Wednesday, May 8, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 13/10

Bản tin Biển Đông ngày 13/10

Bản tin Biển Đông ngày 13/10/2016.

Căng thẳng giữa Mỹ và Philippines gia tăng từ khi ông Duterte trở thành tổng thống

1) Tổng thống Philippines tuyên bố không chấm dứt các quan hệ đồng minh quân sự

Ngày 12/10, tạp chí The Strait Times đưa tin:

Ngày 12/10, trong cuộc gặp với lực lượng cảnh sát biển Philippines ngày 12/10 tại Manila, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức lên tiếng khẳng định Philippines sẽ không chấm dứt các hiệp ước đang có hiệu lực hiện nay của nước này và sẽ duy trì tất cả các quan hệ đồng minh quân sự. Lý do ông Duterte đưa ra là vì nhữg hiệp ước đó “có thể bảo trợ cho Philippines” và “cần chúng để đảm bảo sự phòng vệ đất nước”. Tuyên bố mới này vừa được đưa ra trong bối cảnh đang có nhiều nghi vấn đặt ra với mới quan hệ về mặt an ninh của nước này với Mỹ và quan hệ giữa hai nước đang trở nên căng thẳng dưới chính quyền của vị tổng thống kỳ lạ muốn chấm dứt thời kỳ đối đầu với Trung Quốc trong nhiều năm, nhất là trong vấn đề Biển Đông, để thiết lập nên “một quan hệ đối tác mới”

2) Âm mưu mới nhằm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh

Ngày 12/10, tạp chí The Financial Times đưa tin:

Mới đây, tại một diễn đàn quân sự ở Bắc Kinh, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia đã ngang ngược tuyên bố Trung Quốc “có quyền” áp đặt thứ gọi là “Vùng nhận diện phòng không” ở Biển Đông ngay khi xây xong tàu sân bay thứ hai nhằm kiểm soát không phận ở khu vực này. Một chuyên gia phân tích của Mỹ cho rằng tuyên bố của ông Ngô không phải là ý kiến của riêng ông này, bởi nó cho thấy rõ ràng rằng, Trung Quốc đang duy trì, thậm chí là tăng cường, lập trường mang tính chiến lược quyết đoán của nước này ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên sau đó ông Ngô lại lấp liếm nói rằng những bình luận của ông “phần nào đó đã bị dịch sai”.

3) Hạ Nghị sỹ Đảng Kabayan: sẽ đặt ưu tiên vấn đề đánh cá khi thảo luận với phía Trung Quốc

Ngày 12/10, trang The Rappler đưa tin:

Hạ Nghị sỹ Đảng Kabayan, đồng thời là một luật sư nhân quyền, ông Harry Roque mới đây đã khẳng định chính phủ Philippines sẽ tập trung vào việc đàm phán với Trung Quốc để cho phép ngư dân Philippines đến đánh cá ở Biển Đông. Ông cho hay, vấn đề tranh chấp Biển Đông có thể sẽ phải “mất đến cả một đời người hoặc hơn”, do đó “điều quan trọng bây giờ là vấn đề đánh cá vì đó cũng chính là vấn đề mưu sinh”, nhằm nhắc đến hiện trạng ngư dân ở khu vực bãi cạn Scarborough đang tranh chấp trên Biển Đông. Ông Roque cũng sẽ đi cùng đoàn Tổng thống Duterte đến Trung Quốc trong chuyến thăm từ ngày 18 – 21/10. Ông nhấn mạnh, là một luật sư nhân quyền, ông sẽ đối thoại trực tiếp với các quan chức Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, về tình hình ngư dân nước này đang bị đẩy đến cảnh đói nghèo, kể cả nếu ông Duterte không đề cập đến vấn đề này. Ông Roque cho biết thêm, mặc dù Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã kết luận rằng Philippines có quyền đánh cá nhưng trước khi Philippines “có thể đánh cá ở đó” vẫn cần phải đạt được một thoả thuận với Trung Quốc. Ngoài ra, ông khẳng định “việc thúc đẩy quan hệ” với Trung Quốc không đồng nghĩa với việc nước này sẽ cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ.

4) Singapore hối thúc Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng để hạ nhiệt căng thẳng

Ngày 12/10, tờ Tạp chí Phố Wall đưa tin:

Ngày 12/10, phát biểu tại Nghị viện Úc nhân chuyến thăm hai ngày tới Úc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ sự quan ngại và lên tiếng hối thúc Bắc Kinh cần hợp tác “một cách xây dựng” với các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, để hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, xây dựng “một thế giới ổn định và có trật tự để các quốc gia lớn nhỏ đều có thể tham gia”. Trong khi phía Trung Quốc luôn vô lối nhìn nhận Singapore “đi theo phe Mỹ” để gây áp lực buộc Trung QUốc phải chấp nhận Phán quyết Toà Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Mỹ “có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoà bình và ổn định ở châu Á”, đồng thời cũng bày tỏ “hoan nghênh Trung Quốc tham gia một cách xây dựng vào khu vực”. Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng nhất trí nhấn mạnh mong muốn của cả Canberra và Singapore về sự ổn định khu vực, về việc “bảo vệ thượng tôn pháp luật và phản đối quan điểm cho rằng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Cùng ngày, hai Thủ tướng đã ký kết thoả thuận trong đó Singapore sẽ dành 1,7 tỉ USD để nâng cấp các cơ sở quân sự của Úc ở Townsville và Vịnh Shoalwater, phía Bắc Brisbane.

