Saturday, April 27, 2024
Trang chủBiển nóngNgăn chặn TQ, Mỹ hành động nóng trên Biển Đông

Ngăn chặn TQ, Mỹ hành động nóng trên Biển Đông

Mỹ có thể điều cụm tàu sân bay tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc mới bồi đắp tại Biển Đông.

Hành động nóng

Theo Navy Times ngày 12/2, 3 quan chức hải quân giấu tên tiết lộ, lãnh đạo Hải quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đang muốn tiến hành một hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.

Hải quân Mỹ có thể điều cụm tàu sân bay tấn công này tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới bồi đắp (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), và quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng (trái phép).

Hành động này sẽ thách thức các tuyên bố chủ quyền (bất hợp pháp) của Trung Quốc đối với hai quần đảo này, nó có thể gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh như trong quá khứ.

Kế hoạch này được sự chấp thuận của Tổng thống Donald Trump và sẽ đặt nền móng cho các hoạt động xuyên quốc gia, thể hiện những gì chính quyền mới muốn chính sách châu Á của mình cần đạt được.

Trong nhiều năm qua, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã cắt giảm các hoạt động hải quân quanh khu vực tranh chấp như quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã bồi lấp đảo nhân tạo những năm gần đây.

Lãnh đạo hải quân Mỹ tin rằng, các hoạt động FONOPS sẽ giúp làm rõ các quyền theo luật pháp quốc tế, đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Tiến sĩ Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế từ Washington DC nói với Navy Times:

“Chính quyền Donald Trump phải quyết định những gì họ muốn đạt được. Tôi thì nghi ngờ họ có thể buộc Trung Quốc phải rút khỏi các đảo nhân tạo họ mới bồi đắp ở Trường Sa.

Tuy nhiên, Mỹ có thể phát triển một chiến lược ngăn chặn họ tiếp tục bồi đắp thêm, tăng cường quân sự hóa, đồng thời ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các tiền đồn quân sự mới để đe dọa, ép buộc các nước láng giềng”.

Thông tin về các hoạt động FONOPS của Hải quân Mỹ ở Biển Đông xuất hiện trong bối cảnh báo chí Nhật Bản cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong cuộc họp kín với đồng minh châu Á đã đảm bảo với các quan chức Nhật, Mỹ đã có kế hoạch tiếp cận quyết đoán với hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.

Người phát ngôn Hạm đội 3 Ryan Perry cho biết: “Việc triển khai cụm tàu sân bay tấm công của Hạm đội 3 tới Tây Thái Bình Dương không có gì đặc biệt.

Cụm tàu sân bay tấn công của chúng tôi đã tuần tra thường xuyên ở Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua và sẽ tiếp tục. An ninh, -ổn định và thịnh vượng chung của khu vực phụ thuộc vào nó”.

Cụm tàu sân bay tấn công nói trên bao gồm hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, USS Carl Vinson cùng với 2 khu trục hạm Wayne E. Meyer, Michael Murphy, tàu tuần dương Carrier Air Wing 2.

Mỹ lấy lại vị thế trên Biển Đông

Các quan chức Hải quân Mỹ nhận định rằng, Mỹ đã hoạt động ở đó trong nhiều thập kỷ và sẽ duy trì nguyên trạng. Nhưng ông Obama đặc biệt cấm Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động FONOPS ở Biển Đông từ năm 2012 đến 2015.

Chính trong thời gian đó, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông trên 7 cấu trúc ở Trường Sa của Việt Nam.

Điều này đã khiến quân đội Mỹ thường xuyên thất vọng với sự cẩn trọng của nhà lãnh đạo Washington với các hoạt động tuần tra hải quân bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tờ Business Insider đánh giá, chính quyền Obama lo sợ gia tăng căng thẳng với Trung Quốc trong các vấn đề khác, như thỏa thuận chống biến đổi khí hậu nên đã tỏ thái độ vô cùng thận trọng.

Giới quân sự dự đoán, cách tiếp cận của Nhà Trắng thời kỳ ông Donald Trump cầm quyền sẽ cứng rắn hơn, có thể tăng nguy cơ va chạm bất ngờ với các lực lượng Trung Quốc trong khu vực. Đương nhiên việc này sẽ dẫn đến một phản ứng ngoại giao gay gắt từ Bắc Kinh.

Mới đây, Reuters cho biết, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết rằng, Washington sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ ở các vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông.

”Tôi nghĩ Mỹ sẽ đảm bảo rằng chúng tôi bảo vệ lợi ích của chúng tôi tại đó. Đó là vấn đề về những quần đảo vốn trên thực tế thuộc vùng biển quốc tế và không phải của riêng Trung Quốc.

Chúng tôi đảm bảo sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ quốc tế không bị xâm chiếm bởi một quốc gia” – người phát ngôn Nhà Trắng, ông Sean Spicer nói trong một cuộc họp báo sáng ngày 23/1.

Trước đó ít ngày,  khi được hỏi về việc làm thế nào để ủng hộ Washington tỏ thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, Bắc Kinh nên bị cấm tới các đảo mà nước này xây trái phép ở biển Đông.

Ông cũng khẳng định, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông là hành động xâm chiếm khu vực đang tranh chấp một cách trái phép, bất tuân luật pháp quốc tế.

”Chúng ta sẽ phải gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng, việc xây dựng đảo phải dừng lại và họ sẽ không được phép tới các đảo đó nữa”, ông Rex Tillerson nhấn mạnh.

Theo ông Tillerson, hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông là cực kỳ đáng lo ngại và có thể trở thành mối đe dọa nền kinh tế toàn cầu nếu Bắc Kinh kiểm soát việc ra vào ở vùng biển này, vốn có tầm quan trọng quân sự chiến lược và là tuyến thương mại lớn.

Có thể thấy, việc Hải quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương muốn tiến hành một hoạt động tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông là những bước đầu tiên trong kế hoạch kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông của chính quyền Donald Trump.

RELATED ARTICLES

Tin mới