Monday, May 20, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 06/06

Bản tin Biển Đông ngày 06/06

Bản tin Biển Đông ngày 06/06/2017.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mong muốn hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC) ở Biển Đông trong năm Chủ tịch ASEAN của Philippines

Ngày 5/6, trang Business World Online đưa tin, ngày 4/6, sau khi thăm tàu sân bay của Nhật Izumo tại Vịnh Subic, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định ông mong muốn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm Chủ tịch của ASEAN của Philippines nhằm “giải quyết hoà bình các tranh chấp trên biển trên tinh thần tuân thủ thượng tôn pháp luật”.

Singapore hé lộ một số sáng kiến quốc phòng ASEAN mới trong Năm Chủ tịch sắp tới của nước này

Ngày 5/6, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Singapore hé lộ một số sáng kiến quốc phòng ASEAN mới trong Năm Chủ tịch sắp tới của nước này” của nhà báo Prashanth Parameswaran. Tác giả cho biết, trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn An ninh Châu Á – Đối thoại Shangri-la 2017 (SLD), Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã đưa ra một loạt các sáng kiến quốc phòng mà Singapore sẽ thúc đẩy trong năm Chủ tịch ASEAN của mình. Đó là: (i) Singapore sẽ thúc đẩy cuộc tập trận trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc, (ii) Singapore sẽ mở rộng Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) tới tất cả các nước ADMM+ , (iii) Singapore sẽ đi đầu trong ASEAN thiết lập một bộ các quy tắc hướng dẫn đối với các vụ va chạm trên không giữa các máy bay quân sự cho ASEAN, tương tự như bộ quy tắc hướng dẫn trong Biên bản Ghi nhớ về các Quy tắc hành xử an toàn trong các vụ va chạm trên không giữa Mỹ – Trung Quốc tháng 9/2015. Ngoài 3 sáng kiến này, ông Ng còn khẳng định Singapore và Việt nam đã đề xuất ADMM+ cần được tiến hành hàng năm nhằm hỗ trợ tốt hơn cho ASEAN để đối phó với nhiều vấn đề cấp bách. Parameswaran nhận định, đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore là nguồn khích lệ đối với không chỉ các nước thành viên ASEAN mà còn nhiều nước thành viên ADMM+ khác vì nó phù hợp với những nỗ lực của các bên nhằm tăng cường tần suất các cuộc họp khi cần thiết. Tác giả bài viết cho rằng, dù đề xuất của ông vẫn chưa đề cập đến vấn đề Biển Đông do tổng hợp nhiều yếu tố nhưng Singapore đã có những đóng góp trong việc giúp đỡ ASEAN vượt qua thời kỳ khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông và tỏ ra kỳ vọng vào năm Chủ tịch sắp tới của Singapore.

Trước những cáo buộc của cộng đồng quốc tế về cách hành xử của mình, Trung Quốc hung hăng đáp trả và khăng khăng bảo vệ yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông

Ngày 5/6, tờ Trung Hoa Nhật báo đưa tin, ngày 4/6, trong thông cáo báo chí được đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố “Trung Quốc cực lực phản đối các phát biểu vô trách nhiệm của Mỹ và Nhật Bản liên quan đến Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la được tổ chức ở Singapore”, vu cáo cho một số quốc gia “đã phô trương sức mạnh quân sự và đe doạ chủ quyền của Trung Quốc với lý do tự do hàng hải và hàng không”, đồng thời viện cớ “chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển liền kề” để nguỵ biện cho những hành động lắp đặt trang thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Trung Quốc đang cố “chơi đẹp” tại Đối thoại Shangri-la

Ngày 5/6, Nikkei đăng bài viết “Trung Quốc đang cố gắng chơi đẹp tại một diễn đàn an ninh quan trọng” của nhà báo Oki Nagai. Bài viết cho rằng bất chấp việc Trung Quốc đang ra sức thể hiện thái độ mềm mỏng tại Hội nghị về an ninh Châu Á – Đối thoại Shangri-la tại Singapore, nhiều quan chức quốc phòng vẫn bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về cách hành xử của nước này.

Với việc đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị lần này chỉ ở cấp thấp – do Trung tướng He Lei dẫn đầu và hạn chế việc tham gia phát biểu, dường như Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định “xuống thang” để giữ quan hệ với cộng đồng quốc tế, cụ thể là với Mỹ vào thời điểm trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới. Thậm chí, theo thông tin từ một quan chức quân sự có mặt tại Hội nghị, Bắc Kinh cũng đã nhất trí với các nước ASEAN về nhiều vấn đề quan trọng để hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, đặc biệt là các nước có yêu sách chồng lấn đang nỗ lực “tự giải quyết với nhau”. Mặt khác, các đại biểu đoàn Trung Quốc cũng im ắng đến lạ thường, không hề lên tiến gì về cái gọi là “bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” như các năm trước. Tuy nhiên, một quan chức quân sự ở Đông Nam Á cảnh báo rằng, dù Trung Quốc đang nỗ lực hoà dịu hơn trong diễn đàn Đối thoại Shangri-la năm nay nhưng nước này không hề có ý “nhượng bộ ranh giới đỏ của mình”, vẫn sẽ tiếp tục quân sự hoá Biển Đông, bất chấp những quan điểm họ đưa ra tại Shangri-la như thế nào.

Mỹ liên tiếp gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và vấn đề Bắc Triều Tiên

The Guardian đưa tin, phát biểu tại Hội nghị AusMin về Đối ngoại, An ninh và Quốc phòng thường niên của Úc và Mỹ được tổ chức ngày 5/6 tại Sydney, Úc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ phản đối hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đã bị Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 kết luận là “bất hợp pháp” cũng như việc nước này quân sự hoá các cấu trúc ở khu vực. Mặt khác, ông Tillerson cho rằng “địa vị một siêu cường thương mại và kinh tế đang lớn mạnh cũng sẽ kéo theo những trách nhiệm về an ninh” nhưng “Trung Quốc càng lớn mạnh bao nhiêu thì hành động của họ lại càng hung hăng bấy nhiêu”. Trước đó, tại Hội nghị Shangri-la ở Singapore, ông cũng khẳng định rõ rằng “phạm vi và tác động của các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn khác so với hoạt động của các nước khác, trên nhiều phương diện quan trọng khác nhau”.

ASEAN đang hướng đến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông “có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý”

Ngày 6/6, Nikkei cho biết, trả lời phỏng vấn Nikkei ngày 5/6, ngày đầu tiên của Hội nghị về Tương lai Châu Á lần thứ 23 do Nikkei tổ chức, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định ASEAN sẽ tiến tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Ông cho biết, khung COC có thể sẽ được các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo phê duyệt trước khi các bên có thể trao đổi các vấn đề cụ thể. Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11, tại Manila, Philippines. 

RELATED ARTICLES

Tin mới