Thursday, May 9, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông tuần thứ 3

Bản tin Biển Đông tuần thứ 3

Trong tuần qua, 2 sự kiện thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế là việc máy bay của Philippines bị Hải quân Trung Quốc cảnh báo tại vùng biển tranh chấp và Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại Biển Đông.

 

Ngày 19/1, các báo Rappler, Interaksyon, Reuters… đưa tin Philippines công khai kế hoạch triển khai hệ thống theo dõi các chuyến bay dân sự qua vùng biển tranh chấp nhằm đáp lại việc Trung Quốc tiến hành hạ cánh tại sân bay xây dựng trái phép trên đảo nhân tạo ở Biển Đông tháng 01/2016. Theo đó, Cơ quan Hàng không Dân sự Philippines (CAAP) sẽ đưa vào sử dụng thiết bị giám sát-báo cáo bay tự động (ADS-B) trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines đang chiếm đóng. Hệ thống này sẽ giúp Chính phủ Philippines mở rộng khả năng kiểm soát các chuyến bay thương mại của hệ thống radar của Philippines từ 30% lên 80%.

Để triển khai kế hoạch này, Philippines đã đưa máy bay khảo sát kỹ thuật phục vụ công tác lắp đặt hệ thống ADS-B trên đảo Thị Tứ. Tuy nhiên, ngay khi Philippines bắt tay triển khai việc này, Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản. Tờ New York Times ngày 18/1, Philippine Star ngày 19/1 đăng bài “Máy bay Philippines bị Hải quân Trung Quốc cảnh báo ở vùng biển tranh chấp” cho biết ngày 7/1, máy bay khảo sát của CAAP khi đang trên đường bay đến đảo Thị Tứ đã nhận được 2 cảnh báo đe dọa từ sóng radio của Hải quân Trung Quốc khi bay gần đến khu vực đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Tuy nhiên, các phi công của Philippines đã phớt lờ những cảnh báo này, tiếp tục đường bay và hạ cánh trên đảo Thị Tứ vì cho rằng máy bay dân sự của họ đang hoạt động trong phần lãnh thổ của Philippines.

Trước sự việc này, khi được phóng viên hỏi tại cuộc họp báo ngày 19/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại đổ lỗi ngược lại cho Manila khi cho rằng Philippines đã thổi phồng căng thẳng và không quên nhắc lại luận điệu Philippines đã chiếm đóng bất hợp pháp đảo Thị Tứ của Trung Quốc từ những năm 1970 để biện minh cho việc Hải quân Trung Quốc đưa ra cảnh báo trên.

Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Philippines Asif Ahmad khẳng định Chính phủ Anh sẽ phản đối bất kỳ động thái nào hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển tranh chấp và nếu sự việc tương tự xảy ra đối với một máy bay dân sự hay quân sự của Anh khi bay qua một vùng trời được coi là khu vực quốc tế, Anh sẽ bỏ qua yêu cầu cấm bay đó.

Không chỉ gây căng thẳng với Philippines, vừa qua, Trung Quốc lại tiếp tục gây hấn với Việt Nam bằng cách đưa giàn khoan Hải dương 981 trở lại hoạt động ở Biển Đông. Các tờ báo lớn trên thế giới như Wall Street Journal (ngày 19/1), New York Times (ngày 20/1) đều đưa tin về việc Việt Nam phản đối hoạt động này của Trung Quốc. Các báo đều trích dẫn phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 “nằm hoàn toàn trong vùng chồng lấn giữa thềm lục địa của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc”, “Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan”, “yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này”. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Bắc Kinh chưa có phản hồi về vấn đề này.

Bài báo nói trên của tờ New York Times cũng trích đăng phát biểu của một số học giả đánh giá về hành động này của Trung Quốc. Johnathan London – chuyên gia tại Khoa nghiên cứu Châu Á và Quốc tế của Đại học thành phố Hồng Kông cho rằng “dường như Bắc Kinh không để tâm đến thực tiễn quốc tế cũng như các tuyên bố và tính nhạy cảm của Việt Nam” khi tiến hành hành động gây rối trên vào thời điểm này.

Trong những tuần qua, các giới chính khách, học giả và truyền thông tiếp tục có các phát biểu cũng như bài viết lên án các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 18/1, trên tờ Philippine Star đăng bài viết “Các đường băng mới của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trên biển”. Bài viết khẳng định đường băng Trung Quốc xây dựng trên Vành Khăn đã vi phạm không chỉ luật pháp quốc tế mà còn vi phạm Tuyên bố DOC mà Trung Quốc cũng là một bên ký kết, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trợ lý Văn phòng Truyền thông của Tổng thống Philippines Herminio Coloma Jr. nhấn mạnh Philippines khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo tin từ Reuters, Kyodo đăng trên báo Japan Times ngày 19/1, trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, trước khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã cảnh báo Bắc Kinh không nên theo đuổi các tuyên bố chủ quyền theo cách có thể dẫn đến xung đột với Mỹ. Ông Turnbull đề cập đến khái niệm “bẫy Thucydides”, khái niệm mà Tập Cận Bình từng đề cập nói về nguy cơ đối địch giữa cường quốc cũ và cường quốc đang lên có thể leo thang thành chiến tranh, để kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng. Australia hy vọng Trung Quốc tính toán kỹ các hành động của mình để giảm bớt nguy cơ xung đột.

Theo tờ Financial Review, cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Turnbull đã có cuộc gặp với Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris tại Hawaii để bàn về những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông. Hai bên đã trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác nhằm duy trì trật tự dựa trên quy tắc mà có thể lợi ích của tất cả các quốc gia có thể được đảm bảo một cách hòa bình theo luật quốc tế. Tờ báo này cũng cho biết chính quyền Thủ tướng Turnbull sẽ tiếp tục lên tiếng công khai chống lại các nỗ lực cải tạo đảo một cách gây hấn của Trung Quốc, sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trong việc thực thi tự do hàng hải.

