Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngPhilippines có thế đối phó TQ ở Biển Đông không cần Trump

Philippines có thế đối phó TQ ở Biển Đông không cần Trump

Không quan tâm đến Biển Đông sẽ là một sai lầm của Donald Trump, nhưng đó không phải là một thảm họa với Philippines hay bất kỳ quốc gia ASEAN nào khác.

Chính sách của Trump ở Đông Nam Á sẽ chỉ thực sự sáng tỏ vào… một năm sau.

Chính sách của Donald Trump sẽ sáng tỏ sau Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ

Trong những tuần tới, nhóm nghiên cứu chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đưa ra quyết định quan trọng: Ông Trump sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ trong năm tới tại Manila hay không?

Quyết định này được cho là sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đối với chính sách của Mỹ ở châu Á. Đồng thời nó cũng tác động lớn đến Philippines – quốc gia chuẩn bị là Chủ tịch luân phiên của ASEAN và đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực.

Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, ông Trump sẽ có chuyến công du đến khu vực Đông Nam Á tham gia hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư giữa ASEAN và Mỹ vào tháng 11 năm sau.

Trước đó người tiền nhiệm của ông Trump – Barack Obama đã coi hội nghị thượng đỉnh trong hai nhiệm kỳ của ông là nền tảng chính trong tăng cường quan hệ với ASEAN. Đây là dịp để nhóm các nước Đông Nam Á cùng với cường quốc số một toàn cầu có thể gặp gỡ và liên kết với nhau trên cả hai phương diện chính thức và không chính thức.

Kavi Chongkittavorn, chuyên gia cao cấp tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Chulalongkorn nhận định, Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 năm nay là một sự kiện đặc biệt – một biểu tượng của sự gắn kết thành công giữa Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN – những nhân vật mà ông đã gặp trên 11 lần. Chính sách tái cân bằng của nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã tăng cường cam kết của Washington đối với hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bằng việc tham gia cùng nước chủ nhà Philippines tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, chính quyền mới cũng sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Washington vẫn còn giá trị chiến lược và an ninh với Manila.

Chỉ một vài tuần trước, Tổng thống Duterte nhiều lần tuyên bố rằng ông muốn “rút khỏi” sự che chở của Mỹ. Đồng thời cân nhắc việc giảm bớt các bài tập quân sự Mỹ-Philippines, thậm chí có thể loại bỏ các thỏa thuận mới về hợp tác an ninh được ký kết năm ngoái dưới thời chính quyền ông Aquino.

Nếu tổng thống mới của Mỹ quyết định bỏ qua chuyến đi tháng 11 năm sau và thay vào đó, tập trung vào vấn đề trong nước hoặc các vấn đề khác, mối quan hệ ASEAN-Mỹ sẽ nhanh chóng chững lại, tạo cơ hội cho các cường quốc lớn bên ngoài nhảy vào cạnh tranh quyết liệt giành ảnh hưởng ở châu Á.

Quan trọng hơn, ông Trump sẽ bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ với các nhà lãnh đạo đến từ Đông Á – những người sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Trước khi EAS mở rộng vào năm 2011 với sự góp mặt của Mỹ và Nga, các chương trình chi phối nghị sự trước đây chủ yếu là chống khủng bố và biến đổi khí hậu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, bối cảnh chính trị và an ninh khu vực đã thay đổi để đáp ứng ngày càng nhiều hơn về sự lo lắng của Mỹ.

Bất kỳ dấu hiệu cho thấy rằng Washington đang lơ là sự chú ý đến khu vực này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và lợi ích của họ.

Nếu không có Trump, một nhà lãnh đạo sẽ lấp đầy khoảng trống của Mỹ và thiết lập các chương trình nghị sự của EAS về các vấn đề liên quan đến thiết lập một kiến ​​trúc an ninh khu vực mới. Trong đó Trung Quốc và Nga đang tích cực thúc đẩy thỏa thuận an ninh toàn diện của mình.

ASEAN đang lấy lại vị thế sau phán quyết PCA

Sau chuyến thăm của ông Duterte đến Bắc Kinh hồi tháng trước, mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể, mặc dù phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi tháng 7 đã gây áp lực lên yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Manila-Bắc Kinh, ông Duterte đã gác lại những bất đồng mạnh mẽ về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và thay vào đó luận về tương lai của quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác và phát triển chung giữa hai nước.

Sau những nỗ lực của ông Duterte. Manila đã thu 24 tỷ USD tiền đầu tư từ Trung Quốc. Phía Bắc Kinh đồng thời đã chịu nhượng bộ lần đầu tiên cho các tranh chấp ở bãi cạn Scarborough khi dừng các hoạt động cản trở ngư dân Philippines vào ngư trường truyền thống của họ.

Chuyên gia Kavi Chongkittavorn cho rằng, Tổng thống Duterte đã phần nào thành công hơn người tiền nhiệm của ông trong việc lấy lại vị thế cho các nước Đông Nam Á về giải quyết tranh chấp và liên kết hợp tác dựa trên khuôn khổ ngang bằng giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông qua một lập trường đối ngoại và chính sách kinh tế vô cùng năng động, lôi kéo được rất nhiều nước vào các lĩnh vực mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn.

Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” đang dần trở thành chương trình kết nối châu lục đầu tiên. Với 57 quốc gia thành viên, sản phẩm trí tuệ tài chính của Trung Quốc – Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á – đang bắt đầu cung cấp nguồn vốn rất cần thiết cho các dự án thiết yếu trong khu vực.

Manila đã chọn cách giảm căng thẳng với Trung Quốc trong tranh chấp biển thời gian qua, và tăng cường hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Nếu xu hướng này tiếp tục, các bên tranh chấp khác có thể đi theo hướng này để giải quyết và quản lý tranh chấp với Trung Quốc. Cuộc thảo luận gần đây giữa Malaysia với Trung Quốc cũng được coi là một ví dụ điển hình.

Giới quan sát nhận định, sự nhún nhường của Trung Quốc trước Philippines và Malaysia đã cho thấy các nước Đông Nam Á hiện tại đang có thừa yếu tố cần thiết để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách độc lập – trong bối cảnh các thành tố trong chính sách “xoay trục châu Á” của chính quyền Obama đang dần tan vỡ.

Manila đang đi đầu trong việc giải quyết căng thẳng với Bắc Kinh, và gần đây là Kuala Lumpur. Điều này cho thấy không hẳn phải có sự phụ thuộc vào bất cứ cường quốc nào trong khu vực, các nước ASEAN vẫn giữ được thế tự chủ của riêng mình .

Với mối liên kết chặt chẽ với ASEAN, nhà lãnh đạo Duterte sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong cam kết của ASEAN với các cường quốc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên mọi thứ sẽ vẫn phải chờ đợi biểu hiện cụ thể từ chính quyền Trump trong giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải thời gian tới.

Trong thời gian này, theo chuyên gia, các bên tranh chấp ở Biển Đông sẽ theo đuổi chiến lược “chờ đợi”, đặc biệt là Trung Quốc.

Điều này cung cấp một số khoảng nghỉ và không gian để các bên tìm ra sự khác biệt cũng như xác định các điểm chung để tìm kiếm một hướng đi hợp tác mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới