Monday, September 9, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXe buýt nhanh hơn được 5 phút nhưng lại đắt hơn đường...

Xe buýt nhanh hơn được 5 phút nhưng lại đắt hơn đường cao tốc

Mức đầu tư tuyến xe buýt nhanh của Hà Nội quá đắt đỏ, đắt hơn đường cao tốc nhưng hiệu quả thực tế không cao, thua kém nhiều so với các nước.

99 23

Mức đầu tư tuyến xe buýt nhanh của Hà Nội quá đắt đỏ, đắt hơn đường cao tốc
nhưng hiệu quả thực tế không cao, thua kém nhiều so với các nước. Ảnh: TTO

Lãng phí, không hiệu quả

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc Hà Nội đưa vào vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh Yên Nghĩa – Kim Mã từ 1/1/2017, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông bày tỏ nhiều băn khoăn.

Theo TS Thủy, cách đây khoảng 3 năm ông đã kiến nghị không nên triển khai tuyến xe buýt nhanh tại thủ đô nhưng Hà Nội không nghe.

“Các nước trên thế giới như Peru,  Equador hay 1 số nước phát triển như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản đều có các tuyến xe buýt nhanh. Nhưng họ chỉ khai thác những tuyến có thể xây dựng được. Kinh nghiệm từ các quốc gia này đó là họ đầu tư những tuyến đương riêng, mặt cắt phải rộng ít nhất phải từ 25-30m, lúc đó xe buýt nhanh mới phát huy được tác dụng. Trong khi đường phố Hà Nội là phố cổ, trung tâm mặt cắt có có từ  7-11m. Hơn nữa ở Việt Nam xe máy, ô tô tràn lan đầy đường nhiều phương tiện như vậy làm sao ép xe buýt đi nhanh được?

Các nhà khoa học đã cảnh báo không nên phát triển quá nhanh, quá mạnh các tuyến xe buýt nhanh. Ùn tắc sẽ tăng lên, tạo ra những bất cập chứ không hề đơn giản”, TS Thủy nhấn mạnh.

Trước việc Hà Nội tiến hành họp báo và công bố xe buýt nhanh sẽ hơn xe buýt thường từ 5-10 phút, vị chuyên gia cho rằng đây là hành động vội vàng, thiếu sự suy xét một cách cẩn trọng của thành phố.

TS Thủy lập luận: “Mở ra tuyến xe buýt nhanh mà lại cấm các phương tiện khác như taxi, xe máy, ô tô hoạt động trong khu phố đó thì còn ý nghĩa gì nữa? Chống cái này thì chỗ khác lại xảy ra ùn tắc. Đó là cái sai lầm.

Thứ hai là Hà Nội muốn chứng tỏ ta đúng nên họp báo ngay. Họ thông báo xe buýt nhanh 5-10 phút so với buýt thường thì càng thấy bất cập. Vì một tuyến đường bỏ ra đến 55 triệu USD (khoảng 1100 tỷ đồng) mà nhanh hơn có 5 phút thì nên buồn chứ có gì vui?

Theo tính toán của tôi, hiện nay mỗi cây số xe buýt nhanh trị giá gần 4 triệu USD, tương đương khoảng 80 tỷ/km. Như thế quá đắt, đắt hơn cả đường cao tốc. Việc thông báo này tôi cho rằng rất buồn cười. Nhanh 5 phút cũng là vì có đường riêng và cấm các xe khác đi vào. Tính như vậy thì ý nghĩa và hiệu quả quá thấp.

Thứ ba là hiệu quả thể hiện ở số người đi. Số người dân tin và chọn đi xe buýt nhanh điều đó mới quan trọng. Nếu chỉ có tốc độ không thì không giải quyết được vấn đề gì. Triển khai xe buýt nhanh nhưng trên xe có dăm mười người thì hiệu quả nó không thực chất.

Hơn nữa việc triển khai xây dựng tuyến xe buýt nhanh của Hà Nội cũng cần phải Việt hóa đi. Nếu chúng ta bê nguyên xi của nước ngoài vào làm thì quá tốn kém mà hiệu quả thấp, dẫn đến lãng phí không gian, lãng phí tiền bạc”.

Một vấn đề khác được TS Thủy chỉ ra đó là hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ xe buýt nhanh chưa thật sự đồng bộ, hiện đại như số tiền bỏ ra khiến người dân tin tưởng. Điển hình nhất là làn đường chỉ cải tạo lại, quét vạch mới hay như hệ thống nhà chờ lộn xộn, chưa đưa vào khai thác nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Vị chuyên gia cũng không đồng tình khi lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội so sánh với tàu điện ngầm metro hay đường sắt trên cao rồi kết luận làm xe buýt nhanh không tốn kém, tiết kiệm.

“Đã là xe buýt thì triển khai tất nhiên phải rẻ hơn metro hay đường sắt trên cao. Chúng ta phải nhớ rằng, một chuyến metro đi ngầm hoặc đi trên cao nếu chạy đúng thiết kế phải chở được 60.000 hành khách/giờ. Còn tuyến xe buýt nhanh thì con số trên không quá 1.000-2.000 hành khách/giờ. Hơn nữa metro đi đường riêng rất an toàn và đúng giờ theo lộ trình, biểu đồ. Tốc độ cũng rất cao, bình quân khoảng 40 km/h. Còn xe buýt nhanh tôi nghĩ tốc độ chỉ đạt 15-16 km/h thôi.

Nếu so sánh phải căn cứ, đối chiếu tổng hợp chứ nếu nói như cơ quan chức năng của Hà Nội thì không đúng và không khoa học”, TS Thủy phân tích.

Không nên phát triển ồ ạt xe buýt nhanh

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh, Hà Nội cần phải thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như người dân về phương tiện xe buýt nhanh.

TS Thủy dẫn chứng, trước đây trên địa bàn thủ đô đã có 1 tuyến xe buýt nhanh từ Hà Đông đi Ngã Tư Sở. Tuy nhiên hoạt động không hiệu quả nên bắt buộc phải dừng lại.

“Chúng ta không rút kinh nghiệm mà làm tiếp tuyến Yên Nghĩa – Kim Mã này. Như vậy rất lãng phí vì hiệu quả thực tế không cao. Bây giờ công trình đã làm rồi, phê phán cơ quan chức năng cũng chẳng được gì nữa. Hà Nội phải rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư lên. Tiền là mồ hôi nước mắt của người dân nên phải sử dụng hợp lý, không thể đổ tiền vào chỗ lãng phí như vậy. Phải có người chịu trách nhiệm, không nên đổ cho tập thể”, TS Thủy nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng đề nghị Hà Nội trong thời gian này chỉ tập trung vào thí điểm tuyến xe buýt nhanh Yên Nghĩa – Kim Mã, không nên tiếp tục xây dựng thêm 7 tuyến khác như chủ trương đã thông qua trước đó.

“Hà Nội nên cân nhắc việc này. Tôi nghĩ nên tạm dừng và không xây xe buýt nhanh nữa.  Vì nếu phát triển mỗi tuyến hàng nghìn tỷ mà hiệu quả và thời gian không hơn xe bút thường là bao nhiêu thì rất lãng phí.

Theo tôi, Hà Nội nên tiếp tục phát triển xe buýt thường, chỉnh trang lại các tuyến, quy hoạch lại mạng lưới để có sự điều chỉnh phù hợp. Hiện nay có nhiều tuyến rất thưa người đi mà vẫn cho nhiều xe hoạt động trong khi nhiều nơi không có xe buýt, hoặc xe buýt chưa bao phủ cả thành phố.

Cùng với đó nên cải thiện chất lượng xe và thái độ phục vụ của nhân viên. Chúng ta nên thay thế dần các xe chạy diesel bằng xe buýt chạy điện như ở TP.HCM thì tốt hơn. 

Tôi khẳng định, việc củng cố xe buýt thường tốt hơn là đầu tư xe buýt nhanh, tránh tình trạng lãng phí khi nâng chi phí đầu tư lên hàng chục lần nhưng chất lượng và hiệu quả không hơn”, TS Thủy nói.

Bên cạnh đó, Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông nhấn mạnh, Hà Nội nên tập trung xây dựng các tuyến đường sắt đô thị đi hay tàu điện ngầm để nâng cao hiệu quả phục vụ, tránh tình trạng ùn tắc giao thông.

“Chúng ta cần phải đầu tư dài hạn. Chúng ta cần phải xây dựng các tuyến tàu điện ngầm đi vào trung tâm, những tuyến cốt lõi đó hàng ngày có thể vận chuyển 30-40 vạn hành khách thậm chí hàng triệu hành khách/ngày. Như vậy sẽ tạo ra hiệu quả lâu dài hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới