Ba tháng sau khi vừa mới thành lập chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kêu gọi “Cải cách ruộng đất” khắp nơi với khẩu hiệu “đánh cường hào, chia ruộng đất”. Cuộc “cải cách” này đã để lại cho xã hội Trung Quốc nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cuộc “Cải cách ruộng đất” ở Trung Quốc đã để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Trên bề mặt ĐCSTQ lý giải rằng “Cải cách ruộng đất” là cách lập lại công bằng trong xã hội, nhưng thực chất đó chính là chiêu bài của những thủ lĩnh nông dân. Mao Trạch Đông lệnh cho tổ công tác “Cải cách ruộng đất” Cộng sản Trung Quốc: “Đặt chân đến đâu, việc đầu tiên là phải tạo ra cảnh tượng thật khủng bố”: cưỡng chế phân chia cấp bậc, tước đoạt quyền tư hữu tài sản, kích động quần chúng đánh địa chủ, dùng danh nghĩa “cách mạng” ngang nhiên xét xử và bắn chết địa chủ. Ngoài ra, thông qua “Cải cách ruộng đất” còn để đàn áp những người phản cách mạng, tiêu diệt các thành phần bị xem là “bóc lột”, “phản quốc”, “phản động” (thường là những người theo phe Đảng Quốc Dân). Trong một tài liệu xuất bản năm 1948, Mao Trạch Đông dự định rằng “một phần mười tá điền, địa chủ” (ước tính khoảng 50 triệu người) “cần phải bị loại bỏ” để “Cải cách ruộng đất”. “Cải cách ruộng đất” là tịch thu tài sản, đất đai của những người này và chia cho bần nông, cố nông; đồng thời tiến hành đấu tố và xử tội họ.
Tuy nhiên, Sau khi hệ thống chính quyền cơ sở của ĐCSTQ xây dựng kiên cố, người nông dân chia ruộng đất xong chưa kịp vui được mấy ngày lại bị ĐCSTQ cho “công xã hóa” tịch thu hết. ĐCSTQ ra lệnh nông dân phải nộp lại toàn bộ ruộng đất, thậm chí cả trâu cày và nông cụ. Mọi tài sản đều thuộc về sở hữu của ĐCSTQ. Cái gọi là “Cải cách ruộng đất” chỉ là một trò bịp bợm, mãi cho đến tận ngày nay ĐCSTQ vẫn quy định ruộng đất là sở hữu công, cũng tức là sở hữu của Đảng, không chịu trả lại ruộng đất cho nông dân, dùng phương thức cho thuê, thầu khoán để giao ruộng cho nông dân cày cấy.
Dưới chiêu bài “đả đảo địa chủ để lấy ruộng”, ĐCSTQ triển khai rộng thủ đoạn trấn lột ra toàn xã hội, vứt bỏ truyền thống trật tự cũ và thay vào đó là ‘trật tự mới’ gây ra những hậu quả xã hội vô cùng nghiêm trọng được giới nghiên cứu chỉ ra như sau:
(1) Phá vỡ hệ giá trị đạo đức xã hội truyền thống, làm xã hội rối loạn
Cuộc sống mọi người ở các vùng nông thôn đang bình yên, mọi người đã sống cùng nhau đời đời kiếp kiếp trải qua nhiều thế hệ, tuy có phân biệt người giàu kẻ nghèo nhưng trật tự này được mọi người chấp nhận và yên ổn sống cùng nhau. Mọi thứ đang hòa bình trong nề nếp trật tự thì chính sách “Cải cách ruộng đất” được thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế tàn bạo và tùy tiện đã làm đảo lộn tất cả. Phong trào cải cách ruộng đất đã đưa cả xã hội vào cuộc chiến chém giết nhau, hệ giá trị đạo lý trong xã hội truyền thống tan vỡ trong khi hệ giá trị mới chưa có gì khiến bản năng sống tự tư tự lợi có cơ hội bùng nổ, nền tảng đạo đức xã hội theo đó hoàn toàn suy sụp.
