Wednesday, May 1, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển Đông - Những điều hoang đường và sự thật của...

Biển Đông – Những điều hoang đường và sự thật của “đường lưỡi bò” (Phần 3)

Điều đó nói lên rằng “đường đứt khúc chín đoạn” vẫn chưa thể biến mất khỏi các bản đồ Trung Quốc hiện nay. Thực ra, các chuyên gia về luật biển của Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục người dân Trung Quốc, đặc biệt là dư luận xã hội, về việc cần phải làm cho những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc phù hợp với cá điều khoản của Luật Biển để những yêu sách này trở nên đáng được tin cậy.

Một điều hoang tưởng khó dẹp bỏ

Sự nổi lên của “tư tưởng trọng pháp” này là công của Zhai Lihai, người được bổ nhiệm làm Thẩm phán tòa quốc tế về Luật Biển tại Hamburg vào tháng 8 năm 1996 nhưng đã từ trần vào tháng 10 năm 2000 khi chưa kết thúc nhiệm kỳ của mình. Trào lưu này được một số nhà chức trách dân sự và quân sự Trung Quốc ủng hộ nhưng tất cả các viện nghiên cứu vẫn chưa, và còn lâu, mới đồng tình. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nêu việc trước đó, bản thân Giáo sư Zhao Lihai đã kiên trì bảo vệ trong một thời gian dài thuyết theo đó toàn bộ vùng biển được xác định bởi “đường lưỡi bò” hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Trường phái “trọng pháp” này hiện đang phải đối mặt với hai trường phái truyền thống.

Trường phái thứ nhất khẳng định rằng Biển Nam Trung Hoa là lãnh hải Trung Quốc. Để bảo vệ quan điểm này, những người thuộc trường phái này lập luận rằng “đường lưỡi bò” đã tồn tại trước khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển ra đời và đây là một di sản của lịch sử. Điều này cũng như là quan điểm của những người bảo vệ trường phái thứ hai cho rằng quy chế Biển Nam Trung Hoa là quy chế vùng biển lịch sử như các sách giáo khoa lịch sử vẫn dạy, tuy nhiên điều này chưa được kiểm chứng. Giả thiết đơn giản có thể là: Để tránh làm dấy nên những ngờ vực dân tộc chủ nghĩa, Điều 14 Luật về Vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc đã được ban hành, tuy nhiên điều khoản này cũng không rõ ràng hơn. Chúng ta nhớ lại rằng Điều 14 nêu “các điều khoản của luật này không làm ảnh hưởng tới chủ quyền lịch sử của Trung Hoa dân quốc”. Điều này có thể được hiểu là tùy theo hoàn cảnh, Điều 14 có thể có giá trị hơn 13 điều đã tồn tại trước đó. Đó chính là một cách khác tạo ra sự mập mờ thiếu rõ ràng và tạo ra nhiều cách diễn giải khác nhau.

Hậu quả của việc diễn giải khác nhau giữa các quốc gia về Luật Biển

Trong vấn đề phát triển kinh tế ở khu vực vành đai Biển Nam Trung Hoa, có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến những sự khác biệt trong quan niệm về việc xác định các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam, trong mọi tình huống, luôn kiên định với khái niệm thềm lục địa, nhất là ở khu vực phía Nam Trường Sa. Đó là quan điểm thường trực và luôn cứng rắn của các cơ quan Việt Nam.

Quan điểm này được Chính phủ Việt Nam đưa ra khi Trung Quốc cho phép Công ty Crestone của Mỹ thăm dò – khai thác dầu ở phần cực Tây Nam của Trường Sa, trên dải Vanguard (Wan Anbei theo tiếng Trung Quốc, Tư Chính theo tiếng Việt). Điều nghịch lý là Hà Nội đã không phản đối việc Bắc Kinh lấn chiếm Trường Sa mà phản đối việc lấn phần thềm lục địa Việt Nam. Hà Nội đã đưa ra lập luận theo đó dải Vangard được ngăn cách với phần còn lại của Trường Sa bởi một hố sâu (ở phía Đông) đánh dấu sự sụt xuống của thềm lục địa Việt Nam.

Nếu ở thời kỳ đó, cuộc tranh luận đã lên tới cực điểm khi Trung Quốc biển dương lực lượng hải quân của mình để đe dọa Việt Nam, tuy nhiên, họ vẫn không muốn kích động tình hình bởi lẽ hợp đồng với Crestone cho tới nay vẫn không có bước tiến cụ thể nào.

Về phía Philippines, Trung Quốc cũng tranh cãi với Manila về khái niệm quần đảo Trung Sa (Zhongsa Qundao), chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scaborough. Điều này hoàn toàn không giống với trường hợp của Việt Nam. Đó là lý do tại sao theo thông tin chính thức từ Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2005, Công ty Petro Vietnam chấp nhận tham gia chương trình thăm dò địa chấn được xây dựng từ ngày 01 tháng 9 năm 2004 giữa Công ty Trung Quốc CNOOC và Công ty Phi-líp-pin PNOC nhằm triển khai ba chiến dịch đo đạc chung. Tuy vậy, ba chiến dịch này trên thực tế được triển khai trong một khu vực chớm một phần lên phía Bắc Kalayaan, tức là trên một phần lãnh thổ mà Hà Nội cũng đang có yêu sách. Thực tế đằng sau đó, Việt Nam nhận thấy rằng nếu họ để cho Trung Quốc và Phi-líp-pin thực thi một thỏa thuận song phương mà hông tham gia vào đó, họ có nguy cơ ngầm tự loại mình ra khỏi cuộc đấu tranh đòi một phần lãnh thổ mà họ cho là của mình, cũng đồng thời tự loại mình khỏi việc tiếp cận với những dữ liệu có thể thu được từ những cuộc thăm dò đó.

Giả thiết cực đoan về tự do hàng hải

Trong số những giả thiết cực đoan theo đó cộng đồng quốc tế một ngày nào đó chấp nhận khái niệm quần đảo Trung Sa của Trung Quốc (Zhongsa Qundao), tức là bao gồm cả bãi Truro và Scaborough, điều này sẽ cho phép Bắc xác định những đường cơ sở thẳng chung quanh như họ đã làm với Hoàng Sa. Như thế, sẽ xuất hiện những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do hàng hải đối với tất cả các tàu thuyền không mang quốc tịch Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là các tàu quân sự. Thực vậy, qua quan sát bản đồ như cách mà Trung Quốc xác định các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, Trung Quốc dường như muốn giành quyền kiểm soát đối với toàn bộ tuyến giao thông hàng hải giữa phía Nam và phía Bắc trên Biển Nam Trung Hoa. Điều này có lẽ sẽ áp dụng cả với các tàu thương mại, dù hiện nay các tàu không gặp bất cứ sự hạn chế nào trong việc đi qua vùng lãnh hải Trung Quốc.

Nhưng đối với các tàu chiến thì không như vậy. Thực vậy, đi ngược lại với các quy định của luật biển về vấn đề này, Trung Quốc không công nhận quyền qua lại vô hại đối với những tàu chiến trong vùng lãnh hải của mình. Do đó, để có thể đi qua vùng lãnh hải của Trung Quốc, các tàu chiến đều phải được phép của Bắc Kinh. Điều này có nghĩa là một tàu chiến nước ngoài quá cảnh qua Biển Nam Trung Hoa theo trục Bắc-Nam có thể sẽ buộc phải đi theo hành lang nhỏ hẹp giữa Hoàng Sa và dải Macclesfiekd ở phía Tây và ở phía Đông sẽ bị hạn chế, thậm chí bị cấm đi qua vùng nước của quần đảo Trung Sa. Tuy đây là một giả thiết cực đoan nhưng nếu xét khả năng hiện tại của Trung Quốc khi họ thường được toại nguyện với những đòi hỏi của mình, giả thuyết này cũng đáng được nghiên cứu, hay ít ra là đáng được suy ngẫm. Một vấn đề tương tự nữa cũng có thể được đặt ra liên quan đến những hoạt động nghiên cứu khoa học hay thủy văn bởi những điều khoản của Công ước Luật Biển được các quốc gia diễn giải rất khác nhau.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới