Tuesday, September 17, 2024
Trang chủBiển nóngSự khác nhau về chính sách với Biển Đông của ông Trump...

Sự khác nhau về chính sách với Biển Đông của ông Trump và Obama

Các lãnh đạo Hải quân Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương muốn tăng cường gửi tàu chiến đến gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông, Navy Times dẫn lời một số quan chức hải quân.

Tổng thống Obama không cho phép Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong vài năm. Liệu Tổng thống Trump có phê duyệt đề nghị của Hải quân Mỹ?

Một hạm đội với tàu sân bay Carl Vinson có căn cứ tại San Diego dự kiến sẽ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải hướng về Biển Đông, theo ba quan chức quốc phòng Mỹ nói với Navy Times với điều kiện giấu tên.

Kế hoạch tuần tra sẽ được tiến hành trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mới được xây dựng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và / hoặc quần đảo Hoàng Sa. Động thái này sẽ là một thách thức mới đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển, vốn gây căng thẳng cho mối quan hệ Washington và Bắc Kinh, Navy Times nhận định.

Trong nhiều năm qua, các lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ như Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris đã cố gắng tìm kiếm một cách tiếp cận quyết liệt hơn đối với Trung Quốc về Biển Đông.

Nhưng Tổng thống Obama đã cấm Hải quân tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo Navy Times. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã ra sức tiến hành các hoạt động cải tạo đất và xây dựng quân sự xung quanh các rạn san hô và hải đảo.

Cuối năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt các vũ khí đánh gần trên quần đảo Trường Sa.

Navy Times cho biết, nhiều lãnh đạo Hải quân Mỹ cho rằng chính sách thận trọng của ông Obama đã khiến một nhiệm vụ Hải quân bình thường lại thành ra có vẻ hung hăng.

“Nó (hoạt động tự do hàng hải) càng trở thành một vấn đề to tát, thì nó càng có vẻ như chúng ta đang trả đũa hay trả thù. Không phải vậy.”, theo ông Bryan McGrath, một thuyền trưởng tàu khu trục đã nghỉ hưu và là nhà tư vấn của Ferrybridge Group.

“Đó là điều mà chúng ta làm. Chúng ta nói rằng: ‘Đây là vùng biển quốc tế và chúng ta tự hào được lái tàu qua đó, tiến vào trong đó, hay bay trên đó để bảo vệ quyền lợi của chúng ta cũng như quyền lợi của những người khác’”.

Theo Navy Times, các lãnh đạo Hải quân Mỹ tin rằng các hoạt động tự do hàng hải sẽ giúp làm rõ các quyền lợi theo quy định của luật pháp quốc tế và đảm bảo tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Tân Tổng thống Donald Trump được kỳ vọng là sẽ thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện giờ ông vẫn chưa tiết lộ cụ thể chính sách về Châu Á, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Navy Times cho biết kế hoạch tự do hàng hải trên Biển Đông hiện đang được trình xin phê duyệt từ Tổng thống. Đây có thể sẽ gợi ý cho giới quan sát về sách lược của nhà lãnh đạo được coi là khó đoán trước.

“Chính quyền Trump phải quyết định điều mà họ muốn đạt được,” theo ông Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS.

“Tôi nghi ngờ rằng họ có thể buộc Trung Quốc rút khỏi các đảo mới xây dựng trên quần đảo Trường Sa. Nhưng Mỹ có thể xây dựng một chiến lược nhằm ngăn cản Trung Quốc khai hoang thêm đất, ngăn chặn quân sự hóa và ngăn cản Trung Quốc sử dụng các tiền đồn mới của họ để đe dọa và ép buộc các nước láng giềng”, ông Glaser nói với Navy Times trong một cuộc phỏng vấn.

Navy Times cho biết, trong các cuộc họp kín giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và các quan chức Nhật Bản gần đây, ông đã khẳng định rằng Mỹ có kế hoạch áp dụng một cách tiếp cận quyết đoán với Trung Quốc về Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới