Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngTQ “hậm hực” với Singapore vì Biển Đông

TQ “hậm hực” với Singapore vì Biển Đông

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 16/8 đã lớn tiếng yêu cầu Singapore đứng ngoài tranh chấp Biển Đông, trong khi Bắc Kinh và ASEAN đang thỏa thuận phát hành một tuyên bố chung về việc áp dụng nguyên tắc tránh đối đầu ở vùng biển này

 

 

Sau cuộc họp với ASEAN ở Mãn Châu Lý, Nội Mông (Trung Quốc) hôm 16/8, ông Lưu đã ngầm chỉ trích lập trường của Singapore trong vấn đề Biển Đông khi cho biết, Trung Quốc hi vọng Singapore sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc điều phối đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN.

“Là một nước không có tranh chấp ở Biển Đông, chúng tôi hy vọng chính phủ Singapore, với điều kiện là không can thiệp vào chuyện Biển Đông, sẽ hành động tích cực để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN”, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hongkong) dẫn phát biểu của ông Lưu Chấn Dân tại cuộc họp báo chung sau sự kiện ở Nội Mông.

Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết thêm rằng, Bắc Kinh và các nước ASEAN đã đồng ý về nguyên tắc để thiết lập một đường dây nóng giữa các quan chức cấp cao Trung Quốc và Đông Nam Á để quản lý tình trạng hàng hải khẩn cấp ở Biển Đông.

Cũng trong cuộc họp báo chung này, ông Chee Wee Kiong, Thứ trưởng thường trực của Bộ Ngoại giao Singapore đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trong tình hình gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Gần đây, Trung Quốc tỏ ra “rất khó chịu” với Singapore vì sự gần gũi với Mỹ và quan điểm của quốc đảo sư tử trong vấn đề Biển Đông.

Sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, Singapore đã tuyên bố phán quyết là “sự khẳng định mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền trên biển. Bắc Kinh đáp trả bằng cách kêu gọi Singapore nên có “thái độ khách quan và công bằng”, trong vai trò người điều phối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

Trung Quốc tiếp tục khó chịu hơn nữa sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu tháng này là ông hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục hành động một cách tích cực ở Đông Nam Á. Ông Obama trả lời rằng Singapore và Mỹ là “các đối tác bền vững như bàn thạch”.

Trước đó, chính lãnh đạo Singapore đã gợi ý Mỹ xoay trục về châu Á và tăng cường quân sự nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tiết lộ thông tin trên trong một cuộc phỏng vấn của Straits Times hồi đầu tháng 8/2016.

Ngoài ra, trang The Diplomat cho hay, chính phủ Singapore đã gợi ý đưa bộ quy tắc ứng xử CUES vào Biển Đông khi bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) – vốn được khởi xướng từ hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa biết khi nào sẽ được hoàn tất.

CUES là bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh các cuộc va chạm ngoài ý muốn trên biển, được nhiều nước ký kết tham gia từ năm 2014, trong đó có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á – Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật, Việt Nam và Trung Quốc.

Bình luận về thỏa thuận mà ASEAN và Trung Quốc vừa đạt được hôm qua, ông Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney cho rằng, đó là một sự phát triển đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn phải làm việc nhiều hơn trong các lĩnh vực cụ thể để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

“Thông qua CUES giữa hải quân là không đủ. Bộ quy tắc này nên được áp dụng cho cả các tàu tuần duyên trong bối cảnh gia tăng nguy cơ xung đột ở các vùng biển tranh chấp”, ông Townshend nói.

Chuyên gia này cũng lưu ý, “Singapore không phải là một quốc gia yêu sách, nhưng họ có sự quan tâm sâu sắc đối với thương mại và tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Mặc dù Singapore đã nhận được sự ủng hộ vững chắc hơn đối với lập trường ủng hộ giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng giải pháp dựa trên luật lệ, nhưng quốc đảo này cũng phải cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và lợi ích chiến lược của họ trong vùng biển tranh chấp. Trung Quốc đã có những lo ngại về việc Singapore đang quá gần gũi với Mỹ. Và trong tương lai, sự cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ở khu vực sẽ là một thách thức đối với Singapore.

RELATED ARTICLES

Tin mới