5) Trung Quốc lớn tiếng cảnh cáo Úc “cẩn thận” khi nhắc đến vấn đề Biển Động

Ngày 12/10, hãng Reuters đưa tin:

Ngày 12/10, tại cuộc tiếp xúc với Tư lệnh Không quân Úc Marshal Mark Binskin, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long lớn tiếng cảnh cáo Úc “cẩn thận cân nhắc lời nói và hành động khi nhắc đến vấn đề Biển Đông”, “lời nói và hành động cần thống nhất” nhưng lại không đưa ra minh chứng cụ thể nào. Tháng trước, trong cuộc trao đổi với chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy trước đây Úc đã từng đưa ra chỉ trích đối với Trung Quốc vì cho triển khai các máy bay do thám trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ các cuộc tập trận tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực, cho đến nay Úc vẫn chưa tiến hành cuộc tuần tra tự do nào của nước này tại Biển Đông.

6) Liệu Tổng thống Duterte có chấm dứt quan hệ đồng minh với Mỹ?

Ngày 13/10, tờ The Huffington Post đã đăng tải bài viết “Liệu Tổng thống Duterte có chấm dứt quan hệ đồng minh với Mỹ?” của tác giả Richard Javad Heydarian, cố vấn chính sách, tác giả cuốn “Chiến trường mới ở Châu Á: Mỹ, Trung Quốc và cuộc chiến Tây Thái Bình Dương”

Trong bài viết “Liệu Tổng thống Duterte có chấm dứt quan hệ đồng minh với Mỹ?”,  tác giả nhận định tổng thống Duterte đang tự tìm cách “định hình lại” những ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực, tuy nhiên khó có khả năng ông sẽ chấm dứt quan hệ đồng minh với Mỹ – đối tác chiến lược lâu năm nhất của Philippines, nếu nhìn vào sự ủng hộ của người dân Philippines và quan hệ của lực lượng vũ trang nước này đối với Mỹ. Ông nhận định, dù sao thì một chính sách đối ngoại độc lập sẽ không phải là việc “nhảy từ chỗ này sang chỗ khác”, thay vào đó là phải theo đuổi một chiến lược mang tính khách quan, một chiến lược cận biên cân bằng nhằm có được lợi thế từ các quan hệ mang tính xây dựng với tất cả các cường quốc. Ông cho rằng, thêm vào đó, Philippines cần phải thấy rằng nếu không có hỗ trợ quân sự của Mỹ, dù bị hạn chế hay ấn định như thế nào, Philippines sẽ rất khó đạt được một “đòn bẩy” nào trong việc thoả thuận song phương với người khổng lồ Trung Quốc, do đó có thể hiểu rằng chỉ có Mỹ mới đủ khả năng để kiềm chế tham vọng chiếm trọn biển của Trung Quốc. Việc kết hợp kỹ thuật quân sự của Nga – Trung Quốc vào hệ thống quân sự đã được đào tạo và trang bị phần lớn bởi Mỹ từ trước đến nay cũng sẽ gây nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật và cần thêm nhiều thời gian để tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, tác giả bày tỏ lo ngại trước việc chính quyền mới của Tổng thống Duterte sau gần ba tháng đã liên tục lảng tránh đề cập đến Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã bác bỏ các yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc, trong khi Phán quyết này đặc biệt có ý nghĩa lớn lao đối với trật tự khu vực và quốc tế: khẳng định vai trò của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, là bằng chứng rõ ràng chứng minh yêu sách và hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi và là một biểu hiện quan trọng cho thấy một trật tự phân hạng đang hình thành ở khu vực Đông Á, tạo nên làn sóng chống lại Trung Quốc. Cùng với đó, việc ông Duterte tránh đề cập trực tiếp đến Phán quyết khi đối thoại với Trung Quốc chỉ vì lo “Trung Quốc không còn muốn đàm phán” cũng sẽ khiến Mỹ gần như không thể huy động sức ép của cộng đồng quốc tế lên Trung Quốc, ít nhất trong thời điểm này. Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra một số yếu tố có thể giải thích sự đả kích liên tục gần đây đối với Mỹ cũng như tạm hoãn các cuộc tuần tra chung với nước này: ông Duterte muốn trả đũa việc Mỹ lên án chiến dịch truy quét tội phạm ma tuý trong nước, dù Tổng thống Obama đã sẵn sàng đối diện với ông về vấn đề này; quan niệm của riêng ông này về một chính sách đối ngoại “độc lập” của Philippines.

7) Tổng thống Duterte trực tiếp chỉ đạo triển khai chạy thử tàu tuần tra mới của Philippines

Ngày 13/10, trang CNN Philippines đưa tin:

Ngày 12/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã trực tiếp chỉ đạo triển khai chạy thử tàu tuần tra mới nhân lễ kỷ niệm 115 năm thành lập Lực lượng Cảnh sát biển Philippines (Philippines Coast Guard – PCG). Tàu tuần tra mang tên BRP Tubbataha, dài 44 mét sẽ tiến hành tuần tra trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Đây chỉ là một trong 10 tàu tuần tra nhận được từ chương trình hiện đại hoá PCG có giá trị gần 9 tỉ peso được Nhật Bản tài trợ thông qua các khoản vay mềm. Mặc dù vẫn đưa ra chỉ trích đối với Mỹ, EU và Liên hợp quốc vì việc lên án cuộc truy quét tội phạm ma tuý, ông Duterte cũng đã dành thời gian để cảm ơn chính phủ Nhật Bản trong cuộc thử nghiệm tàu tuần tra này.

RELATED ARTICLES

Tin mới