Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới‘Điều hành Ngân sách trên dây’: Việt Nam cần nghệ sĩ giỏi

‘Điều hành Ngân sách trên dây’: Việt Nam cần nghệ sĩ giỏi

”Anh hoàn toàn có thể đi trên dây nếu anh chắc chắn mình là một người nghệ sĩ giỏi”.

Thông cảm

PGS.TS Lê Cao Đoàn – Viện kinh tế Việt Nam nhận định, chính sách tài chính là một chính sách lớn, là yếu tố cốt lõi trong điều hành kinh tế. Ông cho biết, một nền kinh tế thị trường vận động theo nguyên lý kinh tế học là một nền kinh tế mà của cải được biểu hiện bằng giá trị. Trong đó, hình thái của giá trị chính là tiền tệ.

Theo ông, tiền tệ có hai ý nghĩa hay nói cách khác nó có hai chức năng. Một là chức năng trao đổi, giao dịch; hai là biểu hiện cho sức khỏe của nền kinh tế (tức là các nguồn thu như vốn, hay thu nhập…).

Đối với một nền kinh tế hiện đại, tài chính là một yếu tố vô cùng hệ trọng. Tiền tệ có thể làm cho nền kinh tế phát triển lên nhưng ngược lại cũng có thể khiến cho nền kinh tế bị tụt hậu, khủng hoảng, gọi theo cách gọi thông thường là “khủng hoảng tài chính”. Hiện tượng này xảy ra khi các nguồn tài chính của một quốc gia không cân bằng nhau, gây lên những rối loạn cho công tác điều hành chung của cả nền kinh tế, chính trị và xã hội…

Vì thế, ông nói rằng, sức khỏe của nền kinh tế mạnh hay yếu phụ thuộc rất lớn vào các nguồn tài chính trong nước. Biểu hiện cụ thể thông qua cách thức được phân bổ, sử dụng và vận hành thế nào.

“Vận hành để làm tăng của cải cho quốc gia hay sẽ làm thâm thủng nguồn tài chính của ngân sách, đó là bài toán vận hành và là cái tài của người nắm quyền điều hành nó”, ông nói.

Cụ thể, người lãnh đạo phải có tầm nhìn, phải đánh giá được sức khỏe toàn diện của nền kinh tế để có chính sách phân bổ cho hợp lý, tránh tình trạng chỗ cần không bơm tiền, chỗ không cần lại đổ vào vừa gây lãng phí, vừa không hiệu quả, dẫn tới sự suy yếu trong nội lực nền kinh tế.

Trở lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài Đinh Tiến Dũng, vị chuyên gia băn khoăn: “Tôi không hiểu những hệ lụy đằng sau cách điều hành ngân sách kiểu đu dây đã được cân nhắc như thế nào?. Nhưng, phát biểu trên cho thấy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đang gặp phải những khó khăn trong điều hành ngân sách.

Chúng ta đang phải điều hành một nền kinh tế trong bối cảnh các nguồn tài chính bị mất cân bằng, chòng chành, nợ công, nợ nước ngoài cao, nền kinh tế gặp khó khăn… ”.

Bài học từ Mỹ

Theo quan sát thực tế, ông Đoàn cho hay, điều hành ngân sách trong bối cảnh bị mất cân bằng không chỉ có Việt Nam. Từ những năm 2008, thế giới đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ nước Mỹ. Vấn đề là họ đã xử lý cuộc khủng hoảng đó thế nào và bài học cho Việt Nam ra sao?

“Anh hoàn toàn có thể đi trên dây nếu anh chắc chắn mình là một người nghệ sĩ giỏi. Bởi anh phải biết rằng, khi đã đi trên dây nghĩa là anh phải chấp nhận đương đầu với một trò chơi mạo hiểm. Có thể giữ được thăng bằng nhưng cũng có thể sẽ có nguy cơ bị rơi tự do, rơi thẳng đứng hay nói cách khác là hạ cánh cứng.  Vì thế, nếu là một người điều hành chuyên nghiệp, thay vì chấp nhận mạo hiểm đi trên dây cần phải phân tích tài chính của Việt Nam đang gặp nguy hiểm ở đâu?” – ông Đoàn phân tích.

Ông cho biết, cách giải quyết của Mỹ là khôi phục nền sản xuất, đẩy mạnh kinh tế trong nước. Khi sản xuất phát triển rõ ràng những vấn đề như nợ công, nợ xấu không có gì đáng lo ngại. Vay về phát triển là việc nhiều nước vẫn làm.

Như vậy, vấn đề của Việt Nam là nền sản xuất trong nước có gì? Nó có hoạt động có hiệu quả không?

Theo vị chuyên gia, sản xuất của Việt Nam không hiệu quả, điều đó khiến cho việc trả nợ chính phủ khó khăn, nợ cũ chồng nợ mới. Hệ lụy rất lớn sẽ tác động trực tiếp có thể nhìn thấy ngay chính là sự mất cân bằng trong điều hành ngân sách. Nguồn thu ngân sách luôn thiếu, tiền làm ra không đủ để trả nợ do đó Chính phủ luôn phải lấy chỗ nọ, bù chỗ kia. .

Cái khó của Việt Nam

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với nền kinh tế Trung Quốc. Dù được định hướng phát triển kinh tế theo định hướng thị trường nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang nắm quyền chủ đạo. Vì thế, nhiều rắc rối trong điều hành tài chính không hoàn toàn do thị trường gây ra mà một phần do sự can thiệp của những chính sách điều hành của nhà nước, hoặc do cơ cấu kinh tế, chính sách điều hành tiền tệ… không phản ánh được nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Vì thế, theo ông, phải nắm cho chắc từng động thái của nguồn tài chính thông qua việc vận hành các nguồn lực tài chính, để tránh tình trạng đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Rất chia sẻ với cái khó của Bộ trưởng Dũng khi phải điều hành ngân sách  trong bối cảnh khó khăn, vị PGS cho hay dù đó chỉ là cách dùng hình ảnh để ví von nhưng ông tin, Bộ trưởng đã nói lên bản chất sức khỏe thật sự của nền kinh tế VN.

Ví von của Bộ trưởng đang cảnh báo, ngân sách VN còn phải đối diện với nhiều khó khăn lớn hơn trong tương lai mà một khi thiếu ngân sách sẽ không thể thực hiện các quyết sách lớn để phát triển kinh tế.

“Tài chính là con dao hai lưỡi, một mặt là động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, mặt khác lại là yếu tố gây ra những bất ổn ổn nếu con dao đó quay ngược lưỡi vào người cầm”, ông Đoàn nói.

Đối với VN, theo ông, cần phải có tính toán, đưa ra quyết sách toàn diện chứ không thể vội vàng xử lý tình thế theo kiểu tăng thu thuế hay đi vay nợ được.Bởi lẽ kinh tế khó khăn, sản xuất trì trệ tiếp tục tăng thu thuế không khác nào đang dồn ép doanh nghiệp, đẩy họ tới bờ vực phá sản. Khó khăn sẽ chồng thêm khó khăn. Trong khi đó, nếu vay nợ nhưng hiệu quả đầu tư kém, nợ xấu sẽ tăng cao.

Trong bối cảnh VN không có những nền móng vững chắc để giải quyết những khó khăn thường gặp với các nền kinh tế đang phát triển như trên, theo PGS Đoàn, Việt Nam phải thực hiện tái cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới tư duy, thay đổi cấu trúc hệ điều hành, đẩy mạnh sản xuất trong nước. Nếu không thực hiện được thì dù đưa ra giải pháp nào cũng chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt mà hệ lụy có thể rất nghiêm trọng trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới