Thursday, April 18, 2024
Trang chủĐiểm tinChâu Âu “bất cẩn”, Trung Quốc “háu ăn”

Châu Âu “bất cẩn”, Trung Quốc “háu ăn”

Nếu như trước đây Trung Quốc được cho là “núi tiền béo bở” với các nước châu Âu, thì nay Bắc Kinh đã trở thành đối thủ cạnh tranh đáng sợ đối với các nước EU, nhất là với Đức và Pháp.

Đức ngăn Trung Quốc mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron

Các nước châu Âu những năm gần đây luôn trải thảm đỏ với các khoản đầu tư của Trung Quốc, bởi lẽ tăng trưởng chậm kèm theo chính sách cắt giảm ngân sách đã khiến tình trạng thất nghiệp tại lục địa già gia tăng. Tiền của Trung Quốc được cho là sẽ tạo công ăn việc làm cho người bản xứ. Và như để khuyến khích Bắc Kinh móc hầu bao hơn nữa, các nước EU thi nhau tạo điều kiện cho đầu tư của Trung Quốc.

Nhưng thay vì cũng mở cửa thị trường cho các đối tác EU, Trung Quốc lại đưa ra nhiều hạn chế đối với các khoản đầu tư từ bên ngoài, chẳng hạn Bắc Kinh không cho phép nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hoặc truyền thông…

Kết quả là các nước châu Âu cảm thấy vỡ mộng và bắt đầu xem xét lại chính sách đầu tư của mình với Trung Quốc, nhưng dường như đã quá muộn.

Trong nửa đầu năm 2016, chỉ riêng các quỹ đầu tư của Trung Quốc đã mua hơn 40 công ty Đức. Trên thực tế, 17% đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài kể từ năm 2010 là nhắm vào nước Đức. Trên toàn thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc mua được nhiều công ty nước ngoài hơn so với cả năm 2014 và đã đầu tư 72 tỷ euro vào EU, trong đó 11,3 tỷ euro được dành đầu tư vào Đức.

Các công ty công nghệ Trung Quốc có kế hoạch vươn lên thành các công ty hàng đầu thế giới trong vòng một vài năm. Trung Quốc muốn trở một trong những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2049, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Rõ ràng Trung Quốc chỉ đạt được điều này bằng cách mua bí quyết công nghệ và và các công ty công nghệ cao.

Phần lớn các doanh nghiệp Đức mà Trung Quốc đã mua được là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ mới, kỹ thuật và tin học. Mùa hè năm ngoái, việc công ty Kuka của Đức rơi vào tay công ty Trung Quốc Midea, doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc về đồ gia dụng, đã khiến Đức lo ngại. Berlin sợ là các kiến thức công nghệ quan trọng đươc chuyển giao cho một đối thủ kinh tế ngày càng hung hăng.

Đầu tháng 11/2016, chính phủ Đức đã đột ngột ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc Fujian Grand Chip Investment Fund (FGC) mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron. Nhà nghiên cứu Klaus Larres cho biết có vẻ như tình báo CIA của Mỹ đã cảnh báo Berlin là Aixtron có liên quan tới an ninh và công nghệ quân sự quan trọng nên không thể để rơi vào tay Trung Quốc. Bộ trưởng kinh tế Đức Gabriel cũng đã không thoải mái khi Trung Quốc muốn mua công ty Ledvance chuyên sản xuất bóng đèn, một công ty con của Osram, và thậm chí là chính công ty Osram.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel gần đây bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc quá hăm hở đầu tư vào châu Âu. Nước Đức sợ rằng thông qua doanh nghiệp Nhà nước, Trung Quốc vừa chiếm giữ công nghệ, vừa đẩy mạnh quyền lực địa chính trị. Nhưng theo ông Gabriel, các mâu thuẫn phải được đề cập thẳng thắn và rõ ràng.

Bộ trưởng Sigmar Gabriel cũng cảnh báo cả hai bên không nên để xung đột kinh tế leo thang vì không bên nào được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Đồng thời ông cảnh báo Trung Quốc phải thực hiện “chính sách tự do mậu dịch dựa trên sự bình đẳng và chuẩn mực xã hội”.

Theo Tổ chức Hợp tác Và Phát triển Kinh tế (OCDE), Trung Quốc là nước công nghiệp áp dụng nhiều quy định hạn chế nhất trên thế giới đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu các công ty Trung Quốc được tự do đầu tư vào phương Tây, thì các các công ty nước ngoài ở Trung quốc lại không được phép đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hoặc truyền thông…

Đầu tháng 11/2016, Bộ trưởng kinh tế Đức khi ở thăm Bắc Kinh 5 ngày đã nhắc nhở người Trung Quốc là quan hệ thương mại quốc tế phải hướng tới một “sân chơi bình đẳng” và “cạnh tranh lành mạnh”. Đức và châu Âu không chấp nhận đối tác thương mại “chơi xấu”. Ông Gabriel cũng nhắc tới thủ đoạn bán phá giá thép và nhôm của Trung Quốc cũng như các thủ đoạn xâm nhập thị trường xe hơi.

Tình hình tại Pháp còn tồi tệ hơn. Theo nguyệt san Le Monde Diplomatique, vốn rất kín đáo trong một thời gian dài trước đây, người Trung Quốc giờ đã tiến vào thương trường Pháp một cách vừa lộ liễu, vừa gây tranh cãi. Le Monde Diplomatique liệt kê: trong vòng vài tháng, họ đã chiếm sân bay lớn Toulouse-Blagnac ở miền Nam, các doanh nghiệp du lịch tên tuổi như Club Med và Pierre et Vacances, hệ thống khách sạn Campanile và Kyriad, câu lạc bộ bóng đá FC Sochaux, nhà thiết kế thời trang Sonia Rikyel, hãng quần áo Sandro Maje và Claudie Pierlot, chưa kể đến 1.700 ha đất nông nghiệp ở tỉnh Indre…

Chỉ riêng trong năm 2015, trị giá các tài sản công nghiệp của Pháp rơi vào tay người Trung Quốc đã lên đến 3,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2013. Câu hỏi được nêu bật là “Có nên kết luận rằng nước Pháp đang bị nguy cơ (da vàng) thao túng?” Theo nguyệt san Pháp, tham vọng của Trung Quốc không thể coi nhẹ. Không đáng kể cách nay 20 năm, vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng gấp 40 lần để đạt 128 tỷ USD vào năm 2016, thậm chí 249 tỷ nếu gộp thêm vốn từ Hồng Kông. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai của thế giới, chỉ sau Mỹ (337 tỷ USD).

Điểm đến phương Tây đầu tiên của vốn Trung Quốc vẫn là nước Mỹ, nhưng châu Âu hiện đang trở thành đối tượng thu mua được ưa thích của mình, chủ yếu là Anh, Pháp và Đức, bộ ba đứng đầu từ năm 2010 đến nay, cho dù đặc biệt trong năm 2015, Ý đã chen vào vị trí thứ hai với vụ thu tập đoàn công nghiệp hóa học Trung Quốc ChemChina mua lại hãng sản xuất bánh xe hơi khổng lồ Pirelli.

Tiến trình xuất ngoại của vốn Trung Quốc, theo nguyệt san Pháp đã chuyển qua ba giai đoan: Từ việc thu mua các công ty sản xuất nguyên liệu, nhà nước và doanh nhân Trung Quốc đã chuyển sang thâu tóm các mác hàng hiệu và hiện đang tập trung vào lãnh vực công nghệ cao cấp.

Thoạt đầu Bắc Kinh đã ào ạt tiến công vào châu Phi, thu mua các công ty trong lãnh vực sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là năng lượng và quặng mỏ, để bảo đảm nguồn cung ứng cho nền công nghiệp Trung Quốc, thế nhưng chẳng bao lâu sau đó, vốn Trung Quốc chuyển sự chú ý qua phương Tây, đúng theo chủ trương “quốc tế hóa các doanh nghiệp Trung Quốc” được đưa lên hàng ưu tiên quốc gia.

Riêng về trường hợp của Pháp, Le Monde Diplomatique ghi nhận ba động cơ chính đã thúc đẩy giới đầu tư Trung Quốc nhẩy vào thu mua doanh nghiệp Pháp: Giành thêm thị phần bằng cách sở hữu nguyên một mạng lưới phân phối, thâu tóm một thương hiệu nổi tiếng, chiếm dụng một công nghệ học hay một kỹ năng quản lý mà Trung Quốc không có.

Ngoài ra, như lời thừa nhận của tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc, Pháp có “một lực lượng lao động có tay nghề rất cao và một chế độ trừ thuế cho các hoạt động nghiên cứu giành cho tất cả các doanh nghiệp”.

Một ví dụ được nêu lên là trường hợp của tập đoàn điện thoại Trung Quốc Hoa Vi (Huawei). Thành lập năm 1987, Hoa Vi đã thâm nhập thị trường Pháp vào năm 2003 và liên kết với hai tập đoàn viễn thông Pháp Bouygues và SFR để bán sản phẩm của mình. Ngày nay Hoa Vi đã trở thành một mác điện thoại được người Pháp biết đến.

Theo nguyệt san Pháp, tập đoàn Trung Quốc đã thành lập 4 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Pháp, tạo ra 734 công ăn việc làm. Có điều là không ai biết được Hoa Vi đã thu về được bao nhiêu tiền từ công quỹ Pháp dùng để thưởng cho hoạt động nghiên cứu và tạo thêm việc làm.

Động cơ thâu tóm hàng hiệu nổi tiếng là biểu hiện được nhiều người thấy rõ nhất. Biết rõ thói quen chuộng hàng hiệu và hàng ngoại của người Trung Quốc, đặc biệt là của tầng lớp khá giả ngày càng đông đảo, giới đầu tư Trung Quốc đã vung tiền mua lại các thương hiệu hàng may mặc cao cấp như Cerutti, Sonia Rykiel, Maje, vv, dây chuyền cửa hàng mỹ phẩm Marionnaud, và khoảng một trăm mác rượu vang Bordeaux loại Grand Cru nổi tiếng.

Thực phẩm Pháp rất được chú ý, đặc biệt là sữa bột, vốn chỉ cần được đóng dấu “made in France” là có thể bán với giá cắt cổ tại Trung Quốc. Và, tất nhiên, trong ngành du lịch hạng sang.

Tuy nhiên, đối với Le Monde Diplomatique, chính các vụ thu mua các tập đoàn hay công ty công nghiệp mới đặc biệt quan trọng vì chiếm đến 43,2% nguồn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Pháp, cho dù các thương vụ này hiếm khi làm dấy lên các tiếng còi báo động trong giới truyền thông.

Đà tiến công của vốn Trung Quốc rõ nhất trong ngành năng lượng: Quỹ đầu tư Nhà nước Trung Quốc CIC chẳng hạn đã mua lấy 30% phần hùn của tập đoàn khí đốt GDF Suez (đã đổi tên thành Engie), qua đó Trung Quốc đã có được công nghệ chế biến khí hóa lỏng; tập đoàn Trung Quốc PetroChina thì đã mua lại nhà máy lọc dầu ở Lavera; Yantai Daihai, một tập đoàn năng lượng hạt nhân dân sự hàng đầu của Trung Quốc thì đã thâu tóm hai công ty chuyên môn của Pháp trong lãnh vực chế tạo kim loại và nồi hơi cho ngành hạt nhân là Manoir Industries và ITC.

Đó là chưa nói đến sự hợp tác kỳ lạ giữa tập đoàn điện lực Pháp EDF với hai công ty Trung Quốc trong việc xây dựng các lò phản ứng EPR tại Hinkley Point ở Anh.

Tập trung vào lãnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, hóa chất, không loại trừ các ngành nghề khác, Trung Quốc thường ra tay thâu tóm – một cách có chọn lọc – các tập đoàn Pháp khi các doanh nghiệp này gặp khó khăn.

Một ví dụ điển hình: Lợi dụng cơn khủng hoảng tài chính tại hãng xe hơi Pháp Peugeot, tập đoàn Đông Phong (Dongfeng) của Trung Quốc đã mua ngay 14% vốn của Peugeot, qua đó giành được quyền ghé mắt vào hoạt động của trung tâm nghiên cứu của Peugeot ở Thượng Hải. Tập đoàn Trung Quốc hiện đang nhòm ngó tiếp 14% vốn của Peugeot, hiện nằm trong tay Nhà nước Pháp.

Lọt vào tay Trung Quốc cũng là số phận của Công ty sản xuất máy đào đường hầm lớn nhất của Pháp Neyrpic Framatome Mécanique (NFM), nhà sản xuất máy tàu lừng danh Baudoin, hoặc hãng chế tạo máy kéo McCormick…

Vấn đề được Le Monde Diplomatique nêu bật là vì thiếu tầm nhìn công nghiệp dài hạn, Pháp đã để cho tài sản công nghiệp và công nghệ của mình rơi vào tay Trung Quốc. Còn đối với Bắc Kinh, việc họ vung tiền thâu tóm các công ty phương Tây rất dễ hiểu vì điều đó cho phép Trung Quốc sở hữu công nghệ học tiên tiến nhanh hơn so với tự đầu tư trong nước để nghiên cứu. Điều đáng ngạc nhiên hơn là thái độ nhắm mắt làm ngơ của các nhà lãnh đạo Pháp (và châu Âu).

Nguyệt san Le Monde Diplomatique cho rằng người Pháp nói riêng và người châu Âu nói chung nên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” vì lẽ việc để cho người Trung Quốc thâu tóm các công ty và tài sản công nghiệp của EU chỉ có thể xẩy ra trong sự vắng mặt của một chính sách công nghiệp đầy cao vọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới