chỉ là mồi nhử để xoa dịu, đánh lạc hướng nhằm mở rộng kiểm soát ở Biển Đông.

[1] Shanthi Kalathil, “Influence for Sale? China Trade, Investment and Assistance Policies in Southeast Asia,” Center for a New American Security, September 2012.

[2] Shannon Tiezzi, “China Offers $20 Billion in Loans to ASEAN,” The Diplomat, November 15, 2014.

[3] Reuters,”China to Establish $40 Billion Silk Road Infrastructure Fund,” November 8, 2014.

[4] Sabrina Snell, “U.S. Allies Split with Washington, Bank with China,” U.S.-China Economic and Security Review Commission, March 31, 2015.

[5] U.S. Department of Defense, Asia-Pacific Maritime Security Strategy, August 2015.

[6] Victor Robert Lee, “South China Sea: Satellite Imagery Shows China’s Build-up on Fiery Cross Reef,” The Diplomat, September 16, 2015.

[7] Mira Rapp Hooper, Testimony on “China’s Relations with Southeast Asia” before the U.S.-China Economic and Security Review Commission, May 13, 2015.

[8] Ethan Meick, “China’s First Airstrip in the Spratly Islands Likely at Fiery Cross Reef,” U.S.-China Economic and Security Review Commission, December 18, 2014.

[9] Defense One, “China’s New Islands Are Clearly Military, U.S. Pacific Chief Says,” July 24, 2015.

[10] Sun Jianguo, “Strengthening Regional Order in the Asia-Pacific: Q&A” (2015 Shangri-La Dialogue, Singapore, May 30, 2015).

[11] China Daily, “An Interview on China’s Construction Activities on the Nansha Islands and Reefs,” May 27, 2015.

[12] Xinhua, “China to Construct Two Large Lighthouses in the South China Sea,” May 26, 2015.

[13] New York Times, “China Wants No Talk at Upcoming ASEAN Meeting,” August 3, 2015.

[14] Chairman’s Statement of the 26th ASEAN Summit, April 27, 2015.

[15] Joint Communique 48th ASEAN Foreign Ministers Meeting, August 4, 2015.

[16] IHS Jane’s Defense Weekly, “South China Sea Issues Blunt Progress at ADSOM Plus,” February 16, 2015.

[17] Ankit Panda, “Vietnam Slams Chinese Naval Drill in South China Sea,” The Diplomat, July 27, 2015.

[18] U.S. Office of Naval Intelligence, The PLA Navy New Capabilities and Missions for the 21st Century, April 2015.

[19] People’s Daily Online, “China’s New Generation of Coast Guard Ship Is Powerful,” July 29, 2015.

[20] U.S. Office of Naval Intelligence, The PLA Navy New Capabilities and Missions for the 21st Century, April 2015.

[21] Will Englund, “For Some Filipino Fishermen, the South China Sea Dispute Is Personal,” Washington Post, June 7, 2015.

[22] Thanh Nien News, “Vietnamese Fishermen Say Robbed, Injured by Chinese off Paracels,” June 14, 2015.

RELATED ARTICLES

Tin mới