Trật tự của xã hội truyền thống là một trật tự bền vững, như xếp đá tảng, những tảng đá to, nặng cần được đặt ở dưới, làm bệ đỡ, làm rường cột cho những tảng đá nhỏ ở bên trên. Còn ĐCSTQ đã biến mối quan hệ xã hội “cộng sinh” tự nhiên (chủ đất- tá điền, chủ xưởng- công nhân), vốn dĩ không hề là mâu thuẫn, trở thành mối hận thù giai cấp, tạo cơ sở từ học thuyết đấu tranh sinh tồn của loài động vật đem áp dụng cho xã hội con người. Cũng như giờ đây, liệu có thể nào hàng vạn nhân viên của những tập đoàn lớn như Google, Facebook, Microsoft lại có thể căm thù địa vị ông chủ của Mark Jukeberg, Bill Gate… thay vì cảm kích họ đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn người?
(2) Phá hoại năng lực sản xuất nông thôn
Tại nông thôn, đa số phú nông, địa chủ là những người lao động giỏi điển hình, họ làm việc chăm chỉ và sống tằn tiện, biết kinh doanh. Theo thời gian, họ ngày càng kiện toàn về phương tiện sản xuất, có điều kiện về tiền vốn, đã xây dựng được quy mô sản xuất nhất định; họ có kinh nghiệm phong phú, dễ dàng tiếp thu những cái mới, có kiến thức về lựa chọn và cải tạo cây trồng; phương pháp canh tác tiến bộ của họ chính là hình mẫu cho những người nông dân nghèo khổ khác… Nếu những người này tiếp tục giàu lên, con cái họ du học nước ngoài trở về kế tục sự nghiệp thì hoàn toàn có thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa trình độ tổ chức sản xuất phát triển theo kịp các nước tiên tiến khác. Nhưng chính sách “Cải cách ruộng đất” đã giết chết họ, tư liệu sản xuất của họ bị phân chia tản mác không còn phát huy được tác dụng… Như vậy, “Cải cách ruộng đất” đã chặn đứng mạch phát triển.
Con người trên đời có muôn hình vạn trạng, nhiều người đầu óc chỉ quen suy nghĩ mơ màng. Nhiều người bần và trung nông chỉ có thể làm việc đơn giản theo chỉ đạo của người khác, họ thiếu năng lực độc lập trong công việc. Ruộng đất tươi tốt sau khi phân chia cho những người này không thể phát huy được tác dụng gì: thứ nhất họ thiếu tiền vốn, thứ hai là thiếu nông cụ, thứ ba là thiếu hạt giống, thứ tư là thiếu kinh nghiệm… Thực tế minh chứng rõ ràng: nhiều cánh đồng phì nhiêu màu mỡ bỗng chốc trở thành vô dụng. Vì thế mà sau cải cách ruộng đất, tổng giá trị sản xuất đã bị sụt giảm nghiêm trọng.
Đặc biệt, nhiều người làm ăn biếng nhác, sau khi tiêu hết những của cải được phân chia lại mang ruộng vườn bán cho người khác (sau này bị cấm không cho mua bán ruộng đất), cuối cùng những người này vẫn trở lại nghèo túng như xưa.
“Cải cách ruộng đất” được thực hiện thông qua đấu tranh và tàn sát lẫn nhau, những địa chủ và phú nông giỏi tổ chức công việc bị thanh trừng, trấn áp, tước đoạt tài sản, làm những tài năng tổ chức công việc ở nông thôn ngày càng sụt giảm; tư liệu sản xuất đang tập trung thì bị phân chia tản mát cho những hộ cá thể hoặc cá nhân bất tài vô dụng, khiến sức sản xuất tổng thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
(3) Bộ máy lãnh đạo nông thôn suy thoái
Trong thời đại khoa cử, người không có công danh (chưa đỗ tú tài, cử nhân) không được phép bổ nhiệm vào giới lãnh đạo, vì thế mà tố chất những lãnh đạo địa phương khi đó tương đối ổn, đa số họ sống tận tâm phụng sự việc công với tinh thần liêm khiết, còn có chuẩn mực nhất định để xứng đáng đại diện cho quần chúng nhân dân.
Sai lầm đầu tiên phải kể đến là từ năm 1906 khi thực hiện hủy bỏ chế độ khoa cử. Do cào bằng mọi người nên cuối cùng ai cũng có quyền trở thành lãnh đạo. Những kẻ lưu manh cơ hội được nước béo cò ào ào chen nhau vào. Những kẻ này tốt xấu lẫn lộn, hình thành những phe phái khác nhau tranh quyền đoạt lợi, chúng không bao giờ thèm quan tâm đến cuộc sống nghèo khổ của những người nông dân. Những kẻ này không bị ràng buộc gì với những giá trị đạo đức công của Nho gia, không chịu sự kiểm soát của Chính phủ, chúng tham ô vơ vét, hành động theo dục vọng cá nhân… Xã hội nông thôn theo đó ngày càng rối loạn, bất an.
“Cải cách ruộng đất” đã trọng dụng những “kẻ vô sản lưu manh” (trộm cắp, du côn, lưu dân không nghề nghiệp…) vì đây là thành phần xung phong tấn công đấu tố địa chủ, phú nông, sau đó chúng được vào đảng làm quan, trở thành những Bí thư, Ủy viên, Chủ nhiệm, Thôn trưởng… Như vậy, bộ máy lãnh đạo cơ tầng nông thôn bị lưu manh hóa triệt để. Đa số những đối tượng này không biết một chữ bẻ đôi và đặc biệt thiếu tư cách nhưng lại đường đường trở thành lãnh đạo, chúng không những không cảm thấy xấu hổ mà ngược lại còn cho bản thân được thế là vinh quang!
Những kẻ tự tư tư lợi này giỏi nịnh hót, ngụy trang, kéo kết bè phái, nhận người thân thích, làm việc mờ ám… Chúng bất tài vô dụng, không hiểu gì công việc sản xuất nhưng thích chỉ tay năm ngón khiến nền kinh tế bị tổn thất nghiêm trọng. Vị trí lãnh đạo rơi vào tay những kẻ vô văn hóa và phẩm cách thấp kém cùng tầm nhìn nông cạn này thì làm sao hy vọng sức sản xuất của nông thôn gặt hái được thành quả tốt đẹp? Sau đó tình trạng ngày càng bi đát khi dưới mệnh lệnh của những kẻ đầu óc mơ màng, nền sản xuất nông thôn tăng tốc hợp tác hóa, công xã nông thôn hóa, đại nhảy vọt… Cho đến sau 1960 thì nền sản xuất hoàn toàn sụp đổ gây thảm cảnh hơn 40 triệu người chết đói…
(4) Thảm họa từ “Đại nhảy vọt” cùng hệ thống công xã nhân dân
“Cải cách ruộng” đất cùng chính sách nông nghiệp thường xuyên thay đổi (ban đầu là làm ăn cá thể, sau đó là “Đại nhảy vọt” và hợp tác hóa; đến thập niên 80 lại chia ruộng cho từng hộ làm riêng…) đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: sản xuất nông nghiệp ngưng trệ không thể phát triển, tình trạng lạc hậu kéo dài, cho đến tận bây giờ vẫn chưa thoát được mô hình kinh tế tiểu nông, nền sản xuất nông thôn tụt hậu ngày càng xa so với trình độ phát triển nông nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới.
(5) Cải biến bản chất người nông dân
Dưới bàn tay nhào nặn của ĐCSTQ và bị nhồi nhét lý thuyết đấu tranh sinh tồn của động vật vào đầu, những người nông dân hiền lành, chân chất bỗng chốc hóa thành ‘quỷ dữ’, hung hăng, đáng sợ, cướp bóc bất chấp đạo lý, gào thét đòi “công bằng”, sẵn sàng đạp đổ tất cả, đấu tố, giết người, thù hận đến tận xương tủy những ai giàu có hơn mình và vui sướng trên nỗi khổ đau của người khác. Tư tưởng thù hằn nhà giàu đó cho đến nay vẫn còn đậm dấu trong xã hội.