Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTân Hoa xã phủ nhận Trung-Nga nhạt tình

Tân Hoa xã phủ nhận Trung-Nga nhạt tình

Bất chấp kim ngạch thương mại Trung-Nga giảm sút, Tân Hoa xã khẳng định giữa hai nước có đủ khả năng vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt.

Hãng thông tấn Tân Hoa (THX) của Trung Quốc đã đăng bài viết về quan hệ và triển vọng hợp tác Nga-Trung Quốc.

THX nhấn mạnh Trung Quốc và Nga đang hướng tới phát triển mối quan hệ bình đẳng, vì lợi ích chung, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược. Quan hệ giữa hai nước có đủ khả năng vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt.

THX dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về quan hệ Trung-Nga tại cuộc họp báo tổng kết năm 2015 rằng “mối quan hệ của chúng tôi đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử phát triển quan hệ giữa hai quốc gia và dân tộc”.

Những cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin được thực hiện khá thường xuyên. Riêng trong năm 2015, các nhà lãnh đạo này đã gặp gỡ 5 lần, trao đổi về kế hoạch chiến lược phát triển quan hệ giữa hai nước và các dự án hợp tác quan trọng.

Trong năm qua, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga có sự giảm sút. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2015 giảm 27,8% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, THX cho rằng điều này là do nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn chuyển đổi, mật độ các hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục giảm đi trong khi nền kinh tế Nga đồng thời phải đối phó với áp lực trừng phạt lớn từ phía phương Tây và giá dầu giảm, còn nền kinh tế Trung Quốc bước vào “giai đoạn hiện thực mới,” đứng trước những nguy cơ làm chậm tăng trưởng.

Trong những điều kiện khó khăn, quan hệ thương mại – kinh tế Trung-Nga vẫn ghi nhận được một số thành công đáng chú ý: tăng trưởng nhập khẩu nguyên nhiên liệu Nga vào Trung Quốc (bao gồm cả dầu thô và quặng sắt) đạt mức hai chữ số trong khi tỷ lệ của Trung Quốc trong cơ cấu ngoại thương Nga tăng từ 11,3% năm 2014 lên 12% năm 2015.

THX cho rằng sự khôn ngoan và tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo, sự đoàn kết thân thiện và hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước Trung-Nga chắc chắn sẽ làm cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng mạnh, đứng vững trước mọi thử thách.

Bài viết của hãng thông tấn Trung Quốc có lẽ muốn xóa tan những đồn đoán trước đây về sự nhạt tình của Nga-Trung do những thách thức lớn mà hai nền kinh tế này đang phải đối mặt. Hồi tháng 9/2015, tờ New York Times của Mỹ nhận định, những biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc, cộng với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm khiến Bắc Kinh không thể đem đến những hậu thuẫn mà Nga tìm kiếm, trong bối cảnh Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận kinh tế. Giá dầu thế giới lao dốc cũng là một yếu tố bất lợi khác.

“Kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể là phao cứu sinh để Nga bám lấy trong giai đoạn bị cấm vận và giá dầu giảm đang không trở thành hiện thực”, Alexander Gabuev, một nhà phân tích quan hệ Nga – Trung tại Trung tâm Carnegie Moscow nói. “Đó là mối quan hệ mang tính biểu tượng, với nền móng kinh tế nhỏ và dễ lung lay”. Theo ông Gabuev, giới tinh hoa Nga đang thấy thất vọng khi không có gì trở thành hiện thực nhanh như kỳ vọng.

Hai nhà lãnh đạo đều nói rằng quan hệ song phương Nga – Trung đã ở tầm đối tác chiến lược. Tuy vậy, hai nước có khác biệt về lợi ích chiến lược mỗi bên quan tâm. Trung Quốc thận trọng trước động thái của Nga tại Crimea và đặc biệt là Ukraine, nơi Bắc Kinh có những khoản đầu tư thương mại và quân sự. Trung Quốc cũng lo ngại việc Crimea tách khỏi Ukraine có thể tạo tiền lệ cho các vùng lãnh thổ ở Trung Quốc.

Tại Trung Á, Moscow và Bắc Kinh luôn cạnh tranh với nhau thay vì hợp tác hữu nghị, đặc biệt là khi Trung Quốc mua năng lượng từ các nước từng nằm trong trường ảnh hưởng của Nga. Đây là mặt hàng mà nếu muốn, Trung Quốc có thể mua từ Nga.

Chính quyền Obama dường như khá thờ ơ trước tình bạn Nga-Trung, cho rằng Nga sẽ không tránh khỏi là gánh nặng cho Trung Quốc, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Douglas H. Paal, tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cho rằng “Washington dường như nghĩ rằng Moscow là gánh nặng hơn là mối lợi cho Bắc Kinh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới