Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTP.HCM trở lại số một: Vai trò của Bí thư Thăng

TP.HCM trở lại số một: Vai trò của Bí thư Thăng

Mục tiêu trở lại vị trí số 1 của TP.HCM có thể đạt được nếu lãnh đạo quyết tâm, có kịch bản rõ ràng, đóng góp của chuyên gia nhiều lĩnh vực.

Đó là nhận định của KTS Nguyễn Ngọc Dũng – Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP.HCM khi trao đổi về mục tiêu đưa TP.HCM giành lại vị trí số 1 cũng như xây dựng TP trở thành đặc khu kinh tế như Thượng Hải được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đưa ra tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa X.

Kịch bản

Quan tâm đến đề xuất thành lập đặc khu kinh tế TP.HCM, KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng, việc này lẽ ra phải làm từ lâu vì xét về nhân hòa, địa lợi và các yếu tố khác, TP.HCM khá tương đồng với Thượng Hải.

Tuy nhiên, để trở thành đặc khu kinh tế, TP.HCM phải có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, được chủ động về luật, điều hành và quản trị.  Liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bứt phá này của TP.HCM? Trả lời câu hỏi này, KTS Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh:

“Vấn đề cơ chế khá nhạy cảm, TP.HCM vẫn có thể trở thành một đặc khu mà không cần thay đổi cơ chế. Trước đây, TP.HCM từng đặt vấn đề thành lập chính quyền đô thị, nó liên quan đến vấn đề cơ chế, HĐND, UBND, các phường xã… Bây giờ khoan hãy đặt các vấn đề này ra bởi TP.HCM có thể tổ chức các đô thị vệ tinh trực thuộc. Nếu chúng ta tổ chức được và có những biện pháp của riêng TP không ảnh hưởng gì đến những luật lệ đã ban hành thì vẫn có thể làm được”.

Vấn đề lớn nhất của TP.HCM là cách tổ chức thực hiện, kèm theo đó là thay đổi quan niệm về quản lý, ông Dũng nói. Khi hai yếu  tố này trở nên rõ ràng, có kịch bản cụ thể thì TP.HCM sẽ tiến rất nhanh. Các chuyên gia khi lập ra kịch bản chuyển đổi TP.HCM thành đặc khu kinh tế cần viết nên kịch bản 5-10 năm và đi sâu chi tiết vào việc quy hoạch cái gì, thực hiện sản xuất ra sao, tiền vốn lấy từ đâu, thời gian thực hiện thế nào, vòng đời của các đô thị đó ra sao…, tất cả phải được thể hiện trong kịch bản.

“Trước đây, quan niệm về vùng đô thị TP.HCM đã nói nhiều nhưng trong vùng đô thị đó ai là trung tâm? Các đô thị đối trọng như Biên Hòa, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, Bình Phước… như thế nào trong vùng đô thị này… hầu như đều chưa có một kịch bản rõ ràng. Cho nên phát triển theo ranh giới như hiện nay rất gò bó cho TP.HCM, nhất là khi đất đai có hạn.

Tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải coi TP.HCM là tâm điểm của vùng kinh tế trọng điểm và phải có chuyển đổi về ranh giới đất đai để tổ chức hàng loạt thành phố vệ tinh chuyên đề. Các thành phố vệ tinh chuyên đề này không đơn thuần chỉ để ở mà phải là các thành phố sản xuất, ví dụ thành phố công nghệ cao, sản xuất các thiết bị thông minh, chuyên về công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, hay các thành phố chuyên đề về đại học, nghiên cứu… Tất cả những thành phố đó sẽ là động lực rất lớn để TP.HCM phát triển mà không bị manh mún như bây giờ.

Ví dụ, Vũng Tàu có thế mạnh về du lịch, biển, dầu khí thì có thể nhường cho thành phố này phát triển các lĩnh vực đó, Bình Dương có thế mạnh sản xuất công nghiệp thì tập trung phát triển lĩnh vực này cho thành phố. Giữa Bình Dương và TP.HCM có vùng đệm rất lớn có thể tổ chức các thành phố vệ tinh nho nhỏ từ 1.000 đến 3000ha để thu hút dân cư và ngành nghề chuyên đề, ví dụ thành phố chuyên sản xuất đèn, thành phố chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ… đi kèm với đó là những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Khi ấy, TP.HCM có cơ hội để đầu tư một chuyên đề thế mạnh của mình, đó là trung tâm tài chính kinh tế. Thượng Hải đã trở thành một trung tâm tài chính của Trung Quốc, trong khi Việt Nam chưa có trung tâm tài chính kinh tế nào xứng tầm, bởi vậy chúng ta có thể xây dựng một thành phố vệ tinh chuyên về tài chính và các nhà đầu tư sẽ tập hợp về đó.

Lâu nay khi mở một khu sản xuất chúng ta chỉ coi nó đơn thuần là khu sản xuất mà không coi đó là một đô thị, điều đó khiến những vấn đề liên quan như hạ tầng cơ sở xã hội, kỹ thuật không có nên nó cứ lan toả ra, kìm hãm sự phát triển của các thành phố”, KTS Nguyễn Ngọc Dũng chỉ rõ.

Ông cũng nhấn mạnh, trước đây TP.HCM có đặt vấn đề thành lập 4 thành phố vệ tinh đông, tây, nam, bắc, riêng cá nhân ông đề xuất xây dựng 16 thành phố vệ tinh bao xung quanh. Chúng sẽ làm bước đệm giữa các thành phố đối trọng trong vùng đô thị TP.HCM. Nếu tổ chức được thì khi xây dựng các đô thị vệ tinh này không cần sử dụng vốn ngân sách mà sẽ sử dụng nguồn lực tự có tại chỗ như cách thế giới vẫn làm.

Để giấc mơ đưa TP.HCM trở lại vị trí số 1 thành hiện thực

KTS Nguyễn Ngọc Dũng tin rằng mục tiêu giành lại vị trí số 1 của TP.HCM có thể đạt được trong tầm tay nếu lãnh đạo quyết tâm, có một kịch bản rõ ràng và có sự đóng góp của các chuyên gia nhiều lĩnh.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý một số vấn đề trong quá trình thực hiện mục tiêu trên:

Thứ nhất, phải tổ chức cho được con người thực hiện vấn đề này; cải cách về hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng… Một quy hoạch không thể 3 năm mới thẩm định, phê duyệt xong, một dự án không thể 2 năm mới thẩm định, phê duyệt xong. Tất cả chuyện đó phải được đặt lên bàn của Bí thư Thành ủy TP.HCM để tìm hiểu xem vì sao nó lại lâu như vậy. Trong khi thực tế, những người thực hiện công việc đó chỉ mất khoảng 1-2 tháng đã làm xong. Một hệ thống thẩm định và cấp giấy phép phức tạp sẽ làm chậm lại tiến trình phát triển của thành phố.

Một vấn đề khác cần lưu ý là phải hình thành cho được một quan niệm, cách làm các đô thị vệ tinh, các khu đô thị lớn chứ không nên làm những thành phố, khu đô thị nho nhỏ như lâu nay và cũng không nên xây dựng từng ngành riêng rẽ như hiện nay, đó là cách xây dựng mạnh ai nấy làm.

Ví dụ, phải xây dựng đô thị Long Thành thành một thành phố vệ tinh chứ không đơn thuần chỉ là một cảng hàng không vì cảng hàng không phải vay vốn ODA hay dùng tiền ngân sách để xây dựng, trong khi đó nếu xây dựng nó thành một thành phố kết nối giữa cảng biển, sân bay, metro, ga xe lửa… thì tất cả những vấn đề khác, từ dân cư đến đầu tư… sẽ được thu hút về. Khi ấy, tất cả vùng đất đó trở thành đất vàng và người ta có thể bán đấu giá để lấy tiền thu hút đầu tư vào sân bay, bến cảng. Đó là cách làm của thế giới.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định, quyết tâm Bí thư Đinh La Thăng chính là động lực rất lớn đối với giới trí thức và những người làm nghề như ông, khiến mọi người cảm thấy mình có thể đóng góp được cái gì đó. Nhưng song song với đó, TP phải có một kịch bản, một hướng đi, một trình tự có lớp có lang để người dân đóng góp dễ dàng hơn. Cùng với những điều kiện khác về vị trí địa lý, đất đai, con người… ông tin rằng TP.HCM sẽ phát triển rất nhanh.

RELATED ARTICLES

Tin mới