Trước đó, ngày 07/1, trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Murray Hiebert đăng bài viết “Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands – Cơ hội thắt chặt quan hệ Hoa Kỳ-Đông Nam Á”. Trong bài viết, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á này cho biết ngày 15-16/2, Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo từ 10 quốc gia ASEAN tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Sunnylands ở miền nam California. Đây là cử chỉ nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Hoa Kỳ với khu vực năng động này, và là tiêu điểm của Hoa Kỳ trong kế hoạch xoay trục sang châu Á. Hội nghị tại Sunnylands có thể sẽ bàn tới vấn đề an ninh hàng hải, trong đó đề cập đến những hoạt động cải tạo đảo đá của Trung Quốc, cùng những lo ngại về khả năng quân sự hoá các cấu trúc này. Ông Hiebert dự đoán Tổng thống Obama sẽ sử dụng Hội nghị này để thảo luận về sự cần thiết của một mặt trận thống nhất trong ASEAN sau khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines, đồng thời chia sẻ một cách rõ ràng hơn về sáng kiến an ninh hàng hải do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nêu tại Đối thoại Shangri-La 2015, và có thể cố gắng thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo chính thức trong khu vực Đông Nam Á nhằm nâng cao hơn nữa khả năng giám sát biển và hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực.

Trên The Strategist ngày 14/1 đăng bài “Suy nghĩ về Biển Đông” của Ron Huisken, trong đó cho rằng các đảo nhân tạo mới xây dựng ở Biển Đông rõ ràng thể hiện yêu sách của Trung Quốc đối với các đặc quyền trong khu vực. Theo tác giả, Trung Quốc đã đẩy mạnh các chiến dịch để các yêu sách của mình được chấp nhận, bằng cách xen kẽ các thủ đoạn từ dụ dỗ, ép buộc đến phát tín hiệu rằng một khi Trung Quốc đã trở nên giàu có hơn thì khả năng gây áp lực của Trung Quốc vì các mục đích là không có giới hạn. Tuy nhiên, vấn đề này đang làm hỏng viễn cảnh chính trị và an ninh của khu vực. Tác giả Ron Huisken nhấn mạnh điều cấp bách là các nhà lãnh đạo của khu vực cần xác định đường hướng cho một giải pháp và điều chỉnh chính trị phù hợp để đối phó với các tham vọng này của Trung Quốc.

Ngày 20/1, tờ Washington Post đưa tin cho biết CSIS đã công bố một bản báo cáo, cảnh báo đến năm 2030, Biển Đông sẽ trở thành “cái hồ của Trung Quốc về mặt nhận thức”. Trước nguy cơ cán cân quyền lực ở khu vực đang dần chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc, bản báo cáo của CSIS đề xuất giới hành pháp Mỹ nên phát triển một chiến lược rõ ràng, hợp lý, và đưa chiến lược này ra thảo luận với Quốc hội cũng như với các đồng minh và bạn bè Mỹ trên toàn thế giới; đồng thời giúp các đồng minh và bạn bè này tăng cường năng lực để đối phó với các thách thức đang gia tăng.

Ở một khía cạnh khác, theo tin từ báo Khmer Times của Campuchia trích đăng lại tin của Reuters ngày 16/1 về hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, Trung Quốc sẽ mời nhà đầu tư tư nhân xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đảo trong vùng tranh chấp tại Biển Đông mà Trung Quốc đang quản lý. Động thái này đã làm cho các bên tranh chấp giận dữ.

Trước sự phản ứng của cộng đồng quốc tế, một mặt, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa, trong bài phát biểu tại Tokyo ngày 19/1 vẫn tiếp tục giọng điệu cũ của chính quyền Bắc Kinh, cho rằng các đảo nhân tạo trên Biển Đông sử dụng cho mục đích dân sự, và khẳng định sẽ tiếp tục các cơ sở khác trên các đảo nhân tạo như “hải đăng, cơ sở cứu nạn trên biển, quan trắc khí tượng, nghiên cứu hải dương, cơ sở y tế…” Mặt khác, bài viết đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/1 tiêu đề “Quân đội Mỹ tiến vào đồn trú ở căn cứ tại Philippines uy hiếp lớn như thế nào?” dường như cho thấy nỗi lo sợ và bất an của Trung Quốc khi Mỹ được phép tăng cường và mở rộng sự hiện diện quân sự tại Philippines. Bài báo viết “điều này có nghĩa Mỹ có thể bố trí tàu chiến, máy bay và binh lính theo phương thức đồn trú luân phiên ở Philippines, phạm vi bố trí có thể mở rộng đến mọi nơi mà Chính phủ Philippines cho phép. Quân đội Philippines đã lựa chọn vài vị trí hướng ra “Nam Hải” (Biển Đông)… Rốt cuộc quân đội Mỹ tương lai có thể đồn trú ở những căn cứ nào? điều này có thể gây ra ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình “Nam Hải”. Bài báo đưa ra nhận định của chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, căn cứ Subic và căn cứ không quân Clark nếu được Mỹ sử dụng sẽ tạo ra nhân tố bất lợi tương đối lớn đối với Trung Quốc. Ông này cũng nhấn mạnh “hai căn cứ này phối hợp từ xa, lực lượng trên không và trên biển phối hợp chi viện cho nhau ảnh hưởng rất lớn tới Trung Quốc”.

Trong một diễn biến khác, ngày 19/1, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc biểu tình hiếm thấy nhân 42 năm ngày Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới